“Con trai thì phải mạnh mẽ!”
Đó là một câu nói vô cùng phổ biến, tưởng như vô thưởng vô phạt, mà phụ huynh, thầy cô và bạn bè hay nói với các bé trai. Thế nên cũng chẳng khó hiểu khi cậu bé trong câu chuyện Lion Lessons lướt qua hàng loạt các khóa học như yoga, đan len, đàn violon, làm bánh và thậm chí là võ karate để cuối cùng bước vào khóa “7 bước siêu dễ để đạt Chứng Chỉ Sư Tử”. Cậu bé nhận sự huấn luyện của một sư tử “lão làng” có chứng chỉ hành nghề của Harvard. Dù vô cùng nỗ lực trong 6 bài tập đầu tiên nhưng có vẻ như cậu bé nhỏ con, khá rụt rè này không có… năng khiếu để trở thành sư tử lắm. Vậy mà ở bài tập cuối cùng, “tố chất sư tử” trong người cậu tự nhiên lại trỗi dậy mạnh mẽ khi cậu mong muốn bảo vệ người bạn của mình. Trong tích tắc, cậu bé thể hiện tất các kỹ năng sư tử đã được học một cách vô cùng chuyên nghiệp, hệt như… một sư tử thứ thiệt!
Cậu bé trong câu chuyện Lion Lessons có lẽ giống như nhiều cậu bé khác ở ngoài đời, luôn khao khát trở nên mạnh mẽ hơn và tìm kiếm mọi cách để xây dựng cho mình một hình tượng cứng cỏi, nam tính hơn. Những đứa trẻ hướng nội, ít nói lại càng mong muốn khoác lên mình hình ảnh mạnh mẽ, oai phong vì những người xung quanh mong muốn nhìn thấy hình ảnh ấy ở các em, dù rằng có thể nó hoàn toàn không phù hợp với bản chất, cá tính của các em. Sự đa dạng luôn cần thiết để đạt được sự cân bằng và sự bền vững, trong hệ sinh thái tự nhiên mà trong hệ sinh thái tính cách cũng vậy. Chúng ta cần những đứa trẻ năng nổ, hoạt ngôn, song chúng ta cũng cần những đứa trẻ với nội tâm kín đáo. Vì sự mạnh mẽ của những đứa trẻ thể hiện có thân hình cứng cáp, giọng nói uy lực và sức mạnh thể chất dễ nhận biết hơn nên chúng ta thường quên mất sự mạnh mẽ trong tâm hồn của những đứa trẻ với bề ngoài khá rụt rè, nhút nhát. Cậu bé trong Lion Lessons dù cố gắng “đóng vai” thế nào cũng không giống sư tử, nhưng chính tinh thần chính nghĩa, sự dũng cảm cứu bạn bè lúc lâm nguy luôn sục sôi trong trái tim nhân hậu, hiền từ của cậu đã cho thấy một nguồn sức mạnh luôn tiềm ẩn trong cậu.
Mỗi đứa trẻ đều đã mạnh mẽ theo cách của riêng mình.
Như hầu hết các quyển sách tranh khác, Lion Lessons không thiếu sự hài hước bên cạnh một thông điệp nhân văn. Tính hài hước trong quyển sách này không chỉ nằm ở tình huống quái lạ thường thấy trong các tác phẩm của tác giả Jon Agee (Chẳng hạn như “Sẽ thế nào nếu một phi hành gia mang theo hộp bánh cupcake tới sao Hỏa?” trong quyển Life On Mars; “Sẽ thế nào nếu trong nón của một ảo thuật gia là một con gấu chứ không phải một con thỏ?” trong quyển Milo’s Hat Trick) mà còn ở sự phóng đại một sự việc bình thường. Trẻ em thường rất thích bắt chước động vật, từ giả bộ tiếng kêu đến mô phỏng các tư thế của động vật. Trong Lion Lessons, sở thích bắt chước động vật của các em được kịch tính hóa thành một khóa học bài bản với lộ trình đào tạo và phương pháp đánh giá chất lượng đầy sáng tạo (Ví dụ như hệ thống âm thanh đánh giá âm lượng “tiếng gầm” của học viên). Hơn nữa, nét vẽ đặc trưng của Jon Agee với viền bút lông đen và những mảng màu nhẹ trong việc biểu đạt cảm xúc của nhân vật cũng khiến câu chuyện dí dỏm hơn - hãy nhìn vào sự đối lập trong biểu cảm gương mặt của cậu bé nhút nhát và thầy sư tử “lão làng” trong quá trình huấn luyện.
Trong gần 40 năm sáng tác truyện thiếu nhi, một trong những thông điệp Jon Agee muốn truyền tải đến thiếu nhi qua các tác phẩm của mình là: “Tôi luôn hy vọng trẻ em sẽ cảm thấy những câu chuyện của tôi thú vị và những bức tranh của tôi cuốn hút. Hy vọng rằng các em sẽ cười sảng khoái hoặc ngạc nhiên tột cùng, và hơn thế nữa: Hy vọng một câu chuyện nào đó sẽ khuấy động các ý tưởng trong trí tưởng tượng phong phú của các em mà có thể trước giờ các em chưa từng nghĩ đến”. Và Lion Lessons thật sự sẽ mang đến những tiếng cười giòn tan và chạm đến sự sáng tạo vô bờ bến bên trong mỗi đứa trẻ.
0 Comments