Hôm nay, mình muốn kể cho các bạn nghe về một quyển sách tranh rất đặc biệt. Quyển sách này mặc dù đạt giải thưởng Cadecott Honor năm 2008, một giải thưởng dành chủ yếu cho sách thiếu nhi, nhưng biên độ đọc của nó vượt ra ngoài mọi ranh giới về độ tuổi.
Nhất là khi chúng ta nhìn về lịch sử, về những ngày trong quá khứ và cả về tương lai.
Tiệp Khắc, trước sự kiện mùa xuân năm 1968, là một vùng đất đang trở mình. Sau chiến tranh thế giới thứ II, Liên bang Xô Viết bành trướng thế lực và chi phối sâu sắc đến mọi lĩnh vực của đời sống các nước lân bang, trong đó có Tiệp Khắc. Tiếng Nga trở thành một ngoại ngữ bắt buộc, mọi thông tin bị kiểm soát, theo dõi, nghệ thuật, tôn giáo bị cấm đoán,... Người ta bị bủa vây với những "tin tức chính thống". Các trang tranh đều tuyền trắng đen, đôi lúc nổi bật lên màu cờ đỏ chính thống như một vết nhức nhối. Xen kẽ giữa những bức tranh là những trang tổng hợp thông tin từ nhật ký của cậu bé Peter Sis. Những dòng ngắn gọn thôi nhưng cho ta thấy được sức chia rẽ và sự lố bịch của những tình huống sống trong nền toàn trị. Bất kỳ hoạt động nào liên quan với nước ngoài thì đều quy thành gián điệp, những ví dụ về việc con cái tố cáo cha mẹ để bảo toàn tài sản hợp tác xã được đưa vào sách giáo khoa để dạy cho trẻ con... Nói chung là lời ít ý nhiều, các bạn nhìn quanh rồi tự điền tiếp cũng được vì sự "brainwash" nó cũng na ná vậy thôi. Bất kỳ một nền toàn trị nào đều có những thuộc tính xấu xí như nhau, cho dù nó ở dưới nền cai trị nào.
Cuốn sách là câu chuyện về một cậu bé thích vẽ. Cái phương tiện vẽ ấy giúp cậu nhìn thấy được những gì đang xảy ra quanh mình và ghi dấu lại được những biến chuyển của xã hội, của thời đại và của chính cậu. Lúc cậu còn bé, cậu vẽ theo y hệt những gì người ta dạy cậu ở trường. Những lá cờ đỏ, những biểu tượng, những rập khuôn...Nhưng khi những làn sóng tư tưởng và nghệ thuật phương Tây lan đến Tiệp Khắc và làm lung lay những mối xích ràng buộc của Liên Xô, những mầm mống tự do từ từ hé mình như những chồi non mọc lên. Cậu bé bắt đầu đặt những câu hỏi và muốn được vẽ những thứ theo ý riêng của mình. Họ bắt đầu có những nhóm nhạc hoạt động bí mật, những câu lạc bộ nghệ thuật dưới tầng hầm.... Những beat poetry, rock 'n' roll, blue jeans, rồi Coca-Cola, cả The Beatles len lỏi đến với thế giới của những người trẻ ở thủ đô Prague. Những bức tranh trở nên có màu sắc, sống động, đầy sức sống. Màu của tự do.
Vì thế vào mùa xuân năm 1968, chỉ trong một quãng thời gian rất ngắn, Liên Xô cho tập trung quân đội đến từ các nước lân cận, gần 500,000 binh lính trang bị vũ khí tối tân cùng xe tăng kéo đến vây kín thủ đô Prague để "giáo dục lại" người dân Tiệp Khắc tay không tấc sắt. Cái cuộc thanh trừng tan nát ấy để lại một vết thương khủng khiếp trong lòng người Tiệp Khắc. Những buổi mít tinh, hòa nhạc bị bao vây, bố ráp, đàn áp dã man. Hàng loạt người bị bắt bớ, thủ tiêu... Mùa xuân 1968 là một vết thương chấn động mãi mãi.
Nhưng, trên hết, từ trong tăm tối vùi dập ấy, những khát khao tự do vẫn vươn lên, bất chấp mọi rình rập, cấm đoán, đàn áp. Có một khung tranh trong sách mà mình cực kỳ thích. Một bức tường trắng bị lính canh gác nghiêm ngặt, nhưng những họa sĩ Prague vẫn tìm được mọi cách để vẽ lên đó, để thể hiện mong ước tự do của họ. Hết lần xóa này đến lần xóa khác không ngăn cản được mơ ước ấy.
Cái bức tường ngăn cách mà Peter Sis nói đến, nó vừa là hữu hình, vừa là vô hình. Năm 1989, bức tường Berlin đã sụp đổ. Nền toàn trị Xô Viết cũng sụp đổ, sau rất nhiều tranh đấu. Lời cuối trong cuốn sách của Peter Sis nói rằng: có khi những ước mơ đó sẽ thành hiện thực. Bởi nó được nuôi dưỡng, bởi nó được thực thi thành hành động. Tự do là một cái giá phải trả, đôi khi còn phải trả rất đắt mới có được. Freedom is not free.
Rất tiếc vì hiện tại quyển The Wall của mình vẫn còn đang nằm trong các thùng sách của thư viện chưa bung ra sau đợt chuyển địa điểm, nên các bạn xem tạm hình ảnh sách qua những ảnh trên internet vậy nhé. Hẹn một lúc nào đó thư viện mở lại và bạn ghé đọc The Wall nhé.
0 Comments