Những kẻ rời xa tuổi thơ từ hơn 30 năm trước hẳn còn nhớ lại về những khoảnh sân vườn quanh nhà mình, phải không? Mình làm sao quên được những ký ức thân mến về góc sân, mảnh vườn nơi mình ra đó đào đất, bắn bi, ngắm cây cỏ, đôi khi ngồi mải mê cả giờ để lò dò theo một chú châu chấu, rồi lại tuốt hết đám hạt mồng tơi để nghiền ra làm mực tím tập nguệch ngoạc chữ. Có ai đó bảo rằng : “Mỗi khu vườn là một mảnh vỡ ra từ vườn địa đàng”. Và hạnh phúc làm sao cho một đứa trẻ có tuổi thơ trôi qua cùng chiếc sân con, mảnh vườn nhỏ sau nhà…
Đã rất lâu rồi tôi không còn được cảm giác sung sướng chơi nghịch với những vun đất trong vườn, với chiếc lá, nụ hoa vờ làm đồ hàng… Và cũng không biết những em bé nhỏ ở đời sống đại đô thị ngày nay, với rẻo ban công bé xíu, các em có niềm vui ấy không?
Tôi đoán cô tác giả Lizi hẳn cũng từng có một ký ức tuổi thơ ngọt lành với mảnh vườn mảnh sân nhỏ nên cô mới làm ra một cuốn sách dù không có dòng chữ nào mà vẫn làm người đọc thổn thức đến thế. Cậu bé của cô trong sách có cả một trời tự do cùng thiên nhiên.
Cả cuốn sách là một vòng xoay bốn mùa từ xuân hạ thu đông rồi lại xuân và một cậu bé thư thái, tự do đầy sáng tạo chơi cùng thiên nhiên trong bốn mùa ấy. Mùa xuân em nghịch những rẻo tuyết sắp tan, tắm mưa xuân cùng chú rùa nhỏ. Mùa hè em thả diều, dong thuyền chơi và gieo hạt. Mùa thu em chơi đùa cùng lá vàng, tập hóa trang đóng kịch. Rồi đến mùa đông, tuyết trắng lại phủ đầy, em mang xe kéo ra trượt cùng niềm vui. Bốn mùa quanh em, nơi nào cũng rộn ràng niềm hạnh phúc của thiên nhiên, cây cỏ và những người bạn nhỏ của tuổi thơ: chó, mèo, chuột, chim chóc.
Trong tất cả các trang, cô Lizi đều có một ô cửa hay một hình cắt xuyên thấu rất đặc biệt. Hình ô cửa hay mảnh vuông ấy có lúc bật mí cho người đọc biết về hoạt động diễn ra ở trang sau, có lúc lại là hình nhắc lại những gì đọng trong trí nhớ của em bé về những niềm vui em vừa có được. Em bé của Lizi luôn có rất nhiều sách xung quanh và em cũng luôn nhớ vẽ lại những điều mình đã trải qua, những điều mình đang mơ ước.
Nhưng hơn cả thế, với ý nghĩa mà tác giả đã đưa vào tựa sách : TRONG NÀY – NGOÀI KIA, ta thấy được rằng nếu như bên ngoài là nơi em bộc lộ và thực hành những hoạt động vui chơi, khám phá thì bên trong ngôi nhà là nơi em nhỏ ôm ấp, nuôi dưỡng những suy nghĩ, ước mơ của em qua tranh vẽ, sách vở. Hẳn vì đó là tổ ấm bình yên mẹ cha cho em. Mặc dù chẳng có một người lớn nào xuất hiện trong sách, nhưng qua cách sắp xếp đồ đạc gọn gàng, cách em nhỏ tự biết trang trí lên tường những bức tranh của em, cách bày trí những cành hoa theo mùa và cả sự chuẩn bị cho em mọi dụng cụ để sẵn sàng cho mọi chuyến phiêu lưu, từ sách vở cho đến poster treo tường ở các căn phòng, vải vóc, kéo, dụng cụ để em tí toáy may thử các trang phục và đồ chơi cho chính mình…, ta có thể hoàn toàn hình dung ra tình thương mến của mẹ cha dành cho em. Em được cho không gian để phát triển, được tư do khám phá và được để ý, chăm chút cẩn trọng.
Em nhỏ trong quyển sách TRONG NÀY – NGOÀI KIA của Lizi Boyd có hành trình qua một năm đúng như như những gì mà thư viện Đủng Đỉnh Đọc đang mơ ước cho bất kỳ một em bé nào: em tìm NIỀM VUI trong những điều em khám phá nơi thế giới ngoài kia, em nuôi dưỡng để những điều đó trở thành THÓI QUEN của em và từ đó em phát huy được sự SÁNG TẠO.
0 Comments