Tác giả: David Shenk
Đăng trên The Atlantic 09/03/2010
![]() |
Tranh của Gary Waters / theiSpot |
Trí thông minh là gì, và nó đến từ đâu?
Vào giữa những năm 1980, hai nhà Tâm lý học vùng Kansas: Betty Hart và Todd Risley đã nhận ra một số vấn đề với Head Start, một chương trình của Mỹ dành cho trẻ em sinh trưởng trong tầng lớp thu nhập thấp. Chương trình được thực hiện nhằm giúp những đứa trẻ này thoát khỏi đói nghèo và phạm pháp. Nhưng với một kế hoạch can thiệp vào đời sống trẻ từ rất sớm, được vận hành tốt và nhận những khoản tài trợ kếch xù – nghĩa là vào khoảng 7 tỉ USD mỗi năm, nó không giúp ích gì nhiều trong việc nâng cao thành tích học thuật của trẻ. Các nghiên cứu chỉ cho thấy những ảnh hưởng tích cực “ít tới mức khiêm tốn” của chương trình này đối với trẻ từ 3 đến 4 tuổi trong việc đọc, học từ vựng, và không có tác động gì tới các kĩ năng về toán học.
Vấn đề mà Hart và Risley nhận ra ở đây, không nằm trong cách vận hành chương trình, mà ở việc tính toán thời gian áp dụng chương trình. Head Start đã không tiếp cận với trẻ đủ sớm. Bằng cách này hay cách khác, trẻ lớn lên trong những gia đình khó khăn, đã mắc kẹt trong những lối mòn tri thức từ rất lâu trước khi tham gia chương trình – nghĩa là trước khi lên 3, lên 4. Hart và Risley bắt đầu quá trình tìm hiểu tại sao, và làm thế nào. Họ muốn biết điều gì đã kéo lùi sự phát triển của trẻ ngay từ những giai đoạn đầu đời. Phải chăng do hệ gen nghèo nàn, môi trường tệ hại, hay còn có điều gì khác?
Hart và Risley sáng tạo ra một phương pháp, có thể nói là toàn diện và hoàn toàn mới lạ: trong vòng hơn 3 năm, họ thu thập số lượng từ được dùng để nói với trẻ nhỏ từ 42 gia đình thuộc 3 tầng lớp kinh tế - xã hội khác nhau.
(1) Gia đình cần sự hỗ trợ về tài chính
(2) Gia đình thuộc tầng lớp lao động
(3) Gia đình trí thức
Khác biệt thật đáng kinh ngạc. Trẻ thuộc gia đình trí thức được tiếp xúc trung bình nhiều hơn 1500 từ mỗi giờ so với trẻ sống trong gia đình tài chính còn khó khăn. Trong vòng 1 năm, số lượng từ khác biệt giữa hai nhóm gia đình đã lên đến con số 8 triệu; đồng nghĩa với việc khi trẻ lên 4, tổng số từ chênh lệch đã là 32 triệu. Hart và Risley còn nhận thấy độ chênh cũng như lỗ hổng khá lớn trong lối diễn đạt cũng như độ phức tạp của từ được trẻ sử dụng. Không chỉ vậy, khi rà soát thông tin, họ phát hiện cường độ của những trải nghiệm nói đầu đời có mối liên hệ trực tiếp với những thành tựu của trẻ sau này. “Chúng tôi cảm thấy choáng váng bởi sự khác biệt giữa những số liệu được tiết lộ,” Hart và Risley viết trong cuốn Meaningful Differences. “Điều ấn tượng nhất chính là sự khác biệt giữa trẻ em trong từng tầng lớp gia đình, và tầm quan trọng của việc tích lũy những trải nghiệm nói trước tuổi lên 3.”
Không ngạc nhiên khi cộng đồng tâm lý học phản ứng trước những phát hiện này bằng một sự quan tâm đặc biệt nhưng cũng đầy thận trọng. Năm 1995, một bài viết của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ đã thể hiện quan điểm trái chiều rằng “những mối liên hệ này có thể được giải thích gián tiếp thông qua hệ gen cũng như (thay vì) yếu tố môi trường sống. Vào năm 1995, những nhà nghiên cứu tâm lý học hàng đầu vẫn nghĩ rằng trẻ em được sinh trong điều kiện vật chất tốt hơn sẽ thừa hưởng bộ gen thông minh hơn từ cha mẹ. Những minh chứng về số lượng từ vựng nêu trên dường như chỉ là hệ quả của gen và không thể coi là nguyên nhân cho bất cứ vấn đề gì.
Nhưng giờ đây chúng ta đã rõ. Chúng ta biết yếu tố về gen không có tác động đơn lẻ tới trẻ, mà hai yếu tố: gen và môi trường, chúng tác động lẫn nhau: GxE (“Genetic differences do exist”). Sự khác biệt về gen được khẳng định là có tồn tại. Nhưng những khác biệt này không phải là xiềng xích trói buộc chúng ta mãi mãi đứng yên, mà là sợi bungee đang chờ để được kéo căng và trải dài hơn nữa. Khi nhân tố khởi nguồn về môi trường sống tích cực được phát hiện, mà ở đây chính là cách trò chuyện của cha mẹ, thì phản ứng hợp tình hợp lí nhất không phải là chống đối bằng cách cho rằng có khả năng chúng không hề có mối liên hệ với nhau, mà cần tiếp nhận những ảnh hưởng của chúng đến hệ gen và đời sống của chúng ta. Ngoài ra, còn một vài những nhân tố khác tác động đến sự phát triển của trẻ:
Trò chuyện với trẻ từ sớm với mật độ thường xuyên
Yếu tố này đã được tiết lộ trong một nghiên cứu của Hart và Risley, được củng cố thêm bởi Abecedarian Project thuộc trường Đại học North Carolina. Họ cho rằng việc cung cấp một môi trường sống phong phú cho trẻ từ khi mới sinh về những chủ đề học tập, sẽ đưa tới lợi ích đáng kể.
Đọc sách từ sớm với mật độ thường xuyên
Vào năm 2003, một nghiên cứu quốc gia báo cáo về những ảnh hưởng tích cực từ quá trình đọc của cha mẹ tới trẻ, bất chấp trình độ học vấn của cha mẹ. Năm 2006, một nghiên cứu tương tự tái khẳng định lợi ích của việc đọc. Lần này, nghiên cứu thậm chí còn loại bỏ hoàn toàn các yếu tố từ chủng tộc, sắc tộc, địa vị xã hội, thứ tự sinh, giáo dục mầm non, giáo dục từ mẹ, khả năng ngôn ngữ của mẹ, hay tình cảm mẹ dành cho trẻ.
Luôn nuôi dưỡng và khuyến khích
Hart và Risley còn nhận thấy, trong suốt 4 năm đầu đời, trung bình số trẻ sống trong một gia đình trí thức nhận được nhiều hơn 560.000 lời cổ vũ so với những phản hồi tiêu cực; con số này ở gia đình thuộc tầng lớp lao động chỉ là 100.000; với gia đình trong diện khó khăn thì trẻ nhận được những phản hồi tiêu cực nhiều hơn 125.000 so với những lời động viên, khuyến khích.
Đặt kì vọng cao
Như Sherman và Key phát hiện năm 1923, “trẻ chỉ phát triển khi môi trường sống quanh chúng yêu cầu chúng phát triển.”
Chấp nhận thất bại
Huấn luyện viên, CEO, giáo viên, cha mẹ, và cả những nhà tâm lý, đều nhận ra tầm quan trọng của việc đưa mục tiêu đạt tới giới hạn, hay thậm chí, vượt xa giới hạn. Thất bại phải được xem như một công cụ, một bài học cho những thách thức tiếp theo, chứ không phải là một dấu hiệu cho thấy năng lực của trẻ đã đạt tới giới hạn cuối cùng.
Khuyến khích “lối tư duy cầu tiến”
Nhà tâm lý học Carol Dweck thuộc trường Đại học Stanford đã gầy dựng sự nghiệp của cô qua thành tựu nghiên cứu về tầm quan trọng của việc mỗi cá thể sống cần tin rằng năng lực của mình có thể được rèn giũa để trở nên tốt hơn. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, một cá thể càng có niềm tin vào tiềm năng phát triển của bản thân, càng có thể gặt hái được nhiều thành công.
Nhận ra những giá trị của các nhân tố trên cộng với những yếu tố về môi trường không làm giảm đi tầm quan trọng của yếu tố về gen. Trong mô hình GxE mới nhất, một khi đã chấp nhận ảnh hưởng của môi trường sống tới trẻ, đồng nghĩa với việc chấp nhận hệ gen cũng đóng một vai trò rất quan trọng: Việc đọc biểu lộ cho ta biết về gen. Việc nói biểu lộ cho ta biết về gen. Dạy dỗ cũng biểu lộ về gen. Với GxE, trí thông minh không phải là một vật có thể cầm nắm, mà là cả một quá trình. Tại sao có những trẻ dường như học tốt hơn ở trường ngay từ những ngày đầu? Tại sao chúng biết nói sớm hơn, là những người có thành tựu sớm hơn, và cho đến cuối, lại thành công hơn cả về mặt tài chính lẫn tư duy sáng tạo khi tới tuổi trưởng thành? Đó là bởi vì chúng được dạy, được huấn luyện, ngay từ những ngày đầu.
Cũng trong thời gian đó, nhà nghiên cứu tâm lý học thuộc City University of New York – Sylvia Scribner đã đưa ra một hiện tượng đặc biệt (nhưng không kém phần hấp dẫn), có thể được gọi bằng cái tên “phép tính với thùng bìa cứng”. Ví dụ khác lạ này được tiết lộ trong xưởng sản xuất Baltimore, nơi những nhân viên đóng thùng bìa cứng, dẫu không qua trường lớp, thể hiện khả năng tính toán đáng kinh ngạc ứng dụng vào công việc của họ. Mặc dù họ có thể là những người ít được đào tạo bài bản nhất, nhưng với không chút ngần ngại hay thảo luận từ trước, những người công nhân này có thể xác định chính xác số đơn hàng cần được được sắp xếp tuần tự, để từ đó giảm thiểu tối đa số lần phải đi lại. Có thể thấy rõ qua ví dụ:
Nếu một đơn hàng cần 6 pints (đơn vị đo lường của Anh. 1 pint = 0,85l) cho sữa nguyên kem, 12 pints cho sữa 2% béo, 3 pints cho sữa tách kem và bơ, thì một nhân viên lắp ráp có kinh nghiệm có thể sẽ dùng 24 pints cho một hộp sữa đã được rót đầy một nửa với sữa 2% béo và 1/3 được rót sữa nguyên kem, thay vì chuẩn bị đơn hàng từ những hộp còn rỗng. Dùng hộp đã đầy một nửa giúp công nhân có thể thực hiện đơn hàng bằng cách lấy ra 2 pints sữa nguyên kem, và thêm 3 pints sữa tách kem cùng bơ, để chỉ phải cúi xuống tổng cộng 3 lần. Hơn nữa, khi những đơn hàng không được phân chia đều nhau, người công nhân có thể luân chuyển dựa trên những khác biệt ở phần mô tả của từng đơn hàng, một cách tương đương nhưng đòi hỏi nhiều kĩ thuật để chuyển đổi giữa những số liệu thuộc các hệ thống định giá khác nhau.
Không có dấu hiệu nào của các kĩ năng trên từng xuất hiện trong các bài thi IQ, toán học, hay điểm số ở trường. Với bất kì cách thức đánh giá học thuật thông thường nào, những người công nhân này đều hoàn toàn có thể bị coi là không hề sáng dạ. Và khi những nhân viên văn phòng với trình độ học vấn cao hơn làm việc trong cùng một nhà máy, đôi khi phải thực hiện công việc lắp ráp, cũng không thể thuần thục kĩ năng sắp xếp hàng hóa như một người lắp ráp với IQ thấp.
Ở nửa kia bán cầu, tại Kisumu, Kenya, nhà tâm lý học thuộc trường Đại học Yale – Robert Sternberg tình cờ phát hiện một hiện tượng tương tự vào năm 2001, khi ông nghiên cứu về trí thông minh của học sinh Dholuo. Thoạt đầu ông đánh giá kiến thức của trẻ về các vị thuốc thảo dược trong vùng, sau đó kiểm tra chúng qua một khóa học khác. Bất ngờ thay, Sternberg đã phát hiện ra một mối liên hệ “mang đầy tính tiêu cực”. “Trẻ càng có nhiều kiến thức xã hội về nơi chúng sinh sống,” ông viết, “thì càng có xu hướng thể hiện kém hơn trong các bài kiểm tra từ vựng trên trường, và ngược lại.”
Vậy, tại sao, và bài kiểm tra nào, mới đươc coi là thước đo thể hiện trí thông minh?
Thực ra, những nghiên cứu nói trên đều không thể khiến người đọc sửng sốt. Chúng ta đều quen thuộc với khái niệm rằng “street smarts” (lanh lợi mưu mẹo) trái ngược với “school smarts” (sáng dạ học hành). Nhưng những công nhân ở Baltimore và học sinh ở Kisumu đã đặt ra một thách thức lớn cho những nhà nghiên cứu tâm lý học, xưa nay vốn đi theo những định nghĩa thông thường về trí tuệ. Robert Sternberg thấy những nghiên cứu này ngày một nhiều hơn, từ việc xem xét những nét thông minh dị biệt, đôi khi không thể kiểm tra được của trẻ em Yup’ik Eskimo, thợ săn Kung San vùng sa mạc Kalahari, giới trẻ đường phố Brazil, người xem đua ngựa ở Mỹ, hay nhân viên bán hàng tạp hóa ở California – ông nhận ra sự thiếu tương quan giữa khả năng chuyên môn của họ với điểm số IQ, và chúng ta, không cần gì hơn ngoài một định nghĩa hoàn toàn mới về trí thông minh.
Ông cũng thấy một vấn đề khác củng cố thêm cho quan điểm này: có nhiều hơn những khác biệt mong manh giữa bài kiểm tra “trí thông minh” với cái gọi là bài thi đánh giá năng lực, ví dụ như SAT II. Càng so sánh hai loại bài thi này, Sternberg càng cảm thấy khó khăn để tìm ra điểm khác nhau giữa chúng. Cả hai kiểu bài thi đều đánh giá thành tích mà trẻ đạt được, Sternberg kết luận, nghĩa là những kĩ năng đã được cá nhân đó học tập và trau dồi, phát triển.
Tất cả những đánh giá trên dẫn Sternberg tới một trong những tài liệu chính nghiên cứu về trí tuệ con người, phá vỡ bức tường bấy lâu nay đã ngăn cản cộng đồng có hiểu biết chính xác về trí thông minh.
“Trí thông minh”, ông tuyên bố vào năm 2005, “đại điện cho một chuỗi những kiến thức, kĩ năng đang trong quá trình phát triển.”
Nói cách khác, trí thông minh không phải là một thứ cố định. Trí thông minh không phải là một cái gì đó chung chung. Trí thông minh thậm chí không phải là một thứ. Đó là một quá trình luôn luôn tiếp diễn, luôn luôn vận động, khuyến tán. Những phát hiện này hoàn toàn khớp với công trình nghiên cứu trước đây của Mihály Csikszentmihályi và các đồng nghiệp, đã kết luận rằng “những người đạt thành tích học thuật cao không nhất thiết phải sinh ra đã “thông minh” hơn những người khác, nhưng chắc chắn là những người chăm chỉ hơn và luôn biết cách phát triển, đưa bản thân vào kỉ luật.”
Chúng ta có để đánh lừa bản thân khi nghĩ rằng, đánh giá trí tuệ một người cũng hệt như đo lường chiều dài của một chiếc bàn. Nhưng sự thật thì khác. Nó giống như đánh giá cân nặng của một đứa trẻ 5 tuổi. Tất cả những gì ta đã đo lường được chỉ có thể áp dụng cho đúng ngày hôm nay. Làm sao để trẻ trở nên tốt hơn vào ngày mai, hay cả những ngày sau? Điều đó chỉ có thể phụ thuộc vào trẻ, và vào tất cả chúng ta.
Cộng tác viên Linh
0 Comments