Trong đời sống đại đô thị này, mỗi ngày chúng ta đi xuyên qua những tranh luận, những đối thoại nảy lửa, những không-chấp-nhận, những thôi-đừng, những phủ nhận, những hờn ghen, loại bỏ. Có một thời đoạn mà người ta phải kêu trời hỡi, sao khắp nơi chỉ toàn nghe những tin thù ghét, hận bỏ nhau. Người ta ghét nhau vì nhiều lý do. Khác tôn giáo, khác tư tưởng chính trị, khác quan điểm sống, khác giai tầng xã hội, khác sở thích, khác xu hướng tính dục, khác giấc mơ, khác tình yêu,... Cái mớ hạt mầm ấy được gieo bao giờ mà sao có một sáng ngủ dậy lại thấy nó mọc tua tủa khắp nơi như gươm đao?
Tôi còn nhớ một bộ phim rất nổi tiếng của đạo diễn người Áo Haneke, tên là White Ribbon (Dải ruy băng trắng). Ở trong bộ phim đen trắng xuất sắc này, vị đạo diễn đã khắc họa được cái mà ông cho rằng chính là nguồn gốc của cuộc thế chiến thứ nhất. Đó là sự không chấp nhận, sự đàn áp, tẩy chay và không tôn trọng những điều khác biệt. Câu chuyện chỉ khởi đầu từ những sinh hoạt bất ổn nơi nhữn hạt giống phân biệt bị vun trồng tưới tẩm và cuối cùng bùng lên thành mồi lửa lớn.
Câu chuyện của Haneke chưa bao giờ là cũ. Nó vẫn trải dài qua hết thế kỷ XX và cho đến ngày nay, mỗi sáng thức dậy, tôi biết sự phân biệt ấy vẫn âm thầm dày vò bao nhiêu người. Chỉ cần người khác ta, chỉ cần một chút so sánh, tự nhiên lòng ta hẹp lại một tẹo rồi ta chẳng muốn dung thứ nữa. Sự khác biệt làm ta hoang mang, làm ta bất an, làm ta khó chịu. Những điều đó, có một lần, nhà thơ Charles Bukowski viết ra rằng:
"There is a loneliness in this world so great
that you can see it in the slow movement of
the hands of a clock.
people so tired
mutilated
either by love or no love.
people just are not good to each other
one on one.
the rich are not good to the rich
the poor are not good to the poor.
we are afraid."
Nỗi sợ hãi khác biệt ấy làm cho con người ta trở thành những ốc đảo cô đơn trong một biển người đầy trăn trở.
Ta không dung được người vì ta nghĩ lòng ta là một chiếc cốc nhỏ, mà sự khác kia như muối cứ rắc vào mãi, đến một lúc phải bão hòa. Nhưng nào có thế, vì lòng ta hẳn nên là con sông, dòng suối, biển cả...
Chính vì vậy, lần đầu tiên cách đây vài năm, khi cầm cuốn sách này lên, tôi đã có một cơn ớn lạnh. Ấy là bởi tôi không tưởng được rằng chỉ trong một vài trang sách cho trẻ con, người ta có thể tóm gọn lại được một cách đầy đủ cái nguyên do dẫn đến phân biệt, thù hằn, tẩy chay thậm chí là chiến tranh.
Cuốn sách đưa cho các em và cả người lớn một cơ hội để ngẫm nghĩ về những khái niệm đối lập: như thế nào là lớn, lớn so với cái gì; như thế nào là nhỏ, nhỏ so với cái gì? Tôi là một hạt bụi hay là bởi anh là quả núi?
Với ngôn từ vừa cô đọng, hình ảnh hài hước, cuốn sách này vừa dành cho những em bé nhỏ, để các em ươm trồng hạt mầm thấu hiểu, yêu thương, biết chấp nhận khác biệt và cũng dành cả cho người lớn, để có một lúc (hơi) giật mình trong những buổi sáng sớm.
Để mỗi ngày thức giấc, mình thấy cuộc đời không còn là những chiến trường hận thù.
0 Comments