Tuần vừa rồi, nhân lúc đọc quora thì chúng mình bắt gặp một câu hỏi mà chắc là nhiều vị phụ huynh cũng đang rất quan tâm: "Cô con gái 8 tuổi của tôi không thích đọc sách và dù cho tôi và chồng cố gắng thế nào, cháu vẫn không chịu đọc. Làm thế nào để tôi giúp cháu thích đọc sách?".
Link bài gốc từ Quora: https://www.quora.com/My-8-year-old-daughter-is-not-a-fan-of-reading-and-no-matter-how-much-my-husband-and-I-try-she-refuses-to-read-How-do-I-get-her-to-read
Đủng Đỉnh Đọc đã đọc một loạt các câu trả lời của nhiều vị trên Quora, kể cả phiên bản Anh và Pháp. Từ những câu trả lời vô cùng thú vị đó, chúng mình nhìn thấy được trên hết một ý: đọc là một việc tự nguyện và nó phải xuất phát từ niềm vui.
Cụ thể hơn, làm sao để nó là thói quen tự nguyện và niềm vui thì chúng mình mời các bạn đọc 2 phần chia sẻ rất đáng lưu ý cho câu hỏi này.
Mời các bạn cùng đọc nhé. Phần bài dịch có 2 phần, hơi dài một tẹo nhưng chúng mình tin là rất thú vị. Sau khi đọc xong, nếu các anh chị và các bạn cũng có những trăn trở hoặc chia sẻ về đề tài này, mình cùng comment, share cho nhau nhé.
1. Chia sẻ của Brian Knapp, đạo Thiên Chúa, kỹ sư phần mềm máy tính. Tôi viết blog code career genius.
Người lớn có khuynh hướng đưa ra những ý tưởng kinh khủng về việc đọc và họ có ý định ép lũ trẻ đọc mà không nghĩ tại sao chính họ thích việc đọc đến vậy.
Ví dụ, người lớn thường nghĩ xem làm thế nào để lũ trẻ không đọc mấy truyện vớ vẩn, chẳng hạn như là bộ Chiến Tranh Giữa Các Vì Sao sến sẩm, hay đám nhân vật trong mấy truyện dài kỳ theo chủ đề. Thay vì thế, họ mong lũ trẻ đọc mấy quyển thiên về “kinh điển” hoặc những quyển nghe có vẻ ”quan trọng”. Cớ sự đều từ đó mà ra hết.
Con gái chị thích xem hay nghe thể loại nào? Cháu nó thích loại phim gì? Cháu xem chương trình tv nào? Chơi game gì?
Thế chị đã từng thử để cháu đọc những loại sách mà cháu hẳn sẽ thích chưa?
Tương tự thế,chị đã bao giờ đọc sách cho con nghe chưa? Chị thực sự nên cố gắng đọc cho con nghe mỗi ngày.
Mẹ tôi từng đọc truyện cho anh em nghe hằng đêm trước khi đi ngủ và tôi nhớ đã thiếp ngủ từ từ trong lúc mẹ đang đọc và thì thầm “Thêm lần nữa đi mẹ!” nhiều lần trước khi tôi say ngủ.
Khi lớn lên, tôi nhận ra rằng bản thân thích thú với việc đọc và mẹ tôi luôn sẵn lòng mua hoặc mượn sách ở thư viện, bất kỳ quyển nào tôi muốn đọc. Hai mẹ con cũng hay la cà tại tiệm sách và thư viện chỉ để ngó nghiêng mấy quyển sách.
Giờ nhìn lại, tôi đã được bao quanh bởi sách và mẹ tôi hẳn đã đọc rất nhiều sách. Tôi đã noi theo thói quen đọc sách của mẹ, và rồi thậm chí là còn thích đọc hơn cả mẹ nữa.
Hầu hết cái mà tôi tự đọc cho bản thân là thể loại khoa học viễn tưởng và những truyện fantasy. Riêng bộ Chiến tranh giữa các vì sao, tôi đọc đi đọc lại không biết bao lần hồi tiểu học và trung học. Tôi đã đọc hàng tá quyển dành cho dân mọt sách như Lưỡi gươm của Shinarra và Dune. Có khoảng thời gian tôi còn đọc vài tiểu thuyết về ma cà rồng nữa cơ.
Điểm mấu chốt là, nguyên nhân khiến tôi thích sách không đến từ những quyển sách được người lớn nhồi nhét, mong trẻ con đọc. Sách tôi đọc đều là những quyển sách đầy hứng khởi và hài hước, chính là loại mà tôi thích.
Mẹ đã sáng suốt để tôi theo đuổi đam mê của mình và khuyến khích tôi làm vậy. Nếu chị muốn con gái chị đọc hoặc làm những thứ này nọ kia, hãy để cháu theo đuổi đam mê của cháu và khuyến khích điều đó.
Hãy tìm một quyển sách hay câu chuyện nào đó mà nó cháu thích và để nó cháu khám phá, rồi tìm cuốn tiếp theo.
Chị thử nghĩ xem, sách tốt thì có gì quan trọng nếu chị không bao giờ đọc nó.
- Brian
p.s. có thể chị thích Creative Genius bởi vì nó là một quyển sách.
2. Chia sẻ của David Lester, tôi là một gã mê đọc các tiểu thuyết giả tưởng, năm ngoái ngốn hẳn khoảng 100 cuốn.
Sơ lược về chính tôi: ngay từ lần đầu cầm tay vào quyển sách, tôi đã trở thành đứa mê mẩn việc đọc. Tôi đọc liên tu bất tận: hồi trung học, tôi đã từng đọc hơn 1000 cuốn để cho vui thôi, ấy là chưa kể đến những thứ mà học sinh bị bắt phải đọc khi đi học đấy. Tôi là một người sống hướng nội; tôi thích được một mình và đọc sách.
Tôi cũng từng biến cỡ hàng tá những đứa chán đọc thành người mê đọc sách.
Điều đầu tiên cần phải nói là: Chị không thể ép ai đó thích đọc sách được. Bố mẹ càng ép con thứ gì thì cái thứ đó càng liên quan đến mấy hình phạt và đương nhiên trẻ con càng muốn né tránh. Nếu con gái chị là một người hướng ngoại, ví dụ như, cháu chơi được với rất nhiều bạn cùng lúc, cháu ghét việc bị hạn chế giao tiếp xã hội, cháu cần nhận thật nhiều những thông tin và cảm xúc, chà, thì việc đọc sách không chắc sẽ rất quan trọng với cô bé; cháu sẽ nhìn nó như một kiểu nhiệm vụ.
Vì thế làm thế nào mà chị chuyển một người từ không-muốn-đọc thành vui-vẻ-đọc? Chị đừng ép uổng. Để bắt đầu, chị hãy đọc cùng với con, và - điều quan trọng nhất là - tìm đúng kiểu hay thể loại sách, tạp chí,vv...thực sự hấp dẫn các bé. Theo lý thì nếu chị gần gũi với con mình, chị biết cháu thích gì. Hãy tìm những quyển sách về đề tài đó. Còn đây là phần khó đây: rất ít cha mẹ đủ bận tâm thực sự với những mối quan tâm của con, để từ đó có thể phân biệt giữa những thứ tưởng na ná nhau nhưng thật ra rất khác biệt. Ví dụ như tôi thích truyện viễn tưởng. Bố mẹ tôi chỉ diễn giải thành “thích những thứ không như thế giới bình thường”, rồi dùng 20 năm tiếp theo để tin là tôi thích Chiến tranh giữa các vì sao, trong khi thật ra tôi ghét bộ truyện này. Với họ, bộ đó cũng không có sự khác biệt với Chúa tể những chiếc nhẫn (vì cũng là hàng tá những thứ quái vật kỳ dị đánh đấm và chạy nhảy khắp nơi). Vì vậy chị sẽ cần khám phá những tác phẩm xoay quanh chủ đề mà con chị thích. Khi chị tìm đúng sách, nó sẽ tự mời gọi trẻ con đọc. Một khi một đứa lười đọc bỗng nhận ra có những quyển sách không tẻ như cơm nguội, cháu sẽ bắt đầu đọc.
Khuyến cáo: thậm chí nếu chị có thể khiến cho một đứa-chán-đọc trở nên muốn-đọc, điều này không có nghĩa là cháu sẽ đọc ngấu nghiến như chị kỳ vọng đâu. Chị thử nghĩ về những người lớn mà chị biết hoặc làm việc cùng đi: nói một cách nghiêm túc thì bao nhiêu người trong số họ dùng khoảng 1 giờ mỗi tuần để đọc sách? Vì thế chị đặt mức kỳ vọng của chị đúng chỗ nhé.
0 Comments