Matt de la Peña là tác giả được trao Huân chương Newbery (Giải thưởng danh giá nhất nước Mỹ dành cho sách thiếu nhi xuất sắc nhất hàng năm) với tác phẩm “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”. Tác phẩm mới nhất của anh là “Tình yêu thương”.
Đây là bài viết của Matt de la Peña đăng trên tạp chí TIME. Sau đó bài này cũng đã nhận được những dòng phúc đáp đầy ý nghĩa từ tác giả Kate DiCamillo.
Chỉ vỏn vẹn trong mùa thu vừa qua, có hai lần tôi bị hai đứa trẻ làm cho không thốt nên lời.
Lần đầu tiên là tại một trường tiểu học ở Huntington, New York. Tôi đang ở trong hội trường, trước hàng trăm học sinh và sau khi chia sẻ về sách, chuyện sáng tác và giá trị của những câu chuyện, tôi bắt đầu lắng nghe và trả lời các câu hỏi. 5 hay 6 câu đầu tiên khá quen thuộc như: Tôi lấy ý tưởng từ đâu? Viết một cuốn sách mất bao lâu? Tôi có giàu không? (Hahahahaha!). Và rồi một cô bé học lớp 5 mang cặp kính xanh nhạt đứng dậy hỏi tôi một câu rất đặc biệt.
“Nếu chú có cơ hội gặp tác giả mình ngưỡng mộ, chú sẽ hỏi tác giả ấy điều gì?”
Vì một lý do nào đó mà câu hỏi của cô bé ấy, vào buổi sáng hôm ấy, đã đi xuyên qua bất cứ sự giả vờ nào thường len lỏi, nếu có, trong một buổi giao lưu sách. Ngày hôm trước, một người đàn ông ở Las Vegas đã nổ súng vào những người đi xem hòa nhạc từ căn phòng của ông ta ở khách sạn Mandalay Bay. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên lên tới đỉnh điểm. Người dân trên đảo Puerto tiếp tục hứng chịu những hậu quả nặng nề do cơn bão Maria gây ra. Tôi quan sát tất cả những gương mặt tươi sáng đang nhìn chằm chằm vào mình, và cố gắng hài hòa ánh sáng tuổi thơ với bóng tối của thực tại.
Tất nhiên, những thứ kể trên hoàn toàn không phù hợp với vị khán giả nhỏ tuổi ấy – và chẳng liên quan gì tới câu hỏi của em, nên thành thử ra tôi chỉ có thể đứng đó trong im lặng, đầy khó xử, chờ đợi từng giây từng phút trôi qua. Cuối cùng, tôi đã trả lời cô bé bằng một châm ngôn chuẩn bị sẵn nào đó, hay cách giải quyết nỗi buồn khi bị từ chối bản thảo, hoặc tầm quan trọng của việc đọc lại và chỉnh sửa bản thảo. Thế là hết giờ. Nhưng mấy tiếng sau, lúc tôi ngồi ở sân bay đông đúc, chờ đợi chuyến bay bị trễ của mình, câu hỏi của cô bé ấy vẫn cứ quanh quẩn trong đầu tôi. Tôi sẽ hỏi tác giả mình ngưỡng mộ điều gì nhỉ? Nhà văn Kate DiCamillo xuất hiện trong đầu tôi. Và Sandra Cisneros. Và Christopher Paul Curtis.
Giờ đây tôi muốn có cơ hội thứ hai.
Một câu hỏi sâu sắc như thế xứng đáng nhận được một câu trả lời tương xứng.
Khi máy bay đạt tới độ cao bay, tôi bừng tỉnh. Nếu tôi có cơ hội đặt câu hỏi với tác giả Kate DiCamillo, tôi sẽ hỏi cô ấy rằng: Một tác giả có thể trung thực đến mức nào trước một hội trường đầy ắp học sinh tiểu học? Chúng ta nên trung thực đến mức nào với độc giả của mình? Công việc của một tác giả là phải nói lên sự thật phũ phàng hay bảo vệ, giữ gìn sự ngây ngô, trong sáng của những độc giả nhỏ tuổi?
Một vài tuần sau đó, họa sĩ minh họa Loren Long và tôi biết được người kiểm duyệt chính không ủng hộ cuốn sách tranh sắp ra mắt của chúng tôi, trừ phi chúng tôi chịu thay đổi một bức vẽ để cho nó “nhẹ nhàng hơn”. Cuốn sách tên là Tình Yêu Thương , một chiêm nghiệm về tình yêu trong cuộc sống của trẻ em. Cảnh được yêu cầu thay đổi là một cậu bé rầu rĩ, chán nản núp dưới chiếc đàn piano với chú chó của mình trong khi bố mẹ cậu đang cãi nhau um sùm trong phòng khách. Có một chiếc cốc thủy tinh rỗng, kiểu dáng cũ, đặt trên chiếc đàn. Nhà xuất bản của chúng tôi nhận được phản hồi là chi tiết đó quá nặng nề đối với trẻ em, và nó cũng khiến các phụ huynh cảm thấy không thoải mái nữa. Tin đáng nản lòng này khiến tôi, lần đầu tiên trong sự nghiệp sáng tác của mình, nghiêm túc nhìn lại các bản thảo sách tranh mình đã viết. Tôi đang cố đạt được điều gì với những câu chuyện này? Tôi hy vọng gợi lên suy nghĩ, cảm xúc nào của trẻ em?
“Dự án” đặc biệt này bắt đầu một cách đầy ngây ngô. Bị sốc bởi sự chia rẽ vì bầu cử đang diễn ra trên khắp đất nước mình, tôi bắt đầu viết một bài thơ về tình yêu, như một cách để động viên và an ủi chính mình. Nó sẽ trở thành một bài thơ mà tôi có thể đọc cho mấy đứa con gái nhà mình cũng như chia sẻ với từng đứa trẻ tôi gặp gỡ ở từng bang, bất kể nơi ấy bỏ phiếu cho ai. Nhưng khi tôi đọc lên một trong những bản nháp đầu tiên của mình, nghe có chút gì đó không đúng lắm. Bài thơ khiến tôi cảm thấy bớt lo lắng, được khích lệ, nhưng tôi chẳng truyền tải được chút nào hiện thực phũ phàng đang diễn ra.
Vậy nên tôi viết lại từ đầu.
Trong vài tuần chỉnh sửa bài thơ, vợ tôi và tôi được báo một tin buồn. Đó là lần đầu tiên con gái tôi nhìn thấy mẹ khóc. Thế giới nhỏ xíu của con bé bị xáo động mạnh mẽ và nó bắt đầu nức nở theo, bấu vào chân của mẹ tha thiết muốn biết chuyện gì đang xảy ra. Chúng tôi phải trấn an con bé, trò chuyện và dỗ nó đi ngủ. Và khi chúng tôi đọc câu chuyện về hai con rùa tình cờ phát hiện ra chiếc mũ độc nhất vô nhị, tôi vẫn nhìn khuôn mặt đẫm nước mắt của con bé. Tôi không thể ngừng nghĩ về việc một phần sự ngây thơ, trong trẻo của con bé đã vĩnh viễn mất đi từ ngày hôm ấy. Nhưng có thể những trải nghiệm mất mát nho nhỏ này cũng cần thiết như những trải nghiệm hạnh phúc để một đứa bé có thể phát triển toàn diện. Có lẽ thay vì lo lắng và cố gắng bảo vệ con mình khỏi từng nỗi đau, từng sự tổn thương mà con có thể phải đối mặt, bố mẹ chúng ta chỉ cần đồng hành để cùng con vượt qua những trải nghiệm như thế. Hãy trò chuyện, tâm sự với con. Hãy ôm ấp, vỗ về con.
Và có vẻ như ý nghĩ này cũng chính là thứ mà tôi cần cho bản thảo mà tôi đang viết.
Loren và tôi sau cùng quyết định đấu tranh để giữ lại trang minh họa bị cho là “quá tâm tối, nặng nề đối với trẻ em”. Đó không chỉ là nhịp điệu cần thiết của câu chuyện, mà còn là vấn đề của sự đại diện. Trong thế giới sách, chúng tôi thường viết về sức mạnh của sự hòa nhập các chủng tộc - và về mặt này, chúng tôi bắt đầu nhìn thấy một sự biến chuyển thực tế - nhưng nhiều khía cạnh khác của sự đa dạng vẫn chưa được khai thác. Hãy nghĩ về những đứa trẻ cảm thấy không an toàn ngoài kia và phải núp dưới một chiếc đàn piano nào đó. Cũng như nghĩ về nguồn sức mạnh khi chúng ta nhìn thấy phần lặng thinh trong cuộc sống nội tâm của mình được thể hiện ra bên ngoài. Và đối với những người chưa từng trải qua kiểu cảm xúc đau buồn ấy, tôi không thể nghĩ đến một nơi nào an toàn hơn cho lần đầu tiên trải nghiệm những cung bậc cảm xúc phức tạp ngoài những trang sách, khi ta ngồi trong lòng người thân yêu.
Chúng ta đang ở trong thời kỳ hoàng kim của sách tranh với vô số lựa chọn. Vài cuốn xuất sắc nhất thì hài hước, ngớ ngẩn, hữu ích về mặt kiến thức hay nâng cao nhận thức xã hội. Hoặc chỉ đơn thuần là để an ủi, động viên. Nhưng tôi muốn tin rằng vẫn có chỗ cho những cuốn sách tranh chứa đựng những cảm xúc phức tạp. Nói tới đây, cuốn sách “Mỗi điều tử tế” tuyệt vời của Jacqueline Woodson hiện ra trong đầu tôi, kể về việc nhân vật chính đã bỏ lỡ cơ hội đối xử tử tế với bạn cùng lớp. Cuốn sách “Chú chim chết” của Margaret Wise Brown là một khám phá tuyệt đẹp về sự thương tiếc, nhớ nhung kẻ đã khuất qua đôi mắt trẻ thơ.
Việc này khiến tôi nhớ đến em bé thứ hai khiến tôi không thốt nên lời trong mùa thu này.
Lúc ấy tôi đang ghé thăm một trường tiểu học ở Rome, Georgia để đọc sách và chia sẻ với các em một trong những cuốn sách lâu đời của mình – “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ”. Nhưng cuối buổi giao lưu, tôi tự nhiên muốn đọc cuốn sách “Tình yêu thương” cho bọn trẻ, mặc dù nó còn chưa được xuất bản. Tôi chiếu hình minh họa của Loren trên màn ảnh trong khi ngâm nga bài thơ mà mình vẫn nhớ trong đầu, và rồi khi tôi kết thúc, một chuyện đáng nhớ xảy ra. Một cậu bé tức thì giơ tay. Tôi mời em và em nói với toàn bộ đám đông ở đó thế này: “Khi chú đọc bài thơ đó cho tụi con, một cảm xúc dâng trào trong con. Trong trái tim con. Và con nghĩ đến ông bà tổ tiên của mình. Nhất là bà mình, dẫu cho… bởi vì bà đã cho con tình vô vàn tình yêu của bà. Và giờ thì bà đã rời đi rồi.”
Và rồi cậu bé bắt đầu sụt sịt.
Và nhiều giáo viên cũng thút thít theo.
Tôi gần như đứng hình. Ngay trước mặt 150 em học sinh khối ba. Tôi mất vài phút mới có thể định hình mọi thứ và cảm ơn chia sẻ của cậu bé.
Trên đường về khách sạn, tôi không tài nào ngừng nghĩ về cậu bé ấy, và phản ứng cảm xúc vô cùng thuần khiết của em. Tôi thấy mình thật may mắn khi được ở đó để chứng kiến điều ấy. Tôi nghĩ về tất cả những cậu bé lớn lên trong tầng lớp lao động trên khắp đất nước mình vẫn còn đang sợ hãi, không dám bộc lộ bất cứ cảm xúc nào. Bởi lẽ đó chính là cách tôi đã lớn lên – cũng đầy sợ hãi. Tuy nhiên, cậu bé kia đã đủ dũng cảm để giơ tay, trước mặt tất cả mọi người, và chia sẻ cảm xúc thật lòng của em sau khi nghe tôi đọc sách. Và khi cậu bé bắt đầu khóc, một vài bàn tay từ bạn cùng lớp vỗ nhẹ lên đôi vai run rẩy của cậu – một hành động nhỏ của sự quan tâm. Tôi không biết mình có từng xúc động nhiều đến thế khi ở phía trong bốn bức tường của trường học không nữa.
Tôi hy vọng rằng một ngày nào đó, tôi sẽ có cơ hội để hỏi tác giả Kate DiCamillo những trăn trở của tôi về sự hồn nhiên và sự thật. Nhưng tôi biết chắc điều này: Trải nghiệm của tôi ở Rome, Georgia chính là lý do tôi viết sách. Vì câu chuyện nho nhỏ nào đó tôi viết trong căn phòng của mình, ngày này qua tháng nọ, rồi một ngày nào đó sẽ mang đến cơ hội cho một đứa trẻ nào đó ngoài kia cơ hội được “cảm”. Và nếu tôi có ở đó để chứng kiến chuyện ấy một lần nữa, hy vọng rằng lần tới tôi sẽ đủ can đảm để cho phép bản thân mình được khóc.
Mời bạn đọc tiếp bài phúc đáp đầy ý nghĩa của tác giả Kate DiCamillo tại đây: http://www.dungdinhdoc.com/2021/03/sau-khi-matt-de-la-pena-viet-bai-tren.html
Biên dịch: Hà Thy
0 Comments