Sau khi Matt de la Peña viết bài trên tạp chí TIME chia sẻ mong muốn được hỏi tác giả mình ngưỡng mộ nhất - Kate DiCamillo, về mức độ trung thực trong sách tranh cho thiếu nhi, Kate DiCamillo đã trả lời câu hỏi của Matt de la Peña như sau.
Matt thân mến,
Tôi đã đọc cuốn sách Tình yêu thương của cậu, và tôi muốn cậu biết rằng khi tôi mở trang sách ra và nhìn thấy một đứa trẻ trốn dưới chiếc đàn piano – nhỏ bé, lo lắng, sợ hãi – cái nhìn thấu tâm can dậy sóng trong tôi. Tôi cảm thấy lòng mình được nhìn thấu. Vì tôi đã từng là đứa trẻ trốn dưới chiếc đàn piano (thực tế và cả ẩn dụ) đó. Tôi cảm thấy bị cô lập bởi những bí mật và nỗi sợ trong chính căn nhà mình. Với tôi – như một đứa trẻ, nhìn thấy bức tranh ấy là một sự an ủi không lời nào tả xiết. Vì tôi đã biết rằng mình không đơn độc. Vì tôi đã cảm thấy ít xấu hổ hơn.
Cậu hỏi tôi rằng chúng ta – những tác giả sách thiếu nhi, nên trung thực đến mức nào với độc giả, dù cho trách nhiệm của chúng ta là nói lên sự thật hay bảo vệ, gìn giữ sự hồn nhiên, trong sáng của trẻ em.
Đây là một câu hỏi tôi dành cho cậu: Cậu đã bao giờ thử hỏi tất cả bọn trẻ con trong hội trường rằng chúng có biết và yêu thích cuốn sách Charlotte’s Web không? Theo kinh nghiệm của tôi, hầu hết cánh tay sẽ giơ lên. Và nếu cậu hỏi tiếp rằng bao nhiêu người đã từng khóc khi đọc cuốn sách đó, chắc chắn những cánh tay ấy vẫn giơ thẳng lên cao, không một chút nao núng nào.
Hồi còn nhỏ, bạn thân nhất thời thơ ấu của tôi đọc cuốn Charlotte’s Web nhiều đến mức không thể đếm nổi số lần. Khi cô ấy đọc đến trang cuối, cô ấy sẽ trở lại trang đầu, và đọc lại lần nữa. Cách đây một vài năm, tôi hỏi cô ấy lý do.
“Cuốn sách ấy có gì mà cậu cứ đọc đi đọc lại hoài thế? Cậu có nghĩ là nếu cậu đọc cuốn sách đó lần nữa, mọi thứ sẽ khác đi, tốt đẹp hơn không? Chẳng hạn như việc Charlotte sẽ không chết.” – Tôi hỏi.
“Không. Không phải như vậy. Tớ đọc cuốn sách này hoài không phải vì muốn mọi thứ phải khác đi hay vì nghĩ rằng mọi thứ sẽ thực sự khác đi đâu, mà vì tớ biết chắc chắn một điều - mọi thứ vẫn như cũ, chẳng có gì khác đi cả. Tớ biết là những chuyện kinh khủng, tồi tệ sẽ xảy đến, và cũng biết rằng rồi mọi chuyện sẽ ổn cả thôi, bằng cách nào đó. Tớ nghĩ rằng mình sẽ không chịu đựng nổi việc mọi thứ chẳng tích cực chút nào, nhưng khi tớ đọc cuốn sách một lần nữa, mọi thứ trở nên thật đẹp đẽ và tươi sáng. Và tớ nhận ra mình có thể chịu đựng được sự thật là mọi thứ chẳng khác đi mấy. Đó là những thông điệp cuốn sách gửi đến tớ. Đó là những điều mà tớ cần nghe. Đó là việc tớ có thể chịu đựng, bằng cách này hay cách nọ.”
Vì vậy, với câu hỏi của cậu, mà tôi đoán là, dành cho cậu, cho tôi và cho tất cả những người đang âm thầm, lặng lẽ làm công việc ý nghĩa là kể chuyện cho thiếu nhi: Làm thế nào để kể sự thật cho trẻ em mà các em vẫn chịu đựng được sự thật ấy?
Khi trò chuyện với học sinh, tôi thường kể về con đường trở thành tác giả của mình. Tôi kể về bản thân mình như một đứa trẻ và chuyện bố tôi đã rời bỏ gia đình khi tôi còn tấm bé. 4 năm trước, trong hội trường thênh thang ở South Dakota, trước mặt 900 học sinh, tôi làm điều mình vẫn hay làm: Tôi kể chuyện ngày nhỏ tôi đã đau ốm bệnh tật triền miền và chuyện bố rời bỏ cả nhà. Sau đó tôi kể về khát khao được viết. Tôi nói với các em về lòng kiên định.
Suốt phần hỏi – đáp, một cậu nhóc đã hỏi rằng liệu tôi có trở thành tác giả không nếu tôi không đau ốm quanh năm suốt tháng hồi nhỏ như vậy và nếu bố không rời bỏ tôi. Tôi trả lời đại ý như thế này “Cô nghĩ là nhiều khả năng mình sẽ không thể đứng trước các cháu như bây giờ nếu những chuyện ấy không xảy đến với cuộc đời cô.” Lát sau, một cô nhóc giơ tay phát biểu: “Vậy hóa ra cuối cùng cô mạnh mẽ hơn cô tưởng.”
Khi bọn trẻ rời khỏi hội trường, tôi đứng ngay cửa và trò chuyện với chúng khi chúng đi ngang qua. Một cậu nhóc – với mái tóc vàng và đôi chân khẳng khiu, nắm chặt lấy tay tôi và nói: “Cô ơi, con đang ở South Dakota đây trong khi bố con lại ở California.” Tay còn lại của cậu bé chỉ về hướng California. “Bố con ở đó, còn mẹ con con ở đây. Con nghĩ là mình không ổn chút nào đâu cô. Nhưng hôm nay cô lại bảo là cô thấy ổn, nên con nghĩ là rồi con cũng sẽ ổn thôi.”
Tôi có thể làm gì bây giờ?
Tôi gắng gượng để không khóc. Và nắm chặt lấy tay cậu bé.
Nhìn sâu vào đôi mắt cậu bé.
“Con sẽ ổn thôi. Con đang rất ổn. Giống như bạn lúc nãy đã nói: Con mạnh mẽ hơn con nghĩ đấy.”
Tôi cảm thấy vô cùng gắn kết với cậu bé.
Tôi nghĩ rằng cả hai chúng tôi đã được nhìn thấy.
Những dòng yêu thích nhất trong cuốn sách Charlotte’s Web của tôi – cũng là những dòng luôn khiến tôi bật khóc – nằm ở cuối cuốn sách. “Những ngày thu này sẽ ngắn dần và trở lạnh. Lá trên cây sẽ lung lay và rơi xuống. Lễ giáng sinh sẽ đến, rồi tuyết lạnh của mùa đông. Bạn sẽ sống để tận hưởng vẻ đẹp của thế giới băng giá, vì bạn có ý nghĩa rất lớn đối với Zuckerman nên ông ta sẽ không làm hại bạn đâu, không đời nào. Mùa đông sẽ trôi qua, ngày sẽ dài ra, băng giá sẽ tan đi trên mặt hồ. Chim sáo sậu sẽ quay về và hót ca, ếch nhái sẽ tỉnh giấc, gió ấm sẽ lại thổi về. Tất cả những hương vị, âm thanh và cảnh vật đó sẽ dành cho bạn tận hưởng, Wilbur ạ - cả thế gian đáng yêu này, những ngày hoàng kim này...”
Tôi đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu xem E.B. White đã làm như thế nào để kể sự thật mà không làm người khác gục ngã.
Và tôi nghĩ rằng chính cậu, Matt à – cùng với cuốn sách đẹp đẽ của cậu về tình yêu, sẽ chẳng mấy bất ngờ khi nhận được câu trả lời duy nhất mà tôi muốn gửi gắm: chính là Tình Yêu Thương. E.B. White yêu thế gian này. Và trong tình yêu thế gian bao la ấy, E.B. White đã kể tất cả những sự thật về nó – những nỗi buồn, đau khổ và cả vẻ đẹp tàn khốc của nó. E.B. White đủ tin tưởng độc giả của mình để kể cho họ biết sự thật, và chính sự thật ấy sẽ mang đến sự dễ chịu và cảm giác rằng chúng ta không hề đơn độc.
Tôi nghĩ nhiệm vụ của chúng ta là tin tưởng độc giả.
Tôi nghĩ nhiệm vụ của chúng ta là nhìn thấy và để chính họ được nhìn thấy.
Tôi nghĩ nhiệm vụ của chúng ta là yêu thương thế gian này.
Với tất cả tình yêu,
Kate
Mời bạn đọc tiếp bài viết của Matt de la Peña chia sẻ nỗi trăn trở về mức độ trung thực trong sách tranh cho thiếu nhi và mong muốn được hỏi tác giả Kate DiCamillo về vấn đề này tại đây: http://www.dungdinhdoc.com/2021/03/tai-sao-chung-ta-khong-nen-luc-nao-cung.html
Biên dịch: Anh Thy
0 Comments