Đủng Đỉnh Đọc xin chia sẻ đến các bạn một bài viết giới thiệu về bức thư của Alexander Chee gửi các bạn nhỏ. Bức thư này nằm trong cuốn sách A Velocity of Being: Letters to a Young Reader, do cô Maria Popova biên soạn. Cô Maria Popova chính là cây bút chủ lực của trang brainpicking từ năm 2006. Trong suốt 8 năm qua, cô đã sưu tập, tổ chức minh họa cho 121 lá thư gửi đến các em nhỏ. Nội dung những bức thư đến từ những người truyền cảm hứng trên khắp thế giới: nghệ sĩ, nhà văn, nhà khoa học, doanh nhân khởi nghiệp, nhà triết học; về việc tại sao chúng ta nên đọc sách và sách đã đổi thay con người như thế nào.
Dưới đây là phần giới thiệu của cô Maria cho lá thư này.
[...]
“Một cuốn sách cần đóng vai trò như một chiếc rìu đập tan đi đại dương băng giá bên trong mỗi chúng ta,” Franz Kafka từng viết như vậy trong lá thư gửi người bạn thân từ thời thơ ấu. Đối với Alexander Chee, một cây bút khác với khả năng phi thường không kém, hình ảnh ẩn dụ trong lời của Kafka đã hoàn toàn bước ra đời thật trong suốt những năm tháng Chee còn nhỏ khi ông cùng gia đình chuyển từ Guam đến Mỹ, từ bỏ vùng biển Nam Thái Bình Dương ấm áp để tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn ở tiểu bang Maine với những mặt biển băng giá. Việc đọc đã trở thành cánh cửa dẫn ông đến những vùng đất của thế giới rộng lớn ngoài kia mà ông đã bỏ lỡ, cũng như những vùng đất tận sâu bên trong tâm hồn vừa mới được chính ông khai phá.
Chee viết như sau:
Thân gửi bạn đọc của Ngày mai (và cả Hôm nay),
Khi tôi bằng tuổi các em, tôi có một thỏa thuận với mẹ tôi như vầy: Bất cứ khi nào bà đi mua sắm, bà sẽ thả tôi lại ở tiệm sách hoặc một thư viện. Bất cứ khi nào hai mẹ con ra ngoài, chúng tôi đều sắp xếp như thế và và điều đó làm hai mẹ con đều cảm thấy hạnh phúc. Kết quả, tôi chẳng chưa từng bao giờ phàn nàn về việc mẹ đã đi mua sắm lâu như thế nào. Khi mẹ đến rước tôi về, mặc dù yêu mẹ rất nhiều, nhưng tôi vẫn có chút tiếc nuối vì phải rời trang sách quá sớm.
Khi tôi bằng tuổi các em, người ta gọi tôi là thằng mọt sách. Tôi tự luyện tập việc vừa đi vừa đọc, nhờ đó tôi đọc sách nhanh hơn trên đường đến trường. Mẹ luôn mắng là đọc nhiều quá sẽ làm hư mắt nhưng tôi lại là người duy nhất trong gia đình không cần đeo kính - có lẽ việc đọc sách còn giúp thị giác của tôi tốt lên thêm nữa.
Tôi bắt đầu đọc nhiều hơn bởi vì tôi vừa chuyển đến Maine, nhưng lại muốn gia đình ở lại Guam. Maine có vẻ rất khắc nghiệt, lạnh lẽo và vô vọng làm sao - nếu phải so sánh với hòn đảo Nam Thái Bình Dương xinh đẹp với những dòng biển ấm và đàn cá đủ sắc màu mà chúng tôi vừa bỏ lại phía sau. Khi tôi chẳng còn cách nào để quay trở lại nơi ấy, tôi tìm đến sách như một cánh cửa dẫn đến những thế giới khác, bên cạnh thế giới mà tôi đang sống. Không lâu sau đó, tôi miệt mài đọc sách, bởi vì tôi cảm tưởng rằng mỗi cuốn sách mà tôi yêu quý, chính là món quà mà một người không quen biết trao tặng cho tôi - ấy hẳn là một người hiểu rõ tôi đang cảm thấy như thế nào.
Cuối cùng thì tôi cũng học được cách để yêu mến Maine nhiều như Guam. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn đọc sách vì lý do giống với lúc tôi còn nhỏ - để cảm thấy bớt cô đơn. Và khi bớt cảm thấy trống trải vì phiền muộn, con người sẽ dễ dàng tìm ra cách giải quyết hơn. Đối với tôi, một cuốn sách vừa là người bạn, vừa là một nơi chở che, là lời khuyên bổ ích, là cuộc tranh luận với ai đó có đủ sự quan tâm để tìm ra một câu trả lời tốt hơn những gì đã có. Những cuốn sách không chỉ là cánh cửa dẫn đến thế giới khác mà hơn thế, mỗi cuốn sách chính là một phần cánh cửa khổng lồ dẫn đến thế giới rộng lớn hơn ngoài kia, một cánh cửa luôn chứa đựng nhiều hơn đằng sau nó. Đó chính là lý do đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng nghĩ mình sẽ làm điều gì đó khác ngoài đọc nữa và đọc mãi.
Thân mến,
Alexander Chee
Người dịch: Cô thủ thư Ngọc Linh
0 Comments