Helen Fagin là một người phụ nữ Do Thái đã sống sót sau thảm họa diệt chủng thời Đức Quốc xã. Là nhân chứng của nhiều biến động lịch sử, bà có một cái nhìn sâu sắc về những gì đã thắp sáng hy vọng trong mình trong những năm tháng tối tăm.
Đây là một lá thư bà Fagin viết nhân dịp 100 tuổi. Bà kể cho chúng ta nghe về một trong những điều kỳ diệu giúp bà giữ được niềm hy vọng với cuộc đời: SÁCH.
...
Thân gửi các bạn,
Bạn có tưởng tượng được về một thế giới chẳng có sách vở gì mà người ta cũng không được phép đọc sách hay học hành?
Năm tôi 21 tuổi, tôi bị buộc phải sống trong một khu ổ chuột ở Phần Lan trong thời kì thế chiến thứ 2. Ở nơi đó, nếu ai bị phát hiện đọc những cuốn sách mà Đức quốc xã ban lệnh cấm, thì hình phạt nhẹ nhất sẽ là lao động khổ sai và nặng nhất chính là tử hình.
Thời điểm ấy, tôi theo học tại một ngôi trường bí mật dành cho học sinh Do Thái. Chúng tôi đã nhận được sự giáo dục thiết yếu mặc dù nhà cầm quyền khi đó bác bỏ quyền lợi này của trẻ em Do Thái. Nhưng tôi sớm nhận ra rằng, việc các giáo viên dạy cho những học sinh non nớt các kiến thức về tiếng La tinh và toán học thật ra lại là một cách mị hoặc và chệch khỏi tính thiết yếu của tình trạng giáo dục lúc đó. Những điều học sinh cần không phải là mớ kiến thức khô khan mà là niềm hy vọng không chỉ đến từ trong giấc mơ mà còn khả thi giữa cuộc đời trần trụi khốc liệt này.
Một ngày nọ, dường như đoán được những suy nghĩ của tôi, một cô bạn đã tha thiết hỏi rằng: “Liệu cậu có thể giới thiệu cho chúng mình một quyển sách được không?”
Tôi đã dành cả đêm hôm trước để đọc Cuốn theo chiều gió - một trong số ít những cuốn sách được lưu hành giữa những người tin cậy trong mạng lưới ngầm. Đây là một trong những cuốn sách mà họ chỉ dám đọc lén khi đêm về. Không ai được giữ một cuốn sách lâu hơn một đêm. Bằng cách đó, nếu lỡ bị tố giác, người ta sẽ chuyền cuốn sách đó cho người khác trước khi lũ tuần tra ập đến.
Tôi đã đọc Cuốn theo chiều gió từ buổi hoàng hôn đến khi bình minh ló dạng và nó vẫn thắp sáng thế giới trong mơ của riêng tôi, vậy nên tôi mời thêm những kẻ mộng mơ trẻ khác cùng thưởng thức cuốn sách. Khi tôi giới thiệu cho họ Cuốn theo chiều gió, chúng tôi đã cùng sẻ chia niềm yêu thích và sự trân trọng dành cho Rhett Butler và Scarlett O’Hara, Ashley và Melanie Wilkes. Trong khoảng thời gian kì diệu ấy, chúng tôi đã chạy trốn đến một xứ sở không có chém giết lẫn nhau. Nơi đó chỉ tồn tại những phẩm chất tốt đẹp và lòng mến khách. Một sức sống mới sáng bừng trên khuôn mặt của những người đọc trẻ tuổi.
Thế rồi tiếng gõ cửa đã lay động thế giới mộng mơ của chúng tôi. Khi mọi người rời đi trong yên lặng, một cô gái với đôi mắt màu xanh nhạt quay sang tôi nở nụ cười đẫm nước mắt: “Cảm ơn cậu rất nhiều vì chuyến hành trình đến với một thế giới khác. Tụi mình sẽ sớm đọc một cuốn nữa được không?” Tôi đã hứa với cô bạn rằng chắc chắn điều ấy sẽ xảy ra, dẫu cho trong tôi vẫn còn ngổn ngang những nghi hoặc, không biết còn bao nhiêu cơ hội để gặp lại nhau nữa. Cô ôm tôi nhẹ nhàng và tôi thỏ thẻ: “Tạm biệt nhé, Scarlett.” “Mình nghĩ mình giống Melanie nhiều hơn”, cô ấy nói, “Mặc dù Scarlett hẳn phải đẹp hơn bội phần.”
Khi những cuộc truy quét diễn ra, hầu hết những người bạn mộng mơ của tôi đều trở thành nạn nhân của Đức quốc xã. Trong số 22 học sinh ở trường học ngầm, chỉ có bốn người còn sống sót khỏi cuộc thảm sát diệt chủng. Cô bạn với đôi mắt màu xanh nhạt là một trong số đó.
Bẵng đi nhiều năm sau, cuối cùng tôi đã tìm được cô và chúng tôi hẹn gặp nhau ở New York. Trong đời mình, cuộc gặp ấy chính là một trong những thành tựu lớn nhất của tôi. Nhất là sau cùng, đọng lại trong ký ức tôi là lúc cô ấy giới thiệu tôi với người chồng của cô, rằng tôi chính là “cội nguồn của những hy vọng và giấc mơ trong suốt những năm tháng chìm trong sự thiếu thốn và phi nhân tính nhất cuộc đời mình.”
Có những lúc, điều neo giữ lại tâm hồn ta không phải sự thật trần trụi mà là những giấc mơ. Đọc một cuốn sách và đầu hàng trước một câu chuyện chính là cách giúp chúng ta tồn tại.
Thân mến,
Helen Fagin
Người dịch: Cô thủ thư Linh
0 Comments