“Tâm hồn của con trẻ cần được nuôi dưỡng bằng hội họa, bằng âm nhạc, bằng những câu chuyện và những bài thơ, nhiều như cách chúng cần được chơi đùa, cần được yêu thương, cần thức ăn và không khí”.
Đây là những suy nghĩ sâu sắc của Philip Pullman, người vừa nhận được Giải thưởng Tri ân Astrid Lindgren năm 2005:
Tâm hồn của con trẻ cần được nuôi dưỡng bằng hội họa, bằng âm nhạc, bằng những câu chuyện và những bài thơ. Các em cần những điều này cũng nhiều như cần được chơi đùa, yêu thương, cần thức ăn và không khí. Nếu bạn không cho một đứa trẻ ăn uống đầy đủ, những tổn thương trên cơ thể sẽ nhanh chóng xuất hiện. Nếu bạn không cho một đứa trẻ hít thở không khí trong lành hoặc chơi đùa, những tổn thương cũng sẽ xuất hiện, nhưng âm thầm và lặng lẽ hơn. Nếu một đứa trẻ không nhận được tình yêu thương mà chúng xứng đáng, những tổn thương có thể không thể hiện ra ngoài sau vài năm hay vài tháng, nhưng những tổn thương ấy sẽ tồn tại dai dẳng theo cả cuộc đời.
Còn nếu một đứa trẻ thiếu thốn hội họa và những câu chuyện, những bài thơ và những khúc ca, thì tổn thương sẽ không thể nhìn thoáng qua mà biết được. Tuy vậy, thương tổn vẫn tồn tại ở đó. Cơ thể của đứa trẻ vẫn khỏe mạnh; các em vẫn có thể chạy và nhảy, bơi và ăn ngon lành một món ăn khoái khẩu, hay hò hét inh ỏi làm rộn cả nhà, như những đứa trẻ khác vẫn thường làm. Nhưng thật ra tuổi thơ của các em đã bị thiếu thốn.
Đúng là một số người vẫn trưởng thành và hoàn thiện mà không cần động đến nghệ thuật; họ vẫn sống hạnh phúc và có một cuộc đời quý giá. Với những ai chưa từng với tay lấy một cuốn sách trên kệ xuống, họ chẳng quan tâm lắm đến những bức tranh, họ cũng chẳng hiểu được giá trị của âm nhạc cho đời. Chà, cũng nào hề gì đâu. Tôi biết cơ man là nhiều người sống như vậy. Họ vẫn là những người hàng xóm tốt bụng và công dân có ích cho cộng đồng.
Nhưng với những người khác, trong thời niên thiếu hay giai đoạn trưởng thành, hoặc ở giai đoạn nào đó khi họ đã về già, vô tình họ bắt gặp những thứ mình chưa từng mơ về trước kia. Đối với họ, những điều ấy thật lạ lẫm, tựa như vùng tối ở trên mặt trăng. Bỗng nhiên một ngày, họ nghe thấy giọng đọc một bài thơ vang lên từ radio, hay vô tình đi ngang ngôi nhà với cửa sổ đang mở và thoáng nghe ai đó chơi một bản dương cầm, hoặc khi nhìn thấy một tấm áp phích có bức tranh của một họa sĩ nào đó được treo trên tường, và điều ấy như một cơn gió nhẹ nhàng nhưng lại cũng gây ra một cơn ớn lạnh đến độ khiến họ cảm thấy choáng váng. Họ chưa có sự chuẩn bị gì cả. Bỗng dưng họ nhận ra một sự rạo rực đang tràn ngập tâm hồn, mặc dù cách đó vài phút trong họ chẳng có chút ý niệm gì về điều này; một sự rạo rực trước cái gì đó thật ngọt ngào, thật ngon lành và thứ ấy tưởng chừng như có thể làm tan chảy con tim. Họ chực khóc, họ cảm thấy buồn, hạnh phúc, cô đơn và cảm thấy như được thứ trải nghiệm mới mẻ và lạ lẫm này đón chào. Họ lại càng khát khao ghé sát tai mình vào chiếc radio đang bật, nán lại bên ngoài cửa sổ, chẳng thể rời mắt trước tấm áp phích treo tường kia. Họ muốn thứ cảm giác này, khát cầu nó như con người khát cầu thức ăn, nhưng lại chẳng mảy may nhận ra điều ấy. Họ không hề biết gì về thứ cảm xúc này.
Đó là những điều sẽ xảy đến với một đứa trẻ khi bất chợt biết đến âm nhạc, tranh ảnh hay thơ ca. Nếu không phải là cơ hội bất chợt bỗng đến với các em, có thể các em sẽ chẳng bao giờ biết đến những điều trên. Có thể các em sẽ trải qua một cuộc đời trong sự thiếu thốn văn hóa mà không hề nhận ra điều đó.
Những ảnh hưởng của nạn thiếu thốn văn hóa không đến vội vã hay nhanh chóng. Chúng không dễ để nhận biết bằng mắt thường.
Và như tôi đã đề cập, một số người, gồm người tốt, bạn bè thân thiết, công dân có ích cho xã hội, đều chưa hề trải qua nạn này; tâm hồn họ vẫn được đầy đủ ấm no mà không cần sự hiện diện của văn hóa. Thậm chí, nếu tất cả số sách, tranh vẽ và bài hát trên thế giới này đồng loạt biến mất chỉ sau một đêm, họ sẽ không cảm thấy tệ gì đâu; họ còn chẳng thèm quan tâm nữa kia.
Nhưng nỗi khát khao vô hình kia trên lại hiện hữu trong nhiều đứa trẻ, và thường thì nỗi khát khao ấy lại không được thỏa mãn vì nó chưa bao giờ được đánh thức. Rất nhiều những đứa trẻ đến từ khắp nơi trên thế giới đều rơi vào trạng thái khao khát muốn có được thứ dưỡng chất nào đó để nuôi dưỡng tâm hồn, một thứ không thể nào thay thế được.
Nói một cách chính xác, mỗi đứa trẻ đều có quyền được sống, được học tập, được chăm sóc y tế, vân vân. Nhưng như vậy là chưa đủ, chúng ta cũng phải hiểu rằng: mỗi đứa trẻ còn cần được trải nghiệm văn hóa. Chúng ta phải hoàn toàn hiểu rằng, những đứa trẻ sẽ rơi vào tình trạng “đói khát văn hóa” nếu chúng sống thiếu những câu chuyện và những bài thơ, và những bức tranh và những bản nhạc.
Biên dịch: Cô thủ thư Linh
0 Comments