Bí quyết chọn và đọc sách cho trẻ em 0-24 tháng

Đủng Đỉnh Đọc tổng hợp bài viết từ AmericanBaby.com và Parents.com. Chúng mình sẽ đính kèm trong comment các tựa sách phù hợp cho lứa tuổi này. Thân mời các phụ huynh cũng cùng tham gia chia sẻ hình ảnh và thông tin của các tựa sách cho bé trong phần comment, để tất cả chúng ta có được nguồn tham khảo tốt khi chọn sách cho con.

...

Có rất nhiều phụ huynh vẫn cho rằng việc đọc sách cho trẻ em từ lúc còn sơ sinh là không cần thiết vì ở lứa tuổi này các em không thể nào tập trung xem hết được từ đầu đến cuối cả quyển sách hay câu chuyện. Trong một bài chia sẻ, bác sĩ Rahil Briggs, giám đốc của bộ phận Sức khỏe Hành vi cho trẻ em thuộc Montefiore Medical Group ở New York cho rằng việc đọc sách cho trẻ sơ sinh có ảnh hưởng khá lớn đến quá trình phát triển ngôn ngữ về sau của các em. Bà chia sẻ một số bí quyết quan trọng trong việc chọn sách đọc cho các em bé sơ sinh như sau:


1. Chọn các sách có cụm màu sắc, hình khối tương phản rõ rệt

Vì khả năng thị giác của trẻ em sơ sinh chưa phát triển hoàn chỉnh, các em sẽ có phản ứng tốt hơn với các hình khối, màu sắc rõ ràng, mà cụ thể là màu trắng, đen và đỏ. Các sách phù hợp cho bé từ 0-12 tháng là những sách có tranh rõ ràng, chữ to và câu ngắn hoặc toàn toàn không có chữ.

2. Bố mẹ đừng cảm thấy bị áp lực phải đọc cho xong hết cả quyển sách cho con

Trẻ em ở độ tuổi sơ sinh chưa có khả năng tập trung trong một thời gian dài. Đọc sách cho các em ở lứa tuổi sơ sinh không phải để giúp các em hiểu được nội dung sách/truyện. Mục đích của việc đọc cho các em sơ sinh là để cho các em có được cảm giác thoải mái, làm quen và dễ chịu khi tiếp xúc, đoc sách.

3. Tăng cường tương tác với các bé và sách

Bố mẹ có thể chỉ vào các hình trong sách khi đọc cho con và giới thiệu các hình vẽ đó cho trẻ. Ví dụ: “Nhìn này, có con ong ở đây nè!”, hoặc “Í chà, mặt trời này con!”.

Khi trẻ được 12-18 tháng, bố mẹ có thể chọn các sách có 1-2 câu với các cụm từ ngắn và chỉ vào tranh hỏi bé: “Đố con biết con mèo ở đâu nào?”. Từ 15-18 tháng, trẻ bắt đầu biết tập nói nên bố mẹ cũng có thể chỉ vào sách và hỏi con những câu đơn giản như : “Đây là cái gì thế?”. Khi con trả lời đúng thì chúng ta nên khen ngợi và khích lệ các bé.

4. Xem việc đọc sách là một cách để giao tiếp, trò chuyện với các em bé

Hầu hết các em bé thích việc đọc sách là bởi đó là những khi các em có được cảm giác dễ chịu ngồi trong lòng bố/mẹ, lắng nghe giọng đọc và có sự tương tác với người yêu thương các em. Đó cũng là lúc các em biết rằng bố mẹ đang dành 100% sự chú ý, quan tâm cho các em. Cảm giác yên tâm, thương mến đó không một chương trình Tivi hay clip Youtube nào có thể thay thế được.

Vì thế dù cho không đọc hết được quyển sách, hoặc cũng có những khi bố mẹ hoàn toàn không đọc được nội dung chữ ở trang nào mà chỉ cho con xem tranh và trò chuyện thì đó vẫn là những giờ đọc rất cần thiết để xây dựng tình cảm giữa cha mẹ và con cái.

5. Để cho trẻ được tự do khám phá sách

Trẻ em ở độ tuổi sơ sinh thường có xu hướng khám phá thế giới thông qua việc sờ nắm và cho vào miệng. Vì thế bố mẹ hãy chọn những loại sách có vật liệu phù hợp (vải, giấy bìa bồi cứng, vân vân…) và giữ gìn các cuốn sách này sạch sẽ. Nếu trẻ có trót gặm hay xé sách, đừng la toáng lên hay giằng ra khỏi tay các em một cách bạo lực vì nó sẽ mang lại cảm giác tiêu cực với việc đọc về sau. Khi các em còn bé, bố mẹ hãy chọn một tư thế thoải mái cho các em nằm/ngồi để đọc, bố mẹ cầm sách trên tay và lật cho các em. Việc này giúp cho các em hiểu cách lật trang sách và khi cơ cổ tay các em vững vàng hơn, các em sẽ bắt đầu muốn khám phá, tự mình lật sách.

6. Nếu trẻ tỏ ra thích thú với 1 quyển sách, hãy đọc câu chuyện đó cho các em nghe

Mặc dù trong sách có thể có nhiều từ mới mà các em chưa nắm được nhưng việc lắng nghe các từ này sẽ giúp các em dần làm quen với chúng về sau.

Đối với các bé từ 18-24 tháng, nếu việc đọc được duy trì thường xuyên, các em sẽ bắt đầu có cảm giác dễ chịu và xem các giờ đọc truyện là một thói quen tự nhiên. Ở giai đoạn phát triển này, các em bắt đầu biết yêu cầu bố mẹ đọc đi đọc lại một quyển sách hoặc một chi tiết đặc sắc trong truyện. Việc này rất có ích, giúp các em mở rộng từ vựng và rèn luyện trí nhớ về sau.

7. Đọc diễn cảm và lồng tiếng khác nhau cho các nhân vật để tạo ra cảm giác buồn cười, hài hước

Nhiều bố mẹ cảm thấy việc đọc cho con rất khó vì không thể đọc nhập vai đầy kịch tính như các audio book hay clip trên mạng. Tuy nhiên thật ra bố mẹ chỉ cần lên xuống giọng đúng chỗ (các câu hỏi, các câu yêu cầu,…) và mô phỏng các âm thanh của các nhân vật động vật trong sách (chó sủa gâu gâu, bò kêu ụm bò, gà kêu cục ta cục tác,…)

Post a Comment

0 Comments