Sáng tác sách tranh: Liệu có phải càng ít chữ thì càng tốt?


Jon Cox là một nhà báo, biên tập viên du lịch và giáo viên bán thời gian. Jon đã viết 7 quyển sách tranh cho tổ chức từ thiện thinkequal.org và ký hợp đồng làm việc với Lucy Irvine của Peters, Fraser and Dunlop. Khi Jon Cox bắt đầu sáng tác sách tranh cho thiếu nhi vài năm trước, một trong những câu đầu tiên anh tự hỏi là: “Câu chuyện của mình nên dài bao nhiêu?”. 

Sau đây là những chia sẻ của anh:


Thử nhìn vào những quyển sách kinh điển trên kệ nhà mình, tôi nhận thấy sự khác biệt rất lớn về độ dài của một quyển sách. Điển hình như quyển Rosie’s Walk (đã được xuất bản ở Việt Nam dưới tên Chuyến đi dạo của cô gà mái Rosie) vỏn vẹn 32 từ trong khi quyển The Cat in the Hat lại có đến 1621 từ. Phát hiện này thật tuyệt vời! Vì điều này cho thấy tôi có thể làm theo những gì mà nhiều lời khuyên hay đưa ra: Hãy viết câu chuyện của bạn dài theo ý muốn nếu nó cần như vậy để trở thành một câu chuyện hoàn chỉnh. Do đó, hầu như các tác phẩm trước đây của tôi đều từ 700 - 1100 từ. Với tôi, đó là độ dài cần thiết cho một câu chuyện. Thế thôi. 

Tuy nhiên, khi càng nghiên cứu và trao đổi với nhiều người, tôi càng sáng tỏ rằng những tác phẩm dài như vậy không phải là thứ mà các nhà xuất bản tìm kiếm. Rõ ràng, việc kinh doanh được các tác phẩm là yếu tố then chốt để sáng tác nên một quyển sách tranh bán chạy, nhưng điều này dường như cũng đang đặt ra một giới hạn không cần thiết cho các tác giả bởi giới hạn này quá thấp. Việc này khiến tôi tự hỏi độ dài trung bình của sách tranh được xuất bản ngày nay thực tế là bao nhiêu từ và những sự thay đổi nếu có so với trước đây. 

Quan điểm đó của ai vậy?

Nếu thử lùng sục trên mạng, bạn sẽ tìm thấy vô số lời khuyên từ các tác giả về số lượng từ lý tưởng cho một quyển sách tranh. Hầu hết họ tán thành ở khoảng 400-600 từ, và 500 từ là lý tưởng nhất. Hầu hết các nhà xuất bản không quy định độ dài tối đa của sách tranh nhưng Penny Morris của Nhà xuất bản liên kết Macmillan Children’s nói với tôi rằng điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào chính câu chuyện và số lượng từ mà câu chuyện đó “cần”. 

Thỉnh thoảng người ta lại tranh luận rằng phụ huynh thời nay muốn những câu chuyện phải ngắn hơn vì họ vô cùng bận rộn, không có thời gian để đọc những câu chuyện dài cho con mình nhưng tôi vẫn chưa thấy bất cứ nghiên cứu nào chứng minh điều này. Theo kinh nghiệm cá nhân, tôi nhận thấy khi con mình còn nhỏ, các cháu không bao giờ thấy đủ nếu tôi chỉ đọc sách cho các cháu dưới 10 phút trước khi đi ngủ. Nếu câu chuyện ấy thực sự ngắn, các cháu sẽ đòi tôi đọc thêm một quyển nữa!

Tác giả sách tranh John Condon - Tác giả của quyển sách tranh The Pirates Are Coming! được công ty sách Nosy Crow xuất bản gần đây, thú nhận rằng sau cùng, anh cũng phải dùng vài “chiêu” khi đọc sách cho con. 

“Tôi đã bỏ qua vài chỗ và cầu trời là con mình không nhận ra. Nhưng bây giờ nó đã học đọc nên nó bắt quả tang tôi. Thế là giờ tôi phải dùng “chiêu” khác là giấu nhẹm đi những quyển sách có nhiều chữ đi hằng đêm!”
Nhưng John cảm thấy rằng, dưới vai trò một nhà văn, anh vẫn có sự tự do phù hợp:

“Nhiều người cho rằng tầm 500 từ là phù hợp cho một quyển sách tranh nhưng thú thật là tôi chẳng nhớ có công ty hay biên tập viên nào tôi từng làm việc cùng lại đặt ra một giới hạn cụ thể về số lượng từ cả. Tôi cảm thấy tầm 500 - 660 từ là phù hợp với mình nhất (tất cả những câu chuyện của tôi hiện tại đều ở khoảng này từ).”
Biên tập viên Laura Roberts (làm việc cho Bloomsbury, Macmillan và Egmont) cảm thấy từ ngữ trong sách tranh ngày càng ít đi trong vài năm qua. Laura cho rằng xu hướng này hình thành là do mong muốn của các nhà xuất bản. 

“... để cải thiện cách dẫn truyện và ngôn ngữ nhằm tạo ra giọng kể và cách truyền tải câu chuyện gãy gọn hơn, đặc biệt vì sự hài hước và dí dỏm đóng vai trò then chốt trong sách tranh ngày nay.”
Laura chia sẻ thêm: 
“Một lý do khác được cho là ngày càng nhiều người chú trọng vào tính nghệ thuật của sách tranh những năm gần đây và mong muốn hình ảnh góp phần biểu đạt tác phẩm nhiều hơn. Sách tranh trở thành một mặt hàng mà người lớn có thể sưu tầm được.”

Laura khuyến khích viết ở khoảng 550-600 từ và không quá 750 từ. 

“Cắt bớt từ đi thì dễ hơn là thêm từ vào một văn bản. Vì vậy, lời khuyên của tôi là hãy viết những gì bạn muốn, rồi người biên tập sẽ giúp bạn lược bớt từ nếu cần thiết.”
Nhiều thứ đã không còn giống như trước đây?

Nhưng liệu thực sự có sự cắt giảm đáng kể số lượng từ hay không? Tôi đã thử nghiên cứu một chút (không phải nghiên cứu khoa học) bằng cách sử dụng số lượng từ mà tôi có thể tìm thấy trong một số quyển sách tranh lâu đời nhất từ những năm 1920 đến nay. Kích thước mẫu không lớn và tôi có thể đã có sai sót nhưng tôi nghĩ kết quả dưới đây rất thú vị. (Chú thích: Tôi đã loại trừ các ngoại lệ gồm sách không có chữ, sách giấy dày (board books) và các văn bản trên 2000 từ).



Độ dài trung bình

Kích thước mẫu

Trên 600 từ

4-600 từ

Dưới 400 từ

Những năm 1920 - 1940

999 từ

14

93%

0%

7%

Những năm 1950–1960

617 từ

28

43%

15%

43%

Những năm 1970

540 từ

18

56%

17%

28%

Những năm 1980

513 từ

18

28%

28%

44%

Những năm 1990

643 từ

27

52%

19%

30%

Những năm 2000

604 từ

45

42%

24%

33%

Những năm 2010

539 từ

35

31%

20%

49%


Vài điểm nổi bật trong nghiên cứu này là:

1. Sách tranh ban đầu thực sự dài! Đúng là quyển Clever Bill của William Nicholson xuất bản năm 1926 vỏn vẹn 193 từ nhưng đó chỉ là một ngoại lệ. Hầu hết các tác phẩm kinh điển ngày xưa đều nhiều chữ, có thể kể đến Millions of Cats của Wanda Gag (1928; 965 từ) và Little Tim and the Brave Sea Captain của Edward Ardizzone (1936; 1551 từ). Đây là giai đoạn chuyển đổi từ một câu chuyện được phụ họa thêm bằng tranh ảnh sang một ý tưởng khác hiện đại hơn - tranh ảnh có vị trí ngang bằng với văn bản. Mặc dù tác phẩm trông dễ thương nhưng câu chuyện thường đứng một mình và không bị ảnh hưởng quá mức.

2. Độ dài trung bình của một quyển sách tranh không thay đổi đáng kể, dao động giữa 513–643 từ trên trung bình trong 70 năm qua. Chuẩn mực này, như chúng ta biết ngày nay, trở nên phổ biến sau Thế chiến thứ II.

3. Có sự cắt giảm độ dài tác phẩm rõ rệt từ những năm 1990 (mặc dù chỉ tới mức phổ biến trong những năm 1970 và 1980).

4. Hiếm khi có hơn ¼ sách tranh xuất bản nằm trong phạm vi 400-600 từ. Luôn có sự thay đổi đáng kể. Tuy nhiên, số lượng sách trên 600 từ gần như đã giảm trong nhiều thập kỷ.

Đó là khi…

Tôi sẽ thành thật. Tôi nghĩ rằng tác phẩm của mình đã cải thiện từ khi tôi - cũng như nhiều tác giả mới - nhận ra rằng mình đã dùng từ nhiều hơn dự kiến. Một vài năm sau đó, tôi nhận thấy rõ ràng những tác phẩm ban đầu của mình không chặt chẽ như chúng đã có thể. Tôi trở nên quyết liệt hơn, nguyên tắc hơn và nhạy cảm hơn khi dùng từ vì tôi muốn mỗi từ tôi dùng đều có ý nghĩa. 

Sức hút của một câu chuyện hay không bao giờ thay đổi nhưng câu chuyện ấy được thể hiện như thế nào lại phụ thuộc vào khẩu vị của thời đại. Một vài tác phẩm kinh điển trước đây giờ đã trở nên “lỏng lẻo”. Chẳng hạn trong quyển sách Bread and Jam for Frances (1964) của Russell Hoban, tác giả dùng 223 từ trong tổng số 1720 từ chỉ để miêu tả một nhân vật phụ ăn trưa!

Tuy nhiên, chắc chắn vẫn có chỗ cho sự đa dạng về số từ và sự lựa chọn của độc giả trên thị trường. Quyển I Want My Hat Back của Jon Klassen có cần hơn 253 từ không? Tất nhiên không. Tuy nhiên, tôi muốn nhìn thấy nhiều tác phẩm dài hơn được xuất bản - những tác phẩm đủ dài để cuốn hút và giữ chân những độc giả trẻ. Chẳng hạn, tác phẩm kinh điển hiện đại The Day the Crayons Quit (được xuất bản ở Việt Nam với tên “Ngày sáp màu thi nhau bỏ việc” của Drew Daywalt và Oliver Jeffers (2013) có những 999 từ.

Nhưng với tư cách nhà văn, bạn sẽ dễ dàng thêm nhiều từ vào tác phẩm nếu bạn đã có vài tựa sách đã được xuất bản. Từ giờ cho đến lúc ấy, bạn cũng nên nhớ lời khuyên rất thực tế của Debi Gliori (trích từ quyển Children’s Writers & Artists’ Yearbook in năm 2018) rằng những người sáng tác sách tranh cần được:
“... trang bị ý tưởng sơ bộ về những gì mà trước hết là nhà xuất bản, sau đó là phụ huynh và cuối cùng là trẻ em mong muốn (đáng buồn là trật tự này rất quan trọng).”

Người dịch: Anh Thy
Nguồn: wordsandpics.org

Post a Comment

0 Comments