Cái Trứng còn nhỏ quá chừng chừng!

 


Cha mẹ thường muốn đưa ra những lời khuyên cho con mình, nhưng làm thế nào để khuyên nhủ mà không giáo điều, không làm mất niềm tin và sự hồn nhiên của con trẻ dành cho những ước mơ và trí tưởng tượng? 

Egg Drop là quyển sách phù hợp để “thay lời muốn nói” cho các phụ huynh. Mini Grey lấy cảm hứng câu chuyện này từ bài hát dân gian Anh về hai chú quả trứng song sinh Humty Dumty leo lên tường và bị rơi. Tác giả đã nghĩ mãi về bài đồng dao này và quyết định kể một phiên bản sáng tạo mới.

Đây là một “truyền thuyết đau lòng” về nhân vật chính "The Egg" được kể lại bằng lời của mẹ gà mái. Cô buồn bã kể cho đám trứng gà nhỏ nhà mình về một bạn trứng gà đồng trang lứa có ước mơ… được bay. Bạn trứng gà ấy tên The Egg, muốn bay như chim, côn trùng, bong bóng, máy bay, đám mây hay bất cứ vật thể nào lơ lửng trong không trung mà bạn nhìn thấy. The Egg đâu biết ước mơ của bạn viển vông thế nào đâu, bạn chỉ biết bạn rất muốn được bay. Thiệt giống với ước mơ ngày bé của chúng ta: được lên cung trăng, được làm siêu nhân giải cứu vũ trụ hay được bước vào thế giới toàn bánh kẹo!

Mở đầu bằng những lời xót xa đầy thương cảm của mẹ gà mái: “The Egg còn nhỏ quá chừng chừng. Nó chẳng biết gì cả. Giá như mà nó chịu chờ thêm một thời gian nữa thì…”, truyện Egg Drop bắt đầu dẫn dắt độc giả vào hành trình chinh phục giấc mơ bay của The Egg non nớt, chẳng biết gì. Thứ duy nhất The Egg biết rõ là phải đi đến một nơi thật cao thì mới bay được. Thế là The Egg ta một mình lặng lẽ leo lên một tòa tháp cao ngút ngàn trên đồi và gieo mình xuống từ đỉnh tháp. Vù! The Egg sướng phát khóc vì giấc mơ thành hiện thực: “Deee! Mình đang bay!”. Tận lúc ấy, The Egg cũng không hề hay biết là mình chỉ đang rơi, chứ không phải bay. 

Đến đây bạn có thể dừng lại một chút nếu đang đọc sách cùng trẻ và cùng đoán xem chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Một kết thúc viên mãn thường thấy dành cho những anh hùng nỗ lực và táo bạo chinh phục ước mơ hay một kết cục đau thương mà hiển nhiên ai cũng đoán được trong đời thực? Egg Drop không có cao trào, cũng không có nút thắt đảo chiều mạch chuyện nên dĩ nhiên, The Egg rơi tự do và vỡ tan tành. Mẹ gà mái đã làm mọi cách có thể để “hàn gắn” The Egg như dùng keo dán, dây thừng, băng keo cá nhân, đinh, kẹo cao su và thậm chí sốt cà chua nhưng tất nhiên, bất thành. Vỏ trứng đã bị nứt không thể nào ráp lại được. Lời thương xót của mẹ gà mái ở đầu truyện được lặp lại - The Egg còn nhỏ quá chừng chừng, giá mà em chịu chờ đến lúc nở thành gà thì em đã có thể bay được, dù chỉ một chút, và hậu quả cũng không đau lòng đến vậy. Đây chính là đoạn “thay lời muốn nói” của Egg Drop, bày tỏ nỗi lòng của biết bao cha mẹ: Vì các con còn bé nên có nhiều điều các con chưa biết, chưa hiểu. Mini Grey dùng câu chuyện này để đưa một ẩn dụ khéo léo, không hề nặng nề cho bạn đọc nhỏ hiểu rằng có những thứ khá nguy hiểm mà các em chưa ý thức được, có thể gây tổn thương bản thân. Vì thế nên mình cần thận trọng hơn trước khi quyết định "quậy" một trận hay chơi một trò gì mới. Nếu các con không nghe lời khuyên của cha mẹ, một khi hậu quả xảy ra thì khó có thể cứu vãn được. Nhưng dù vậy, sau tất cả, cha mẹ vẫn luôn ở bên cạnh che chở và giúp đỡ cho dù các con có lỡ phạm lỗi. Như mẹ gà đã giúp The Egg không lãng phí cuộc đời mình ở đoạn kết truyện: The Egg cuối cùng trở thành một cái trứng ốp la lòng đào, mỉm cười mãn nguyện hệt như một mặt trời bé con rực rỡ trên bầu trời mà em từng muốn bay lượn.



Egg Drop là câu chuyện theo mô típ đặt ra cho độc giả một nghịch lý để tưởng tượng: trứng gà mà đòi bay. Những câu chuyện phi lý như Egg Drop khá phổ biến trong sách thiếu nhi và thu hút độc giả ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là trẻ em. Trẻ từ 2 tuổi rưỡi đến 5 tuổi đã có thể nhận biết được những cấu trúc và quy luật cuộc sống xung quanh các em. Điều này càng khuyến khích em tự hỏi sẽ thế nào nếu mọi thứ đảo lộn hay trở nên khác đi so với những điều các em đã biết. Và do đó, càng kích thích các em tìm đến những câu chuyện phi lý. Việc nhận thức được những quy luật cuộc sống và những quy luật ấy bị phá vỡ theo một cách sáng tạo nào đó khiến trẻ em thích thú, và nó tạo ra sự cuốn hút kỳ lạ của những câu chuyện phi lý. Hơn nữa, bản chất những câu chuyện phi lý là những tình huống ngược đời, gây cười, gây tò mò và ai mà chẳng thích đọc những quyển sách hài hước để được cười thả ga chứ!

Nhưng sự thật là rất ít những thứ được gọi là phi lý thực sự phi lý. 

Vỏn vẹn 30 trang, ngôn ngữ đơn giản và nội dung dễ đoán, Egg Drop có vẻ là một câu chuyện phi lý thuần túy không hơn không kém về một quả trứng gà đòi bay và kết cục trở thành miếng ốp la nằm trên bữa điểm tâm của ai đó. Nhưng nếu đọc lại quyển sách lần nữa, rồi lần nữa, ta có thể chiêm nghiệm nhiều thông điệp trong quyển sách, chưa kể độc giả ở những độ tuổi khác nhau lại cảm nhận ở những góc độ khác nhau. Với phụ huynh, Egg Drop là ví dụ đơn giản, gần gũi và hữu hiệu về giá trị của việc lắng nghe lời cha mẹ nói. Với người trẻ, đó là câu chuyện truyền cảm hứng về quyết tâm theo đuổi đam mê. Và với trẻ em, đó có thể chỉ đơn giản là thí nghiệm trực quan để biết rằng trứng sẽ vỡ khi rơi và khi vỏ trứng đã vỡ thì không thể ghép lại được.

Egg Drop là quyển sách tranh thiếu nhi đầu tay của Mini Grey, xuất bản năm 2002. Tác giả Mini Grey vừa là họa sĩ minh họa tài năng vừa là người kể chuyện điêu luyện. Cô thường kể chuyện từ góc nhìn độc đáo của các đồ vật, con vật hay cây cối, có thể kể đến như hạt đậu trong The Pea and the Princess (2003), chiếc bánh quy trong Biscuit Bear (2004) hay chiếc muỗng trong The Adventures of the Dish and the Spoon (2006). Và Egg Drop cũng được dẫn dắt theo lời kể của một cô gà mái – mẹ của The Egg. Kể chuyện từ góc nhìn của các đồ vật/sinh vật khiến câu chuyện trở nên mới mẻ, thú vị và chân thực hơn, độc giả cũng dễ hòa mình vào bối cảnh câu chuyện và đồng hành cùng các nhân vật.

Minh họa của Mini Grey đa sắc màu, chi tiết và sống động. Có những trang thú vị như phần đầu và trang cuối quyển sách, phụ huynh có thể cùng các em bé nhận diện sự thay đổi và tìm kiếm nhân vật chính The Egg của chúng ta. Còn một chi tiết nữa mà khi đọc lại lần hai người đọc mới phát hiện ra là tờ báo đưa tin về sự kiện “chấn động” của The Egg. Ban đầu mình cứ nghĩ đó chỉ là một hình ảnh phụ họa thêm cho bối cảnh câu chuyện không có mấy ý nghĩa nên lướt qua nhưng thực tế thì nội dung trong tờ báo ấy góp phần làm câu chuyện kịch tính và buồn cười hơn. Bạn nhớ đừng bỏ qua chi tiết này khi đọc nhé. 


(bài review của Anh Thy)

Post a Comment

0 Comments