Phỏng vấn tác giả Helen Stephens

Trong bài phỏng vấn này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu sâu quá trình và kỹ thuật sáng tác của họa sĩ - tác giả sách tranh Helen Stephens. 

Helen Stephens đã sáng tác và minh họa trong khoảng 15 năm cũng như giảng dạy chương trình thạc sĩ ngành Minh họa cho thiếu nhi (Children's Illustration) tại Đại học Anglia Ruskin, Cambridge. Các tác phẩm của Helen có thể kể đến như Fleabag, series How to Hide a Lion, Gracie Grabbit and the tiger (đã được CrabitKidbooks xuất bản ở Việt Nam dưới tên Ổ bọ chét và bộ Làm thế nào để giấu một chú sư tử, Gracie Grabbit và chú hổ), The Night Iceberg, The Big Adventure of the Smalls. Helen cũng minh họa sách cho một số tác giả như Roger McGough, Sophie Hannah và Michael Morpurgo.

Một trang trong quyển Làm thế nào để giấu một chú sư tử.


Phác thảo 


“Tôi vẽ được bức tranh ưng ý nhất khi cảm thấy không thoải mái.”

Phóng viên: 

Sách tranh của chị luôn khởi đầu bằng một bức vẽ dựa trên đời sống thực tế. Chị có thể chia sẻ thêm về quá trình phác thảo được không? Chẳng hạn như có phải nhân vật và bối cảnh của chị (ít nhất là lúc ban đầu) luôn được vẽ từ đời thực hay không? Chị chuyển bản phác thảo của mình thành những trang sách hoàn thiện như thế nào? Chị thường mang theo những dụng cụ nào khi đi phác thảo ngoài trời? Chị đối mặt với sự chú ý không mong muốn từ người khác như thế nào?

Helen:

Vẽ tranh từ cuộc sống thực tế là một phần thiết yếu trong công việc của tôi - Đó là nơi mọi ý tưởng của tôi bắt đầu. 

Tôi thường mang theo một tập phác thảo (sketchbook) - quyển nhỏ nếu tôi không muốn bị chú ý và quyển to nếu tôi có chỗ để bày ra và thong thả ngồi vẽ. Tôi thường giới hạn dụng cụ vẽ của mình xuống còn một vài cây bút màu, một cây bút chấm mực và một lọ mực. 

Kỳ lạ thay, những bức vẽ tôi ưng ý nhất thường ra đời vào những lúc tôi cảm thấy không thoải mái. Nếu tôi cảm thấy áp lực, lạnh cóng hoặc cảm thấy bị cản trở bởi khách qua đường, một điều gì đó thú vị thường xảy ra. Kiểu như là hãy bớt băn khoăn chuyện vẽ đúng kỹ thuật và cứ phản hồi tức thì với những gì xảy đến. 

Tôi thích việc mọi người dừng chân, trò chuyện hay nhìn xuyên qua vai khi tôi vẽ. Nhưng nếu tôi thực sự không muốn nói chuyện, ngôn ngữ cơ thể của tôi sẽ nói hộ với mọi người rằng: “Xin đừng bắt chuyện với tôi lúc này!”. Nó thường hữu hiệu đấy!

Những bức vẽ của tôi đôi khi nằm trong tập phác thảo hàng tháng trời hoặc hàng năm trời trước khi tôi nhận ra là mình có nhân vật hay ý tưởng câu chuyện này. Và cũng có khi, những bức vẽ của tôi cứ nằm lại trong tập phác thảo mãi mãi - chuyện đó cũng chẳng sao cả. 

Cung điện Doges vẽ từ bối cảnh thực tế ở Venice được dùng như một nguồn tư liệu cho tác phẩm hoàn chỉnh. 


Tranh minh họa cho tác phẩm JoJo the Melon Donkey (sáng tác của tác giả Michael Morpurgo)
Đây là tranh vẽ cung điện Doges với đoàn ngựa diễu hành ngang qua. 


Hiếm khi tôi vẽ minh họa cho tác phẩm của người khác nhưng gần đây tôi nhận lời mời cộng tác với tác giả Michael Morpurgo. Câu chuyện trong quyển sách diễn ra ở Venice, vì vậy để có thể thực sự “bước vào” câu chuyện, tôi đã quyết định đến Venice để vẽ. Một vài bản phác thảo tôi vẽ ở Venice đã trở thành trang chính thức trong quyển sách. Thật là sung sướng làm sao! Hiện tại tôi đang làm một cuốn sách khác của Michael Morpurgo với bối cảnh một làng quê nhỏ ở Thụy Sĩ, và tôi vừa mới đi vẽ ở đó về. 


Từ ngữ 


“Đôi khi tôi nghĩ rằng ý tưởng này sẽ chẳng đi đến đâu và rồi tôi đột nhiên nảy ra một sự đột phá.”


Phóng viên:

Sách tranh của chị cho thấy một sự tương tác rất hài hòa giữa con chữ và hình ảnh. Không biết ở giai đoạn nào thì chị bắt đầu đưa chữ vào sách? Có phải chị bắt đầu bằng việc viết thật nhiều chữ rồi bỏ bớt đi khi thêm tranh vào không, hay là chữ và tranh được dựng lên song song với nhau? 


Helen:

Tôi thường bắt đầu bằng việc chơi đùa. Nghĩa là tôi sẽ vẽ một nhân vật trong những tư thế và tình huống khác nhau rồi xem thử điều gì sẽ xảy ra. Tôi thêm chữ vào chỗ này chỗ kia rồi dần dần chữ và tranh phát triển thành một câu chuyện. 

Tất nhiên không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đôi khi tôi nghĩ rằng ý tưởng này sẽ chẳng đi đến đâu và rồi tôi đột nhiên nảy ra một sự đột phá. Tôi cũng dựa theo ý kiến chân thành của biên tập viên giỏi nữa. Tôi làm việc với một biên tập viên tuyệt vời ở Alison Green và một nhà thiết kế tài năng - Zoë Tucker. Mỗi khi tôi bí ý tưởng, chúng tôi thường tụ tập lại và “nổ” các ý tưởng với nhau. Những lúc đó rất vui, chúng tôi cười không ngớt. Sau đó, tôi mang những ý tưởng về nhà và bắt đầu vẽ lại. Một câu chuyện có thể phát triển theo cách này. 

Một ví dụ về những bản phác thảo cho quyển sách Làm thế nào để giấu bà về một chú sư tử (How to Hide a Lion from Grandma), chỉ ra cách Helen triển khai nội dung chuyện và cách chữ - tranh phối hợp cùng nhau


Chữ và tranh song hành với nhau chứ không phải tôi viết rồi mới vẽ. Tôi cũng không viết một khối văn bản dài thật dài rồi biên tập lại, chữ đến cùng một lúc với tranh, thay đổi liên tục, có khi phải vẽ đi vẽ lại và viết đi viết lại hàng trăm lần cho đến khi tổng thể của chữ và tranh bắt đầu ăn khớp với nhau. 

Tôi scan các bản vẽ thô, cắt nhỏ và thay đổi chúng trên Photoshop rồi tạo một bản PDF để xem thử các trang khi được lật mở sẽ như thế nào. Tôi cũng thường làm bản bông để xem quyển sách của mình hoạt động ra sao.



Phong cách, quy trình và công cụ 


“Tất cả đều nằm trong sự chuẩn bị.”


Phóng viên:

Phong cách minh họa của chị rất mới mẻ và sinh động, trông rất tự nhiên, thoải mái, dường như không cần bỏ nhiều công sức để vẽ. Chị thường chừa khoảng trắng xung quanh nhân vật và dùng những dải màu vàng lớn tạo mảng sáng. Các nhà phê bình sách cũng nói về phong cách vẽ bất hủ này của chị, khá giống với cách Edward Ardizzone và Ludwig Bemelman đã làm để đánh dấu phong cách của họ. Chị có bất cứ công cụ hay quy trình yêu thích nào không? Chị có sử dụng máy tính ở giai đoạn nào đó để tinh chỉnh tranh vẽ của mình không? Được biết chị đã hoàn toàn thay đổi phong cách vẽ của mình cách đây vài năm, điều gì đã dẫn đến thay đổi này và phong cách trước đây của chị trông như thế nào? 


Helen:

Tôi rất vui khi nghe rằng tác phẩm của mình trông như “không cần bỏ nhiều công sức để vẽ”. Sự thật thì tôi đã bỏ ra rất nhiều công sức để các bức tranh cuối cùng có thể trông như chẳng tốn chút công sức gì để vẽ! Tất cả đều nằm trong sự chuẩn bị! Tôi vẽ từ cuộc sống nhiều nhất có thể, sau đó phác họa rất nhiều bản vẽ thô, nhờ đó tôi đã hiểu các đối tượng của mình từ trong ra ngoài trước khi tôi bắt tay thực hiện quyển sách. Bức vẽ hoàn chỉnh sau cùng được hoàn thiện rất nhanh, tôi chỉ điều chỉnh vài lần và chọn cái ưng ý nhất. 

Tôi thường đứng vẽ vì nó giúp tôi vẽ mượt mà hơn. Tôi sử dụng một cây bút chấm mực và một lọ mực vì chúng giúp tôi ít kiểm soát hơn, và tôi thích điều đó. 

Lọ mực yêu thích của Helen

Cách đây một vài năm, tôi đã thay đổi cách làm việc. Tôi đã từng sử dụng màu acrylic toàn tông sáng. Chúng phù hợp để minh họa sách cho thiếu nhi và bán rất chạy, nhưng tôi không thể tạo chiều sâu cho bức tranh và cảm xúc cho đối tượng độc giả lớn tuổi hơn. Tôi còn cảm thấy mình đang mắc kẹt trong cái bẫy của thứ gọi là “phong cách”. Vì vậy tôi ngừng nhận vẽ tranh theo yêu cầu (commissions) và nghỉ một năm. Sau đó, tôi trở lại với tập phác thảo của mình và phát triển một cách làm việc mới. 

Bây giờ tôi cảm thấy mình chẳng có một phong cách nào cả, mà thú thật là tôi chẳng thích cái từ đó. Tôi cố gắng xem mỗi quyển sách là một cơ hội để học hỏi những điều mới. Sở hữu một phong cách có thể ngăn cản sự sáng tạo, tôi nghĩ vậy. 


Người truyền cảm hứng 


Phóng viên:

Họa sĩ và tác giả nào đã truyền cảm hứng cho chị? Hiện tại có họa sĩ hay tác giả đương thời nào truyền cảm hứng cho công việc của chị không? 


Helen:

Tôi có một sở thích phong phú đối với sách thiếu nhi. Tôi thích mọi thứ, từ Ardizzone đến Charles M. Schulz. Tôi thích nhiều họa sĩ từ thời 1950 gồm Roger Duvoisin và Jean-Jacques Sempé. Tôi yêu mến Ludwig Bemelmans, tôi mới đọc xong tự truyện của bác và nhận ra bác cũng đã phải trải qua hàng ngàn lần viết/vẽ lại và cũng vẽ từ cuộc sống. Tôi thật sự rất vui khi biết điều ấy! 

Tôi cũng thích John Burningham, tôi thích sự ngẫu hứng và sức hút cảm xúc trong tranh của bác, chưa kể chữ và tranh của bác phối hợp với nhau rất hài hòa. Tôi cũng mến Bruce Ingman, lời văn của anh rất cá tính, vừa giản đơn vừa phức tạp. 


Người đại diện

Phóng viên:

Người đại diện của chị là Hilary Delamere. Chị nghĩ rằng việc một họa sĩ/tác giả sách tranh có một người đại diện có quan trọng không? 


Helen:

Tôi cho rằng không nhất thiết phải có một người đại diện vì tôi đã một mình xoay sở trong 10 năm đầu tiên làm nghề. Nhưng giờ đây tôi không thể thiếu Hilary; cô ấy lo liệu mọi giấy tờ và hợp đồng các thứ. Tôi được “giải thoát” khỏi những thứ phức tạp đó để có thể tiếp tục công việc sáng tạo. Cũng thật tốt khi có một người để tâm sự những khó khăn hoặc cùng lập kế hoạch. 


Tạp chí 


“Tôi thích sự thay đổi nhịp độ.”


Phóng viên:

Được biết chị cũng làm việc cho tạp chí thiếu nhi của Pháp. Chị có thể chia sẻ thêm về công việc này không? 


Helen:

Tôi thường minh họa cho Bayard Presse - Họ xuất bản tạp chí cho trẻ em ở nhiều độ tuổi. Tôi đã làm việc với họ tầm 12 năm rồi. Họ rất đáng để làm việc cùng, thường khá nhanh để đi từ bản vẽ sơ bộ đến bản vẽ cuối cùng và tôi thích sự thay đổi nhịp độ này khi so sánh với sáng tác một quyển sách tranh. Cũng thật đáng yêu khi nhìn thấy các tạp chí được minh họa đẹp mắt dành cho cả bé trai và bé gái. 

Tôi chán nản vô cùng mỗi lần đi đến quầy báo địa phương để mua tạp chí cho con gái mình. Mọi thứ được quảng bá hoặc cho con trai hoặc cho con gái, quá nhiều màu hồng cho con gái và những thứ phát không rác rưởi, rẻ rúng và kinh khủng. Con gái tôi rất thích thú khi tạp chí Bayard xuất hiện. Chúng tôi từng bước khám phá những câu chuyện trong tạp chí với vốn tiếng Pháp ít ỏi của tôi và sau đó bắt đầu lắp ráp mô hình rạp hát bằng giấy được in ở mặt sau tờ tạp chí. Chúng thực sự hữu ích. 


Gerry Turley


Helen Stephens và Gerry Turley cùng con gái  Frieda và chú chó  Peggy bên ngoài tổ ấm tại Berwick-upon-Tweed. Photograph: Suki Dhanda/The Observer


Phóng viên:

Bạn đời của chị, anh Gerry Turley cũng là một họa sĩ minh họa. Hai người có truyền cảm hứng cho nhau hay cùng minh họa tác phẩm nào không? 


Helen:

Chúng tôi chắc chắn truyền cảm hứng cho nhau nhưng tác phẩm của chúng tôi không giống nhau về mặt hình ảnh. Cả hai đều thích vẽ từ cuộc sống - Đây là nền tảng chung cho tác phẩm của chúng tôi. Đôi khi chúng tôi trao đổi về công việc với nhau nhưng không đưa ra lời khuyên cho đối phương vì việc đó quá xâm phạm và dễ dẫn tới cãi nhau!

Năm tới, Gerry sẽ xuất bản quyển sách tên Woooo!. Anh ấy đã phối hợp các lớp in lụa và photoshop để tạo ra một tác phẩm mãn nhãn. Anh ấy thực sự đã tác động tới tôi, vì tôi cũng bắt đầu áp dụng in lụa, dù nó vẫn chưa xuất hiện trong sách của tôi. 


Phóng viên:

Chị sẽ thực hiện tác phẩm nào tiếp theo?


Helen:

Tôi sẽ làm quyển tiếp theo trong series Làm thế nào để giấu một chú sư tử, tên sách mới là Làm thế nào để giấu bà về một chú sư tử, một bộ sách mới của Michael Morpurgo ở Thụy Sĩ nơi tôi đã đến vẽ hồi đầu năm và một vài thứ thú vị khác. Hẳn là một năm bận rộn đây!


Phóng viên:

Cảm ơn Helen với những chia sẻ về hành trình sáng tác sách tranh của chị!


Người dịch: Anh Thy

Nguồn: https://www.wordsandpics.org/

Post a Comment

0 Comments