Có một vài người thường hóm hỉnh nói rằng đối với trẻ con, có ba giai đoạn quan trọng: đó là giai đoạn trước khi biết đến khủng long, giai đoạn mê khủng long và giai đoạn (may quá) đã hết mê mẩn khủng long. Quả thật khủng long là một nhân vật được vô vàn em bé từ 2 đến 6 tuổi trên toàn thế giới yêu thích, đến độ có phụ huynh phải bật thốt lên rằng làm thế nào mà con mình viết chữ “con gà” còn không rành rọt nhưng lại có thể hý hoáy ghi chữ “tyrannosaurus” chẳng sai tí tẹo nào.
Người ta cố đưa ra một số giải thích cho niềm ham mê đặc biệt này của trẻ em như sau.
A. Khủng long to đùng chà bá
![]() |
Hình ảnh trong truyện "Múp míp mê mẩn múa may" của tác giả James Howe |
Trẻ em ấn tượng với kích thước khổng lồ của khủng long. Ngoài việc siêu to, khủng long còn là sinh vật siêu khỏe nữa và có những khả năng siêu phàm, đa dạng. Có con biết bay, có con chạy siêu nhanh trên mặt đất nữa.
B. Khủng long có thật nhưng tuyệt chủng rồi!
Khủng long khác với rồng hoặc kỳ lân. Rồng cũng to đùng, phun ra lửa, bay lượn trên trời. Nhưng rồng không có thật. Voi, sư tử, cá sấu, hổ thì cũng khá ấn tượng đấy, nhưng chúng lại là sinh vật có thật mà mình dễ bắt gặp trên tivi hay khi đi sở thú.
Từ hai đặc điểm trên, một số nhà nghiên cứu và giáo dục lý giải rằng trong giai đoạn từ 2 đến 6, trẻ em thường bộc lộ một đam mê hoặc quan tâm cực kỳ đặc biệt về một chủ đề, vấn đề nào đó (Extremely intense interests – hay gọi tắt là EII). Các nhà nghiên cứu cho rằng có đến 1/3 số trẻ em trong số mẫu họ tìm hiểu bộc lộ sự quan tâm, đam mê đặc biệt này. Niềm đam mê ấy giúp cho các em bắt đầu quá trình tập luyện thu thập thông tin và tổ chức, ghi nhớ chúng và bằng cách đó giúp trẻ em phát triển tư duy. Sở thích tìm hiểu với một đối tượng như khủng long có thể kéo dài từ sáu tháng đến tận hơn 3 năm.
Khi trẻ em đọc các sách và chơi đồ chơi về khủng long, các em có thể nhận ra được những giá trị giáo dục khá quan trọng.
1. Một con khủng long Tyrannosaurus Rex có kích thước to đùng, răng nhọn hoắt, sẵn sàng nhào vào tấn công con mồi. Thế nhưng chúng lại không hề nguy hiểm với trẻ em. Các em nhận thức được rằng khủng long là một sinh vật đáng sợ nhưng nằm trong kiểm soát của chính mình. Chìa khóa của chốt kiểm soát ấy chính là trí tưởng tượng.Như vậy, một cách đầy nghịch lý: khủng long thật đáng sợ nhưng trẻ em học được niềm tin tưởng để vượt qua nỗi sợ ấy. Đó cũng chính là cảm giác đầu đời giúp cho các em về sau có thể đối diện với nỗi sợ và vượt qua chúng.
2. Các nhà văn, họa sĩ, nhà làm phim, nhà sản xuất đồ chơi tìm thấy nhiều đặc điểm tương đồng giữa trẻ em và khủng long. Một chú khủng long thì thường ngang ngạnh, siêu mạnh, ầm ĩ, cắn rõ đau và thích gì làm nấy. Chính vì thế khi dùng hình ảnh khủng long để nói về cách ứng xử thì trẻ em tìm thấy mối liên hệ giữa mình và nhân vật dễ dàng hơn.
Trong giai đoạn 2-6 tuổi, trẻ em thường đi qua một mốc mà phụ huynh nào cũng đau đầu: “khủng hoảng tuổi lên 3”. Các em lúc này vừa muốn khám phá vừa muốn khẳng định bản thân nên hình ảnh chú khủng long lại càng trở nên cực kỳ gần gũi, dễ nhớ khi bố mẹ hoặc thầy cô muốn đưa ra một ví dụ để giúp trẻ điều chỉnh lại hành vi của mình.
![]() |
Bộ sách Khủng Long Nhỏ giúp các em bé 2-6 hiểu về những việc không nên làm: hét toáng, cắn, đẩy hoặc đánh người khác |
Chính vì tính phù hợp, hiệu quả và dễ liên tưởng như vậy nên người ta thường dùng hình ảnh khủng long khi cần khuyên nhủ em bé 2-6, thay vì sử dụng các loài động vật khác.
3. Nếu để ý, phụ huynh sẽ thấy rằng khi trẻ em yêu thích khủng long thì các em không chỉ tìm hiểu về mỗi một loại khủng long, mà là cả hệ sinh thái quanh nó. Một mặt, sở thích này giúp trẻ em tập luyện việc thu tập, xử lý và ghi nhớ thông tin, mặt khác nó còn cho các em những kiến thức vô cùng thú vị về địa chất, hệ thiên nhiên, động vật, …
Các em nhỏ có thể kể tên vanh vách các loại khủng long và còn phân loại được chúng theo màu sắc, đặc tính, kích thước, thói quen sinh hoạt. Và mỗi khi có cơ hội bộc bạch khối kiến thức khổng lồ này cho người khác biết, trẻ em được tiếp thêm sự tự tin, bởi mỗi em đều ra dáng “chuyên gia” ngành “khủng long học” cả. Nhờ được khích lệ khi trình bày những kiến thức này, các em sẽ càng có mong muốn được đọc, được tìm hiểu thêm về điều mình đang quan tâm và từ đó hình thành thói quen tự đào sâu, nghiên cứu.
(Thủ thư Đủng Đỉnh Đọc tổng hợp và dịch)
0 Comments