Sách bồi cứng (boardbook) đã dần trở nên quen thuộc với phu huynh có con trong độ tuổi 0-5. Ưu điểm của loại sách này là cứng cáp, bền, không dễ bị xé rách, phù hợp cho các em bé mới làm quen với sách và chưa điều chỉnh được lực tay của mình một cách khéo léo.
Sách bìa cứng thông thường có kích thước khoảng 10x10 hoặc 15x15 (cm), các trang được in ấn rồi bồi lên các lớp bìa cứng để tạo độ dày. Chính vì đặc điểm này nên sách bìa cứng thường có khoảng 10-12 trang, cũng rất phù hợp với khả năng tập trung còn ngắn của các bé. Ngôn từ trong sách ngắn gọn, mỗi trang chỉ vài từ hoặc một câu, phần lớn trang là các tranh minh họa bắt mắt.
![]() |
Bộ sách bồi cứng "Tủ sách đầu đời" |
Những đặc điểm trên khiến cho sách bồi cứng ngày càng được các phụ huynh ưa chuộng. Theo thống kê của Nielsen, chỉ từ năm 2010 đến 2015, số lượng sách bồi cứng bán ra trong thị trường nước Mỹ đã tăng từ 17 triệu bản lên 32 triệu bản.
Nhưng có bao giờ các bậc phụ huynh và bạn đọc nói chung thắc mắc xem từ bao giờ mà người ta lại bắt đầu nghĩ đến việc sản xuất những quyển sách đặc biệt này cho trẻ em nhỉ?
Tiến sĩ Allison G. Kaplan của Khoa Công nghê thông tin tai trường đại Wisconsin, thành phố Madison, đã bắt tay vào tìm hiểu chủ đề này cách đây vài năm. Bà phát hiện ra rằng hóa ra lịch sử phát triển của hình thức sách này lại không hề đơn giản tí nào.
“Tôi tìm xem đâu là quyển sách bồi cứng đầu tiên nhưng không thể tìm ra được”, bà chia sẻ về quá trình nghiên cứu khó khăn này, “những quyển như vậy thời đó được xem như là đồ chơi nên chẳng còn ai lưu lại chúng cả.”
Sản phẩm gần giống sách bồi cứng nhất mà bà tìm thấy được thông tin đó là quyển A Peep at the Circus, xuất bản từ những năm 80 của thế kỷ thứ 19. Người ta miêu tả quyển sách này là “những trang được dán vào bìa cứng”. “Phát hiện này làm tôi mừng suýt khóc vì đây có thể coi là sách bồi cứng rồi. Chính quyển sách này làm tôi thêm tin vào trọng trách của mình khi nghiên cứu về lịch sử hình thành sách bồi cứng”, tiến sĩ Kaplan viết như thế trong bài chia sẻ.
Để hiểu được về sự phát triển của sách bồi cứng, ta cần đi ngược lại về lịch sử để thấy rõ được bối cảnh và mối liên hệ giữa loại sách này trong bức tranh tổng thể của sách văn học thiếu nhi.
Mãi cho đến tận thế kỷ 19, sách trẻ em vẫn chủ yếu tập trung vào các chủ đề tôn giáo hoặc các mẩu chuyện giáo dục đạo đức. Thời đó những sách phục vụ cho mục đích giải trí rất khan hiếm. Sách thiếu nhi để đọc giải trí và có độ bền cao hoàn toàn chưa được phổ biến đại trà cho đến tận giữa thế kỷ 19.
Công cuộc cải cách và biến đổi các chủ đề cũng như hình thức sách thiếu nhi chính là sự phản ánh quá trình thay đổi tư tưởng của xã hội về thời thơ ấu cũng như giáo dục. Trong tác phẩm “Émile hay là bàn về giáo dục”, nhà triết học Jean-Jacques Rousseau cho rằng trẻ em ban sơ đều ngây thơ, trong sáng, không vướng chút tội lỗi nào. Quan điểm này thực sự đã tác động đến các sáng tác của chủ nghĩa Lãng mạn và in sâu vào các tác phẩm thời Victoria. Chính tư tưởng cho rằng trẻ em nên được tận hưởng quãng thời thơ ấu tươi đẹp trong trẻo đã đặt nền móng, trải đường cho văn học thiếu nhi phát triển. Nhu cầu có những cuốn sách xinh xắn, cứng cáp cùng nội dung đơn giản, vui tươi quả thực là sự biểu hiện rằng xã hội bắt đầu có những nhận thức về tầm quan trọng của việc giải trí và tưởng tượng trong quá trình nuôi dạy trẻ phát triển.
*
![]() |
Sách vỡ lòng thế kỷ 16 |
Thời đó sách giáo khoa chính là loại sách bền nhất, bền đến khó tin, nhưng thật ra chúng lại không hẳn được xem là “sách” theo đúng nghĩa. Vào thế kỷ 16, trẻ em học bảng chữ cái bằng cách dùng các quyển “sách vỡ lòng”, loại sách này là một tờ được in bảng chữ cái rồi được đính vào bảng gỗ có tay cầm. Một lớp bọc bằng sừng bao phủ bên ngoài để giữ cho bảng chữ cái không bị ướt hoặc dơ.
Những bước tiến trong ngành in ấn vào thế kỷ 16 và 17 đã rộng mở con đường phát triển của văn học thiếu nhi. Ngoài các bài giảng giáo lý, giờ đây các em còn có thể đọc các truyện ngụ ngôn, truyện cười, lịch sử, thơ ca, các bài hát ru,… Ông John Newbery có thể được xem như người đầu tiên xuất bản sách trẻ em có nội dung giải trí, thay vì chỉ thuần tính giáo dục. Trên mỗi trang sách của quyển A Little Pretty Pocket Book mà ông in năm 1744 là một chữ cái trong bảng alphabet kèm một tranh minh họa và miêu tả một trò chơi đi kèm.
Theo tiến sĩ Kaplan, các sách của Newbery rất đáng nể vì “chúng thể hiện một cuộc ly khai khỏi những câu chuyện đầy tính răn dạy giáo điều để đem đến cho các em niềm vui, những cuộc phiêu lưu và nhiều trò choi khác.” Nhiều quyển sách khác về sau này cũng đã nối theo mạch chảy tươi vui đó của ông Newbery.
Khoảng giữa thế kỷ 19, công nghệ in ấn tiến bộ vượt bậc đi cùng với những thay đổi xã hội, tạo điều kiện cho chi phí sản xuất sách bắt đầu giảm và nhờ đó sách đến được với nhiều độc giả hơn. Nhu cầu sở hữu sách cũng ngày càng tăng thêm và đi cùng với nó là nhu cầu mong muốn có những giáo cụ, tài liệu phù hợp để hỗ trợ việc giáo dục trẻ em. Các nhà xuất bản Anh quốc đáp ứng nhu cầu đó bằng việc cho ra đời các quyển sách minh họa trên chất liệu cứng cáp hơn nhằm hướng đến đối tượng độc giả nhỏ tuổi hơn. Đó chính là tiền thân của sách bồi cứng mà chúng ta hay dùng ngày nay.
![]() |
Hai trang sách trong quyển "A Little Pretty Pocket Book" của Newbery |
*
Đó cũng chính là thời điểm mà tỷ lệ trẻ sơ sinh tử vong giảm rất đáng kể và xã hội chuyển sự quan tâm thay vì chỉ nuôi con cho lớn thì họ bắt đầu để ý đến việc chăm sóc giáo dục con kỹ lưỡng hơn.
Vào năm 1902, công ty Henry Samuel Dean of Dean & Son cho ra đời ấn bản sách in trên vải cotton, calico, và linen. Theo như thông tin từ Trung tâm chuyên nghiên cứu Văn học thiếu nhi Arne Nixon, ông Dean “thiết kế loại sách vải này cho các em bé xíu bé xiu, chính là các em bé ở độ tuổi vẫn trây trét đồ ăn lên người và thích gặm cả quần áo của mình.” Sản phẩm này được quảng bá nhấn mạnh vào tính bền, khó hư hỏng và thân thiện, dễ vệ sinh.
Sách vải được thiết kế ra không chỉ để phục vụ mục đích giữ gìn bền lâu, khó hỏng mà còn giúp cho việc độc trở nên độc lập hơn. Sách giấy trước đây khá mỏng manh và vì thế chỉ có người lớn hoặc các anh chị của em bé mới được tin tưởng, trao cho đọc. Sách vải giải quyết được vấn đề giúp cho trẻ em có thể tự khám phá sách mà không cần người lớn phải kè kè đứng trông nom.
Thế nhưng rồi hai cuộc thế chiến nổ ra và vải trở nên khan hiếm. Người ta không thể ưu tiên dùng vải để làm sách được. Tiến sĩ Kaplan cho rằng có một mối liên hệ giữa chiến tranh và sự phát triển của sách bồi cứng. “Một phần vì thị trường khan hiếm vải nên người ta chuyển sang làm sách bồi cứng. Một phần lý do khác là bởi sách bồi thì trẻ em dễ cầm hơn.”
![]() |
Quyển Chú thỏ Pat |
Thoạt đầu, những quyển sách này chỉ hướng đến trẻ em ở độ tuổi tiền tiểu học nhưng sau đó nó bắt đầu nhắm đến cả các độc giả sơ sinh và mầm non. Các nhà lý thuyết về giáo dục khám phá ra những ảnh hưởng cực kỳ tuyệt vời của việc cho trẻ em tiếp xúc với sách từ trước khi các em biết đọc. Một số tác giả rất nổi tiếng thời đó và vẫn có ảnh hưởng cho đến tận ngày nay, ví dụ như: Gyo Fujikawa, Helen Oxenbury, Sandra Boynton. Những tác giả này chính là những người tiên phong cho rằng sách bồi cứng xứng đáng được xếp vào một dòng riêng trong các loại sách cho thiếu nhi.
![]() |
Tác phẩm của Gyo Fujikawa |
Những quyển sách cứng cáp này được thiết kế cẩn thận và thân thiện với trẻ em, không sợ các trang giấy làm xước tay và cũng đồng thời mang đến cho các em những trải nghiệm đọc sách đầu đời đáng nhớ.
(Cô thủ thư Q tổng hợp và lược dịch từ lithub.com)
0 Comments