Tại sao người lớn nên bắt đầu đọc sách của trẻ con?


 


“Mẹ ơi, con để ý là sách con đọc ngày càng “mập” ra, còn sách của mẹ sao cứ “ốm” đi vậy ạ?”

 Re đã nhận xét như thế với tôi. Re là một bạn nhỏ vẫn thường để ý đến niềm đam mê đọc sách thiếu nhi suốt những năm qua của tôi. Khi mới sáu tháng tuổi, Re nhai những trang sách đầu tiên theo nghĩa đen và cho đến thời điểm hiện tại, cậu chàng đã thực sự “ngấu nghiến” vài cuốn sách (một cuốn đọc trên xe buýt đến trường, một cuốn gối đầu giường và một cuốn dành riêng để đọc trong những chuyến đi xa). Re đã đi được một chặng đường dài, và tôi cũng vậy.

Re đang đọc cuốn Nevermoor: The Trials of Morrigan Crow và quyển The Wizards of Once, và tôi thì đọc Pillow Talk – cuốn sách tập hợp những bài thơ về chuyện ngáp, cái đũng quần, hắt xì và ợ ì hơi của Robert McGough, và cuốn Princess Mirror-Belle and the Magic Shoes của Julia Donaldson. Đúng vậy, đó là những đầu sách dành cho trẻ con và tôi thì đã quá tuổi rồi. Okay, có thể hiểu cách tôi đọc như vầy đi: tôi đã quá mệt mỏi với việc phải trưởng thành rồi, chỉ là tôi đang kiếm tìm đứa trẻ đang “ẩn náu” và sự chữa lành của nó dành cho tâm hồn của tôi mà thôi.

Những năm tháng tuổi 20 đầy bất an, tôi đã từng dành rất nhiều thời gian để mua sách tặng cho con của những người bạn. Những cuốn sách đã đưa tôi đến những miền xa lạ, dù chỉ là cảm giác thoáng qua, nhưng tôi thực sự đã quên đi những trục trặc trong các mối quan hệ, sự loay hoay đi tìm bản ngã của chính mình hay đơn giản là mấy thứ chết tiệt của công việc mà tôi đang làm. Mỗi một tựa sách thiếu nhi, tôi đều mua hai quyển: một quyển tặng đi và một quyển tôi giữ lại cho chính mình. Trong căn phòng thuê cho lao động nữ, tôi cẩn thận lật giở từng trang của bộ truyện Mouse SoupHubert the Caterpillar Who Thought He Was A Moustache. Thế giới diệu kỳ của Eric Carle và Roald Dahl đã mang đến cho tôi cảm giác vừa thoải mái, lại vừa vui tươi. Tôi tìm thấy một bản thân thật “nổi loạn”, thật nghịch ngợm trong những cuộc phiêu lưu của Pippi Tất dài. Và sẽ luôn có một Enid Blyton ở đó cùng với những món ăn ngon làm say đắm lòng người.


Tôi vẫn giữ một vài cuốn sách của Enid Blyton từ hồi còn bé thơ dù đã từng chuyển nhà khá nhiều. Và mãi cho đến những năm tháng hiện giờ, khi giới thiệu chúng cho con, đọc lại những cuốn sách ấy, và hình ảnh của những chiếc bánh nướng thơm ngon một lần nữa hiện ra ngay trước mắt. Lần này thì tôi đã thực sự học cách để nấu những món có trong sách, cả một tuổi thơ ùa về khi tôi nếm chúng.

Nhưng có một điều tôi chắc chắn rằng, những cuốn sách thiếu nhi mang lại cho con người nhiều hơn thế: tất cả mọi việc đều khả thi, chỉ cần người ta đặt trái tim và khối óc vào trong đó. Là người lớn, đôi khi chúng ta thường quên bẵng đi thế giới của trí tưởng tượng. Thế nhưng trong tiềm thức của chúng ta vẫn tồn tại vài thứ, và nó sẽ được đánh thức cùng những trang sách của trẻ thơ. Sách thiếu nhi mang ta rời xa thế giới thực tại quá nhằng nhịt chồng chéo liên kết mà lại thiếu đi sự đồng điệu của cảm xúc; chúng giải phóng những suy nghĩ mắc kẹt lại và rồi ta nhìn thấy thế giới thông qua một lăng kính đặc biệt. Chúng khiến ta tin rằng phép màu là có thật. Nếu ta tránh né những phép màu, sẽ chẳng còn hi vọng gì cho loài người nữa cả.

Trong một thế giới khác với cái vừa nêu trên, tôi có thể sẽ bị khiển trách bởi không dành thời gian và đủ sự ưu tiên cho tiểu thuyết văn học. Nhưng tôi nhận ra, khi tôi càng lớn, tôi lại càng khát khao đọc những tác phẩm dành cho trẻ nhỏ. Sách tranh chính là những người bạn mới của tôi. Tất nhiên việc có rất nhiều đầu sách dành cho thiếu nhi trên giá sách của tôi là điều hết sức bình thường bởi hai lý do - tôi có con nhỏ và tôi cũng là tác giả viết cho trẻ em. Tôi đã dành rất nhiều thời gian lượn quanh các khu vực sách thiếu nhi ít ỏi trong những nhà sách ở thành phố tôi đang sống. Rõ ràng, mọi người đang nghĩ tôi mua sách cho Re, nhưng thú thật là: tôi mua cho chính tôi.

Tiến sĩ Louise Joy thuộc trường Đại học Cambridge đã từng đề cập trong một nghiên cứu của bà ấy: sách thiếu nhi mang lại cho chúng ta những điều mà chúng ta không thể nào tìm thấy ở cuộc sống thường nhật, ví dụ trò chuyện trực tiếp với nhau hay đơn giản là chấp nhận những khác biệt kỳ dị của nhau... Bà cho rằng những cuốn sách ấy chính là “sự trốn chạy mang tính biểu tượng khỏi nỗi thất vọng về hiện thực.”

Đôi khi hiện thực không cho phép chúng ta có niềm tin vào sự yêu thương và điều kì diệu, nhưng điều đó không có nghĩa chúng ta không được làm như vậy nữa. Sự thật là người lớn bắt đầu nghe những bài TED talks về việc làm sao để ước mơ, làm thế nào để tượng và sự thật ấy chứng tỏ chúng ta đang nhớ về những điều nhỏ bé giản dị khi ta còn ấu thơ.


C.S. Lewis đã có lần viết một lá thư cho cô con gái đỡ đầu của ông trong cuốn Biên niên sử Narnia như sau:


Lucy yêu quý,


Cha đã viết câu chuyện này cho con, nhưng khi bắt đầu, cha nào ngờ được những cô gái trưởng thành còn nhanh hơn những cuốn sách. Vậy nên giờ đây độ tuổi của con dường như không còn phù hợp với những câu chuyện thần tiên nữa. Và khi tác phẩm này được in ra, con lại càng rời xa thế giới kì diệu. Nhưng sẽ có lúc, con chợt nhận ra rằng con đủ lớn khôn để bắt đầu đọc lại truyện cổ tích một lần nữa.

Khi tôi chứng kiến con trai tôi lớn lên, tôi chợt nhận ra sự trưởng thành đã bào mòn tâm hồn tôi như thế nào, và Re thì lại dễ dàng tìm thấy phép màu và niềm hạnh phúc trong những thứ nhỏ nhặt nhất. Đó là dấu hiệu để tôi sống chậm lại, và tôi mừng vì đã kịp nhận ra sớm.

Lần tới khi bạn lại lượn lờ ở một hiệu sách (nếu bạn thực sự muốn tìm một cuốn sách trong thế giới đô thị hóa), hãy thử dạo quanh quầy sách thiếu nhi, tìm một cuốn sách có thể giúp bạn kết nối được với đứa trẻ bên trong bạn và mua nó. Ngay cả khi bạn không có con nhỏ đi chăng nữa, bạn sẽ bất ngờ bởi những điều mà sách thiếu nhi mang lại. Như trong cuốn Hoàng tử bé, tác giả đã từng nói: “Mọi người lớn, ban sơ, đều đã từng là những bé con. (Nhưng ít người trong số đó ghi nhớ điều kia)


Tác giả: Lalita Iyer


Link bài gốc


Người dịch: cô thủ thư Ngọc Linh

Post a Comment

0 Comments