Những ngày này mình thấy có rất nhiều chia sẻ sách về chủ đề "người tị nạn và người nhập cư". Vì thế mình cũng muốn giới thiệu một quyển sách vừa có tranh vẽ đẹp vừa có lời văn hay và câu chuyện cũng thật da diết, xúc tích, cảm động. Quyển sách này có tựa đề là "Cuộc du hành của ông tôi", do tác giả Allen Say sáng tác. Cuốn sách đã được trao tặng Huân chương Caldecott, một giải thưởng danh giá về sách thiếu nhi của Hiệp hội thư viện Mỹ.
Đây là câu chuyện về một người đàn ông Nhật Bản bôn ba sang Mỹ những năm trước chiến tranh thế giới thứ hai. Tuổi trẻ vẫy vùng, ông đi qua biết bao thung lũng, núi đồi, biển cả, thành phố, gặp biết bao nhiêu người từ da trắng da đen đến da vàng, da đỏ. Những câu văn trong sách miêu tả vừa ngắn gọn mà lại vừa giàu hình ảnh: "Ông băng qua những cánh đồng ngút ngát, và chúng làm ông nhớ đến những đại dương ông từng vượt qua". "Ông càng đi lại càng khao khát muốn nhìn thấy những miền đất mới, và chưa từng bao giờ nghĩ đến việc quay trở lại quê nhà."
Người đàn ông Nhật ấy có một câu chuyện cuộc đời quay đi quay lại giữa nhiều vùng đất. Quê nhà ở Nhật, miền viễn chinh ở nước Mỹ bao la. Ông đi đến nơi này thì lại ngóng về nơi kia, bởi lẽ cuộc đời ông xẻ nhỏ ký ức cho những đất nước khác nhau.
Đời người đàn ông Nhật ấy không có quá nhiều biến cố hãi hùng hay chấn động, dù đây đó ta thấy có nhắc đến chiến tranh, đến sự sụp đổ, bom rơi đạn nổ... Nó giản dị như cách một con người nhìn lại về cuộc đời đã qua, nhỏ nhẹ và êm ái như một lời kể của thế hệ về một thế hệ.
"Thành phố chẳng còn gì ngoài đống gạch vụn, nhà của ông ở đó cũng chẳng còn gì ngoài đống gạch vụn. Thế nên ông đành quay về ngôi làng mà mình đã sống thời thơ ấu. Nhưng từ đó trở đi, ông chẳng còn bao giờ nuôi những chú chim biết hót trong lồng nữa."
Rất nhiều con người vì lý do này hay lý do khác có nhiều hơn một miền đất dấu yêu. Đó có thể là nơi mình lớn lên, đó có thể là nơi mình được gắn bó suốt thời trưởng thành, có cũng có thể là nơi mình được kể lại qua lời người thương. Và sự day dứt đi hay về, ở hay thôi là một điều mãi mãi trăn trở, truyền xuống cả những thế hệ sau. Bởi lẽ mỗi mảnh đất, thấm hơi của người, là một mảnh ký ức...
Người ta nói: "Lá rụng về cội", nhưng cội rễ nào là duy nhất trong đời?
0 Comments