Orhan Pamuk và con gái


Orhan Pamuk là nhà văn đạt giải Nobel với các tác phẩm nổi tiếng như Tên tôi là Đỏ, Pháo đài trắng, Tuyết,... Tập tiểu luận Những màu khác là tập hợp phong phú các ý tưởng, hình ảnh, kí ức, chiêm nghiệm mà ông đã thu thập qua ba thập kỉ. Ông ghi lại suy ngẫm về những ám ảnh suốt đời, về tiểu thuyết của mình và của người khác, khéo léo đan xen đây đó các mẩu chuyện, nơi chốn, hay chủ đề chính trị, văn hoá, kiến trúc. Những mảnh ghép rời rạc, qua sự giản dị và chân thành, trở thành một nội dung xuyên suốt và liền lạc về cuộc đời ông: một cuộc đời ông đã yêu thương hết mực, đã nhìn ngắm nó bằng sự chậm rãi và tò mò, đã dấn thân bằng tất cả khả năng của mình. 

Pamuk từng nói, tất cả những gì một nhà văn cần là "giấy, bút và sự lạc quan của một đứa trẻ lần đầu tiên nhìn thế giới". Cuốn sách này là minh chứng: dù chủ đề có nghiêm túc đến mấy, thì những điều ông viết lại rất giản đơn và trôi chảy, như thể nó là dòng suối róc rách chảy xuống từ ngọn núi là ông - những trang viết tự nhiên, thuộc về ông, không cần nỗ lực. 

Orhan Pamuk, như rất nhiều người trong chúng ta, là một phụ huynh. Ông yêu con, dành thời gian bên con, học cách để hiểu và chấp nhận con. Trong ba chương dưới đây, ông ghi chép lại những gì đã diễn ra giữa hai cha con, trong đoạn cô bé đâu đó tầm 6-7 tuổi. Nếu đang là cha hay mẹ, chắc bạn sẽ thấy thấp thoáng hình ảnh của mình hay con mình trong đó: hai tâm hồn, hai con người, hai số phận  giao hoà, người đến trước cố gắng tìm hiểu người đến sau bằng cả trái tim mình. 

________

Bản dịch của Lâm Vũ Thao

CHƯƠNG MƯỜI BA

Tớ không đi học đâu

Tớ không đi học đâu. Bởi vì tớ buồn ngủ lắm ấy. Tớ lạnh nữa. Mà ở trường chẳng ai thích tớ cả.

Tớ không đi học đâu. Bởi vì ở trường có hai đứa kia. Chúng to hơn tớ. Chúng khỏe hơn tớ. Khi tớ đi ngang, chúng thò tay ra chắn đường. Tớ sợ.

Tớ sợ. Tớ không đi học đâu. Ở trường, thời gian như ngưng lại. Mọi thứ bị bỏ lại bên ngoài. Bên ngoài cổng trường.

Ví dụ như căn phòng của tớ ở nhà. Cả mẹ, bố, đồ chơi của tớ và những con chim trên ban công. Khi ở trường và nghĩ về họ, tớ muốn khóc. Tớ ngó ra ngoài cửa sổ. Trên trời có những áng mây.

Tớ không đi học đâu. Vì tớ chả thích gì ở đó.

Hôm nọ tớ vẽ một cái cây. Cô giáo nói, “Đúng là một cái cây, giỏi lắm.” Tớ vẽ thêm một cây khác. Cây này cũng chẳng có lá.

Rồi một đứa trong đám trẻ kia lại gần giễu tớ.

Tớ chẳng đi học đâu. Buổi tối lúc đi ngủ và nghĩ về chuyện hôm sau đi học, tớ thấy kinh khủng lắm ấy. Tớ bảo, “Con không đi học đâu.” Người ta nói, “Sao con lại nói thế? Ai cũng đi học mà.”

Ai cũng đi? Vậy cứ để cho ai đi. Tớ ở nhà thì đã sao? Hôm qua tớ đi học rồi, đúng không? Nếu ngày mai tớ không đi học thì sao, cả ngày kia nữa?

Phải chi tớ được ở nhà, trên giường của tớ. Hay trong phòng tớ. Phải chi tớ ở đâu cũng được, nhưng đừng phải ở cái trường đó.

Tớ không đi học đâu, tớ ốm rồi. Ấy không thấy sao? Ngay lúc ai đó nhắc tới trường là tớ muốn ốm, tớ bị đau bụng. Thậm chí tớ còn không uống được cả sữa kia.

Tớ không uống sữa đâu. Tớ sẽ không ăn gì cả, và tớ cũng không đi học. Tớ chán lắm. Chẳng ai thích tớ cả. Có hai đứa kia. Chúng thò tay ra chắn đường tớ.

Tớ đến chỗ cô giáo. Cô giáo nói, “Sao trò đi theo cô?” Tớ kể ấy nghe chuyện này nhưng ấy phải hứa đừng nổi đóa. Lúc nào tớ cũng bám theo cô giáo, và lúc nào cô giáo cũng nói, “Đừng đi theo cô.”

Tớ sẽ không đi học, không bao giờ nữa. Tại sao á? Tại vì tớ chỉ không muốn đi học, vậy thôi.

Giờ nghỉ tớ cũng chẳng muốn ra ngoài. Chỉ khi mọi người quên tớ đi, thì đó mới là giờ nghỉ. Rồi mọi thứ lộn xộn cả lên, mọi người cắm đầu cắm cổ chạy.

Cô giáo nhìn xéo tớ, và phải nói ngay trông cô ấy chẳng lấy gì làm tốt lắm. Tớ không muốn đi học. 

Chỉ có mỗi một đứa thích tớ thôi, cậu ấy là đứa duy nhất nhìn tớ dịu dàng. Đừng nói với ai nhé, nhưng tớ cũng chẳng thích cậu ấy.

Tớ chỉ ngồi xuống và ở yên đó. Tớ thấy cô đơn làm sao. Nước mắt tớ lăn trên má. Tớ chẳng thích trường tẹo nào.

Tớ bảo rồi, tớ ứ thích đi học. Rồi trời sáng và người ta mang tớ đến trường. Tớ thậm chí không cười nổi, tớ nhìn thẳng trước mặt, tớ muốn òa khóc. Tớ leo lên đồi, ba lô trên lưng to như ba lô bộ đội, vừa leo đồi tớ vừa nhìn xuống đôi chân nhỏ xíu của tớ. Mọi thứ mới nặng nề làm sao: ba lô trên lưng, sữa nóng trong bụng. Tớ muốn òa khóc.

Tớ đi vào trường. Cái cổng sắt đen khép lại sau lưng. Tớ bật khóc, “Mẹ ơi, xem này, mẹ bỏ rơi con trong này.”

Rồi tớ vào lớp ngồi phịch xuống. Tớ muốn biến thành đám mây bồng bềnh ngoài kia.

Tẩy, tập vở, và bút: Cho gà xơi tất!

CHƯƠNG MƯỜI BỐN

1. Sáng nào chúng tôi cũng cùng nhau đến trường: mắt nhìn đồng hồ, mắt kia để ý túi xách, cánh cửa, con đường. Trên xe, chúng tôi luôn làm những trò như nhau: (A) vẫy chào mấy con chó trong công viên nhỏ; (B) lắc lư người tới lui khi xe tăng tốc quanh góc đường; (C) vừa nói, “Rẽ phải rồi đi xuống đồi, bác tài!” vừa liếc nhìn nhau thật lâu và cười vang; (D) cười vang khi nói “Rẽ phải rồi đi xuống đồi, bác tài!” bởi vì bác ấy biết chính xác chúng tôi đi đâu, vì chúng tôi luôn bắt taxi từ cùng một trạm taxi; (E) ra khỏi taxi và tay trong tay dạo bước.

2. Sau khi choàng túi xách lên vai Rüya, hôn bạn ấy và dẫn bạn vào trường, tôi ngắm bạn từ phía sau. Tôi ghi nhớ cách Rüya bước đi, và tôi rất thích ngắm nhìn bạn đi vào trường. Tôi biết bạn biết tôi nhìn bạn. Như thể là việc bạn biết tôi ngắm nhìn khiến cả hai chúng tôi cảm thấy an tâm. Thoạt tiên có một thế giới mà bạn ấy bước vào và khám phá mỗi ngày, và rồi có một thế giới mà chúng tôi chia sẻ. Khi tôi ngắm bạn ấy, và khi bạn ấy ngoảnh lại nhìn tôi, chúng tôi khiến cho thế giới của mình vận động. Nhưng rồi bạn ấy vụt chạy và bước vào một cuộc sống mới nơi ánh nhìn của tôi không thể vươn tới.

3. Để tôi khoe một tẹo: Con gái tôi thông minh và bạn ấy biết bạn ấy thích gì. Bạn ấy khẳng định không một chút ngần ngừ rằng tôi kể những câu chuyện hay nhất, và vào các buổi sáng cuối tuần bạn ấy nằm xuống bên cạnh tôi mà đòi nợ. Vì biết mình là ai, nên bạn ấy cũng biết bạn ấy muốn gì. “Phải có phù thủy nữa đấy nhé, bà ta phải vượt ngục nhưng bà ta không được mù và không được già đi, và cuối cùng bà ta không được bắt đứa bé.” Bạn ấy không muốn tôi bỏ qua những đoạn bạn thích. Bạn ấy bảo cho tôi biết bạn không thích đoạn nào khi tôi còn đang kể chuyện. Đó là lý do tại sao kể chuyện cho bạn ấy nghĩa là vừa viết ra câu chuyện vừa đọc câu chuyện như đứa bé viết câu chuyện đó.

4. Như mọi quan hệ thân mật khác, quan hệ giữa chúng tôi là một cuộc đấu tranh giành quyền lực. Ai sẽ quyết định: (A) xem kênh nào trên ti vi; (B) mấy giờ đi ngủ; (C) chơi trò nào hoặc không chơi trò nào, và làm thế nào quyết định này, và nhiều quyết định, thảo luận, tranh cãi, thủ đoạn, lừa dối ngọt ngào, trận khóc, lời quở trách, cơn dỗi hờn, hòa giải, và hành vi hối lỗi tương tự khác, được giải quyết sau những thương lượng chính trị lê thê. Toàn bộ nỗ lực này khiến chúng tôi mệt mỏi và vui sướng, nhưng rốt cuộc nó tích lũy lại và trở thành lịch sử của mối quan hệ, của tình bạn. Bạn sẽ hiểu được nhau, vì bạn không từ bỏ lẫn nhau. Bạn nghĩ về nhau, và khi cách xa bạn nhớ mùi của nhau. Khi Rüya đi vắng tôi nhớ mùi tóc bạn ấy kinh khủng. Còn khi tôi đi vắng, bạn ấy hít mùi bộ pyjama của tôi.


CHƯƠNG MƯỜI LĂM
Khi Rüya buồn

Con biết gì không, con gái? Khi con buồn như thế này, ba cũng buồn theo. Ba cảm thấy như thể có thứ bản năng chôn sâu đâu đó trong ba - trong thân thể ba, trong tâm hồn ba - ừ, ở đâu đó: Khi thấy con buồn, ba buồn theo. Như thể có cái máy vi tính nào đó trong ba ra lệnh, KHI THẤY RÜYA BUỒN NGƯƠI PHẢI BUỒN THEO.

Tôi cũng có thể đột nhiên buồn vô cớ. Giữa một ngày bình thường, tôi có thể đang ngó nghiêng cái tủ lạnh, tờ báo, đầu óc tôi hay tóc tai tôi. Tự dưng tôi nghĩ lan man: cuộc đời này... nhưng hãy thôi đi một lát. Tôi nhìn Rüya, mặt bạn ấy tối sầm mờ mịt; bạn ấy nằm còng queo trên đi văng, chỉ nằm đó - điều gì làm bạn ấy không vui đến thế? - ngắm nhìn thế giới qua khóe mắt còn ba bạn ấy đang ngắm bạn ngắm nhìn thế giới.

Con thỏ xanh lam nằm ở một bên tay.

Bạn chống bộ mặt không vui của mình lên tay kia.

Tôi quay lại bếp, lục lọi các ngăn tủ lạnh và đầu óc mình. Có thể là chuyện gì? Tôi băn khoăn. Bạn ấy có bị đau bụng không? Hay có thể bạn ấy chỉ đang khám phá vị muộn phiền? Cứ để bạn ấy như thế, để bạn ấy buồn, để bạn tự vùi mình trong nỗi cô đơn và trong mùi của chính bạn. Mục tiêu đầu tiên của một người thông minh là đạt đến trạng thái không vui khi xung quanh mọi người đều vui. Tôi từng nghĩ thế. Tôi thích khi nghe người ta nói theo giọng của Borges: “Thật ra, bất cứ khi nào có thể tôi đều cố gắng để không vui như mọi người trẻ tuổi.” Thế cũng tốt, nhưng hãy cẩn thận, bạn ấy chưa là một người trẻ tuổi; bạn ấy là trẻ con.

Im lặng.

Tôi mở tủ lạnh, lấy một quả táo đỏ tươi to đùng, cắn phập hết sức mình. Tôi ra khỏi nhà bếp. Bạn ấy vẫn còn nằm khoanh tròn ở đó. Tôi dừng lại suy nghĩ.

Thử tiếp cận. Chẳng hạn nói, Này, mình chơi súc sắc đi, và nói, Cái hộp đâu rồi nhỉ? Đi tìm cái hộp, rồi mở ra và hỏi, Con chọn màu nào? Con chọn màu xanh lá cây. Okay, vậy thì ba lấy màu đỏ. Rồi gieo súc sắc, đếm số chấm, và đảm bảo cho bạn ấy thắng. Nếu bạn ấy bắt đầu muốn thắng, nếu bạn ấy bắt đầu thích thú, mặt bạn ấy sẽ tươi tắn lên và bạn ấy nói,

Con thắng rồi!

Vậy cứ dẫn trước đi. Thắng hết các ván đi.

Đôi khi tôi cũng chán, tôi nói, Để ba thắng, một lần thôi cũng được; phải cho cô bé này biết thế nào là thất bại.

Không có tác dụng. Bạn ấy ném súc sắc đi. Bạn ấy lật úp bàn gieo súc sắc lại. Bạn ấy chui vào một góc dỗi tiếp.

Sao tôi không đề nghị chơi trò Không Chạm Chân Xuống Đất? Bạn có thể đi từ trên bàn sang ghế ăn, từ ghế ăn sang ghế bành, đi văng, cái bàn khác, cạnh của máy sưởi. Bạn có thể chạm sàn nhà, nhưng nếu bạn bị bắt gặp chạm chân xuống sàn, thì bạn trở thành Sàn Nhà. Nhưng đừng cố nhảy xa quá.

Trò hay nhất là Đuổi Bắt. Chạy quanh nhà, quanh bàn, từ phòng này sang phòng nọ, quanh những cái ghế ẳn, trong khi ti vi lải nhải về những thiên đường, đảo chính, nổi loạn, cuộc thi hoa hậu mới nhất, và về đồng đô la, thị trường chứng khoán; và hãy nhìn chúng tôi, nhìn chúng tôi đuổi bắt nhau như thế nào mà chẳng hề chú ý tới bạn và những trò vô nghĩa của bạn. Trong khi chúng tôi đuổi bắt nhau náo loạn, làm nháo nhào rổ ra, làm đổ đèn, móp méo những lâu đài làm từ mấy đống báo, coupon và bìa các tông, bắt đầu đổ mô hôi, la hét, nhưng không biết chính xác mình la hét gì; thỉnh thoảng chúng tôi cởi bỏ quần áo. Phải chi bạn biết chúng tôi có thể chạy qua những giấy gói sô cô la, sách màu, đồ chơi vỡ, báo cũ, chai nước bỏ, dép và những cái hộp nhanh như thế nào.

Nhưng thậm chí tôi không thể làm điều này.

Tôi ngồi trong một góc xem màu của bụi lặng lẽ lắng dân qua tiếng gầm gào của thành phố. Ti vi mở, nhưng không có âm thanh, không một âm thanh nào. Một chú hải âu đang thong thả dạo bước qua mái nhà; tôi nhận ra nó qua tiếng sột soạt. Cả hai chúng tôi nhìn ra ngoài cửa sổ lặng yên không nói lâu thật lâu, tôi ngồi trong ghế còn Rüya trên đi văng, và cả hai chúng tôi - Rüya buồn bã còn tôi hớn hở - nghĩ rằng nó xinh đẹp đến ngần nào.

Post a Comment

0 Comments