Những câu chuyện và tranh vẽ được nhiều người yêu thích của Barbara Cooney mang theo những bài học về lập trường đạo đức kiên định cho giới trẻ nước Mỹ.
Tranh minh họa © Barbara Cooney Porter. |
Huy chương Caldecott - Giải thưởng hàng đầu nước Mỹ dành cho những quyển sách tranh, năm 1959 đã tìm thấy một tác phẩm với góc nhìn hoàn toàn khác biệt. Đó là Chanticleer và con cáo, cuốn sách tranh đầu tay của họa sĩ trẻ Barbara Cooney. Cuốn sách được dịch lại từ tiếng Anh trung đại mặn mà của Truyện cổ Canterbury, kể về Chanticleer - một chú gà trống kiêu hãnh, suýt trở thành miếng mồi ngon vì nghe theo những lời nịnh hót của một con cáo. Ngay khi sắp bị con cáo ăn thịt, chú gà trống mới lật ngược tình thế, dụ dỗ con cáo há mồm ra và nhanh chóng tẩu thoát. Cuốn sách kết thúc bằng cảnh con cáo và chú gà trống đối đáp qua lại, khi ấy mỗi bên đều đã nhận ra sự ngu ngốc và bồng bột của bản thân.
Trong bài phát biểu nhận giải, vị tác giả nhỏ nhắn tóc vàng với đôi bàn tay thon dài, thừa nhận sự khác thường trong cuốn sách của mình. “Có nhiều điều tôi đặt vào tranh vẽ của mình mà mọi người sẽ không hiểu được”, bà chia sẻ. Nhưng bà vẫn chọn viết nó ra vì bà nghĩ rằng “trẻ em trên đất nước này cần một ‘chế độ hấp thụ’ văn chương lành mạnh hơn những gì chúng đang tiêu hóa.” “Điều này sẽ không gây ra bất cứ tổn hại gì đến chúng,” Cooney nhấn mạnh trước đông đảo thính giả - các thủ thư cấp cao và nhà giáo dục, về một vấn đề cuộc sống thực tế, đó là “thiện và ác, yêu và ghét, sống và chết.” Bà tuyên bố rằng sẽ không bao giờ “hạ thấp giá trị khi kể chuyện và vẽ tranh cho trẻ em”.
Bằng cách định hình những khát vọng của trẻ nhỏ, sách thiếu nhi cũng đang định hình một thế giới mà các em sẽ được thừa hưởng.
Sách thiếu nhi không chỉ là một sản phẩm giải trí thông thường. Chúng phản ánh cách nhìn nhận của một xã hội về trẻ em và về chính nó. Bằng cách định hình những khát vọng của trẻ nhỏ, sách thiếu nhi cũng đang định hình một thế giới mà các em sẽ được thừa hưởng. Barbara Cooney có một sự nghiệp lâu dài và thành công trong lĩnh vực sách tranh của Mỹ. Bà đã minh họa và sáng tác hơn 100 tác phẩm, trong đó có nhiều những truyện mang hơi hướm cổ điển đương đại như Dì Rumphius và Người lái xe bò (cũng là tác phẩm mang về một Huy chương Caldecott nữa cho bà, vào năm 1980). Đã hơn hai thập kỷ trôi qua sau khi bà qua đời nhưng những cuốn sách của bà vẫn được đông đảo độc giả yêu thích, những người say mê nét vẽ quyến rũ và lối kể chuyện giàu chất liệu lịch sử của bà. Nhưng món quà tuyệt vời nhất của Cooney, bộc lộ ngay từ những tác phẩm ban đầu của bà, còn sâu sắc hơn nhiều. Tầm nhìn khác lạ về những thế hệ trẻ nước Mỹ và những ý tưởng độc đáo khi sáng tác cho các em lại khiến những cuốn sách của bà phù hợp với bối cảnh nước Mỹ ngày nay – và có lẽ còn cần thiết hơn – hơn bao giờ hết.
Lần đầu tiên tôi biết đến Cooney là khi một người bạn tặng cho đứa con gái 3 tuổi của tôi cuốn sách “Dì Rumphius” (1982). Suzanne cứ nằng nặc đòi tôi đọc cuốn sách ấy hết lần này đến lần khác – chuyện cũng thường xảy ra đối với một số đứa trẻ và một số cuốn sách nhất định. Câu chuyện đơn giản đến mức khó tin xoay quanh cuộc đời của Alice Rumphius. Cuốn sách khởi đầu với một cô bé lắng nghe ông mình – một người nhập cư kể “chuyện về những vùng đất xa xăm”. Cô bé quyết tâm mình cũng sẽ chu du và sau đó trở về sống trong một căn nhà bên bờ biển. Ông của cô bé ủng hộ ý tưởng đó nhưng nhắn nhủ thêm một điều là cô bé cũng nên “biến thế giới trở thành một nơi tươi đẹp hơn”. “Cháu đồng ý với ông,” Alice cam đoan, và trong suốt phần còn lại của cuốn sách, cô cố gắng hết sức mình để hoàn thành được 3 mục tiêu ấy. Ở trang gần cuối, độc giả sẽ thấy vòng tròn cuộc đời của cô đã trọn vẹn khi cháu gái của Alice – cũng tên là Alice – có một cuộc đối thoại tương tự với người cùng tên giờ đã đầu tóc bạc phơ trong căn nhà bên bờ biển.
Khi đọc cuốn sách nhiều lần như vậy, lẽ ra tôi phải cảm thấy chán ngấy nó rồi nhưng tôi lại cảm thấy say mê câu chuyện nhiều hơn. Có nhiều điều tôi thích trong “Dì Rumphius” lắm. Minh họa của Cooney, với nhiều màu sắc và độ trơn phẳng đơn giản, thoáng đãng, gợi nhớ đến những bức tranh dân gian nước Mỹ, được làm đầy bằng các chi tiết tỉ mỉ, bắt mắt. Hành trình để “biến thế giới trở thành một nơi tươi đẹp hơn” của Alice chạm đến độc giả. Kết cấu câu chuyện theo chu kỳ, theo từng thế hệ - cô bé ở trang đầu tiên trở thành bà cụ ở cuối cuốn sách, khiến người đọc cảm thấy mãn nguyện.
Dì Rumphius (1982) © Barbara Cooney Porter. |
Tuy nhiên, câu chuyện còn gợi ra trong tôi thêm một điều nữa, một điều gì đó sâu sắc hơn nhiều. Cooney đã phác họa nên chân dung của một kiểu người hiếm có: một người sở hữu chiếc la bàn bên trong chính mình và sẵn sàng đi theo hướng dẫn của nó cho dù con đường nó chỉ ra không hề dễ đi chút nào. Dì Rumphius không kết hôn hay có gia đình riêng. (Ở đây Cooney đã ngầm hiểu rằng quyết định này sẽ khiến bà trở nên vô cùng khác thường trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 của cuốn sách.) Alice gặp phải những trở ngại và thất bại trên con đường của cô, giống như bất kỳ ai trong chúng ta, nhưng cô vô cùng vững vàng, cô đón nhận những đánh giá từ người khác và bệnh tật thể chất của cơ thể mình với sự bình tĩnh. Không một chút mảy may rao giảng đạo lý nào, Cooney đã cho độc giả của bà thấy cách họ có thể sống một cuộc đời có chủ đích rõ ràng – một cuộc đời mà họ có thể hình dung ra chính mình trong tương lai và từng bước thực hiện hóa nó mà không phải e dè hay sợ hãi điều gì.
Điều khiến tôi ấn tượng nhất trong bức chân dung này là Cooney đã từ chối việc tô hồng hay “ngọt ngào hóa” cho nhân vật. Theo đuổi con đường của mình, Alice chọn sống một cuộc đời đơn độc. Cooney, với sự thẳng thừng không chút đắn đo, đã khám phá nỗi đơn độc hòa quyện với sự tự chiếm hữu của nhân vật. Mặc dù Alice làm quen với “những người bạn không thể nào quên được” ở mỗi nơi bà để lại dấu chân, nhưng Cooney vẫn tập trung phác họa những khoảnh khắc đơn độc của bà. Alice đứng một mình bên ngoài hiên căn nhà bên bờ biển của bà; mọi nơi bà đi đến, chỉ có một con mèo làm bạn đường, để rải hạt giống hoa làm cho thế gian tươi đẹp hơn. Sau khi bà bắt đầu gieo hạt, người dân trong thị trấn gọi bà là “Bà cô già lẩn thẩn”. Cooney dường như đang thì thầm vào tai độc giả: Đừng nghĩ rằng sống một cuộc đời tự chủ như thế là dễ dàng.
Dì Rumphius (1982) © Barbara Cooney Porter. |
Barbara Cooney hiểu rõ thế nào là cô đơn. Bà sinh vào năm 1917, cách đây hơn 100 năm, ở Brooklyn, trong một gia đình người Ireland gốc Đức thịnh vượng. Hai bên nội, ngoại nhà bà đều từ gốc gác người nhập cư đi lên để trở nên sung túc hơn và có vị thế trong xã hội đầu thế kỷ 20. Cha của Cooney học tại Yale, trong khi mẹ của bà học tại Học viện Packer Collegiate ưu tú ở Brooklyn, và bản thân Cooney đã trúng tuyển Đại học Smith.
Cooney là một người kỳ quặc và lạc lõng trong gia đình. Cha của bà, ông Russell, là một người gia trưởng bảo thủ nên luôn ưu ái ba người anh em trai của bà. Người con gái mảnh mai, thường không tuân theo các quy chuẩn thông thường này tìm thấy niềm hạnh phúc lớn nhất trong những mùa hè được sống tại khu biệt thự của gia đình mình tại Waldoboro, Maine. Thị trấn nhỏ ở New England được người Đức đến định cư từ thế kỷ 18 này khiến Cooney và mẹ cảm thấy vô cùng thư thái, dễ chịu.
Sau khi hoàn tất chương trình đại học, năm 1938, bà trở lại New York với mong muốn được sáng tác cho thiếu nhi. Do không được đào tạo chính quy về nghệ thuật nên khởi đầu của bà không mấy suôn sẻ. Một nhà xuất bản nhỏ nhưng có uy tín là Farrar & Rinehart đã phát hành 3 cuốn sách có chia chương khá dễ thương, tất cả đều lấy bối cảnh ở Maine, do bà sáng tác và minh họa với 2 màu sắc đen – trắng đơn giản. Không một cuốn nào gây được tiếng vang lớn.
Chẳng bao lâu sau khi xuất bản những cuốn sách đầu tay, Cooney hẹn hò và kết hôn với Guy Murchie – một nhà văn cao ráo và từng trải, là con trai của một người trong trung đoàn kỵ binh “Những tay lái rắn rỏi” của Theodore Roosevelt. Trong vòng 3 năm tiếp theo, họ có 2 người con là Gretel và Barnaby, đặt theo tên của các nhân vật trong truyện ngụ ngôn kinh điển. Nhưng cuộc hôn nhân này thật chóng vánh. Cooney phát hiện ra Murchie là một “gã tồi” và là một “kẻ lăng nhăng” – như các con của cô sau này cũng kể lại. Sau nhiều năm chịu đựng đau khổ, cuối cùng bà quyết định rời đi.
Vào thời mà một người bố/người mẹ đơn thân vì ly dị chỉ đếm trên đầu ngón tay, việc tự mình có thể gồng gánh vươn lên chẳng dễ dàng gì. Cha và hai anh trai song sinh của bà đã phản đối cuộc hôn nhân và từ mặt bà. Bà phải nuôi gia đình mình dựa trên thu nhập từ việc viết lách và dành toàn bộ thời gian để vẽ minh họa. Bà hầu như nhận tất cả các dự án người ta đề nghị, từ tuyển tập các bài hát dân gian cho thiếu nhi đến các chương trình giáo dục tiến bộ như Thầy nghe, trò nói. Bà lồng ghép gia đình nhỏ của mình vào công việc, chẳng hạn như bày biện chiếc bàn vẽ cổ xưa của mình trong phòng khách hay lấy các con mình làm hình mẫu sáng tác.
Năm 1949, Cooney tái hôn và chuyển đến định cư ở Pepperell, Massachusetts. Bà và chồng mới – một bác sĩ thị trấn, Charles Talbot Porter, có thêm 2 người con. Tuy nhiên, bất kể sự ổn định mới đó, Cooney và gia đình bà vẫn hết sức nổi bật. Trong một thị trấn nơi mà hầu như không một phụ nữ nào cùng tầng lớp với bà có công việc, hàng ngày Cooney vẫn dành 6 tiếng ở bàn làm việc, minh họa khoảng 6 cuốn sách mỗi năm. Cũng như nhiều điều bất thường khác, Cooney trò chuyện với con mình như thể chúng không chỉ là trách nhiệm mà bà phải gánh vác mà bà thực sự xem các con là những người bạn. Bà hăng hái khích lệ những mong muốn sáng tạo của các con. Họ cùng chế tạo ca nô, cố gắng khai thác than trong sân nhà và tổ chức một buổi xiếc thú chỉnh chu với người huấn luyện sư tử và màn biểu diễn đi trên dây trên cao. Và hàng đêm, cả gia đình sẽ quây quần quanh chiếc bàn ăn và trò chuyện đến tận khi tối muộn dưới ánh nến.
Barnaby, nhân vật chính trong Cậu bé tung hứng (1961), cuốn sách thứ hai Cooney sáng tác, có thể đã xuất hiện đâu đó trong nhà của Porter vào những năm 1950. Cậu bé là một người biểu diễn nhào lộn mồ côi sống ở Pháp thời trung cổ. Trong phiên bản về truyền thuyết nước Pháp thường được kể lại này của Cooney, cậu bé không một xu dính túi này cảm thấy rất buồn bã vì cậu không có món quà Giáng sinh nào để gửi đến Đức Mẹ Đồng Trinh Mary. Tuy nhiên, dù chẳng có thứ gì thuộc về mình, cậu nhận ra mình có thể dùng cách khác. Vào đêm Giáng sinh, cậu lẻn vào trong một nhà nguyện và biểu diễn trước tượng của Đức Mẹ cho đến khi ngã quỵ xuống. Hai vị tu sĩ cảm thấy bị xúc phạm bởi họ cho rằng những việc làm đó của cậu bé là thiếu tôn kính. Nhưng khi Đức Mẹ xuất hiện và hồi sinh chàng trai bé bỏng này, họ nhận lỗi của mình và cho phép cậu bé ở lại với họ.
Barnaby của Cooney không giống như Barnaby mà chúng ta tìm thấy trong hầu hết các phiên bản khác của câu chuyện. Dưới bàn tay của bà, câu chuyện không chỉ về trí khôn hồn nhiên của một đứa trẻ hay một kẻ ngây thơ. Cooney đã hình dung về Barnaby một cách công bằng như khi bà nghĩ về bất kỳ người lớn nào. Cậu bé lâm vào cảnh khốn khó thực sự và phải đo đong đếm kỹ càng trước khi đưa ra quyết định sẽ dâng tặng một màn biểu diễn nhảy múa. Sự quở trách của Đức Mẹ dành cho các vị tu sĩ và sự ôm ấp, nâng niu đứa trẻ của Đức Mẹ được xem như một sự công nhận của các năng lực siêu nhiên về sự ngang hàng, bình đẳng tự nhiên của trẻ em đối với những người lớn tuổi hơn.
Cooney nghĩ rằng trẻ em là những tác nhân sở hữu đạo đức và trí tuệ.
Barnaby, dù vô tình hay cố ý, cũng đã trở thành một phần trong cuộc tranh luận rất xa xưa về bản chất của trẻ em – mà người Mỹ đã bàn luận cả trong lẫn ngoài sách từ rất lâu - trước cả khi nước Mỹ có tên gọi Hợp chủng quốc. Liệu rằng trẻ em cơ bản giống người lớn hay khác chúng ta? Vào thời tiền hiện đại, Philippe Ariès – học giả người Pháp đã đưa ra một lập luận nổi tiếng: Không có tuổi thơ theo cách mà chúng ta đang hiểu về nó. Trẻ em được hình dung như những người lớn tí hon, như cách trẻ được mô tả trong các tranh vẽ. Sách cho trẻ em do đó phải làm sao để hợp với điều này. Chẳng hạn như khi trẻ em ở New England học bảng chữ cái trong Sách vỡ lòng của New England, các em hiểu rằng phải chọn giữa việc trở thành tội nhân hay thánh, giữa việc muốn sống hay chết.
Vào đầu thế kỷ 19, một “tầm nhìn lãng mạn về tuổi thơ” (theo cách gọi của nhà lịch sử Steven Mintz) đã thay thế những quan niệm trước đó. Những người thuộc tầng lớp trung lưu thời Victoria cho rằng thời thơ ấu là trải nghiệm thanh bình, êm đềm, không phải lo nghĩ hay sợ hãi bất cứ điều gì. Họ nghĩ rằng nó phải như thế, bởi họ nghĩ rằng trẻ em là những sinh vật mỏng manh và chưa thể làm gì. Để tận hưởng khoảng thời gian này, trẻ em phải được che chắn khỏi những hiện thực rắc rối của thế giới người trưởng thành. Do đó không có gì bất ngờ khi sách cho thiếu nhi thời Victoria thiên về các câu chuyện cổ tích đã được “thanh tẩy” sạch sẽ, những câu chuyện hư cấu nhàm chán hay chuyện lịch sử lỗi thời. Hơn một thế kỷ sau đó, những quan niệm này vẫn còn dư âm trong vô số sách thiếu nhi – vẽ nên một bức tranh màu hồng, như thể chúng là tất cả những gì mà tâm hồn trẻ thơ có thể chịu đựng được.
Đối với Cooney, tầm nhìn về trẻ em thời Victoria này chẳng hợp lý chút nào. Với những trải nghiệm của chính mình khi còn là một đứa trẻ và khi đã làm mẹ, bà cho rằng trẻ em là những tác nhân sở hữu đạo đức và trí tuệ - và nên được dạy để trẻ tự nhận thức về bản thân chúng theo hướng đó. (Việc bà được tiếp cận với giáo dục tiến bộ có lẽ cũng đã củng cố cho niềm tin này của bà.) Giống như Alice Rumphius, cậu bé nhào lộn Barnaby luôn tuân theo các nguyên tắc đạo đức dù đối mặt với khó khăn và kỹ năng xoay sở tháo vát trong nhiều hoàn cảnh, điều này khiến cậu bé làm chúng ta nhớ đến những con chiên cứng rắn của Thanh giáo hơn là những đứa trẻ ngây thơ thời Victoria.
Sức hút về mặt đạo đức trong các nhân vật trẻ em khiến những câu chuyện của Cooney mang một không khí cổ hủ. Nhưng quan điểm về những khả năng của trẻ em mà bà trân trọng dường như là một lời tiên tri. Các thí nghiệm tâm lý trẻ em trong hơn 30 năm qua đã hé lộ sự thật rằng trẻ em phức tạp về mặt đạo đức và trí tuệ hơn chúng ta từng nghĩ. Trẻ em mới chập chững tập đi đã tham gia vào quá trình suy nghĩ quy nạp. Ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ em đã có thể phân biệt được phải trái – đúng sai. Thật vậy, ở một khía cạnh nào đó, trẻ em dễ dàng nhận ra khả năng của chúng hơn chúng ta nhận ra khả năng của mình. Chẳng hạn như, trẻ em nhanh nhạy hơn người lớn khi học hỏi và khái quát hóa từ trải nghiệm của chúng. Tất nhiên Cooney không hề biết về thí nghiệm này. Nhưng bà đã tự mình đưa ra một kết luận tương tự và thể hiện sự tôn trọng đối với tâm trí của trẻ thơ trong những cuốn sách của bà.
Thành công của Gà trống và Cáo đã cho Cooney một bến đỗ rộng lớn hơn bao giờ hết để bà theo đuổi tầm nhìn của mình. Bà vốn đã luôn yêu thích truyện dân gian và truyện ngụ ngôn của các nước trên thế giới. Giờ đây nhiều nhà xuất bản kết nối bà với thể loại đó, cũng như cung cấp một lượng kịch bản đều đặn để bà minh họa. Trong những năm 1960 và đầu những năm 1970, bà đã vẽ tranh cho hơn 12 cuốn sách dựa theo các truyện kể dân gian. Như những gì đã làm với Gà trống và Cáo, bà dự định sẽ dựng lại bối cảnh lịch sử của từng câu chuyện một cách tỉ mỉ. Vậy nên bà bắt đầu nghiên cứu ở nước ngoài. Cooney đã đi du lịch nhiều nơi trong vài thập kỷ, bà đã đến Pháp, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Bắc Phi, Mê-hi-cô và Châu Đại Dương. Bà thường trở về nhà sau mỗi chuyến đi với những cuốn sổ ghi chép chi chít chữ và tranh vẽ xen lẫn nhau, cũng như hàng trăm tấm ảnh chụp và những thùng sách tham khảo.
Những năm 1960 chiếm hết tâm trí của Cooney theo cách thế này. Trước đây bà không bao giờ quá để tâm đến chính trị, và bà giống một người đứng ngoài quan sát hơn là trở thành một người tham gia tích cực vào chính trị. Điều thực sự thu hút bà đến với chính trị là những bộ phim kể về người làm chính trị: cách nó hé lộ “những cuộc đấu tranh” của các cá nhân, như con dâu của bà đã nói, để tìm được lối đi của họ trong đời. Có rất nhiều bộ phim như thế để xem, thậm chí ở Pepperell. Cooney háo hức theo dõi quá trình của phong trào dân quyền, nhiệt tình ủng hộ John F. Kennedy và George McGovern, cũng như tham gia vào phong trào nữ quyền. Bà đã đọc Simone de Beauvoir, có lẽ là bản gốc tiếng Pháp, và trở nên mạnh mẽ hơn với niềm tin từ lâu này của bà về quyền phụ nữ.
Cooney bắt đầu thử nghiệm các hình thức biểu thị thị giác mới. Cho đến đầu những năm 1960, bà chủ yếu vẫn sử dụng “tranh điêu khắc” (kỹ thuật dùng bút điêu khắc để vẽ trên tấm bảng chuyên dụng đặc biệt). Giờ đây khi được thoát khỏi sự gò bó phải làm việc trên các phương tiện in ấn rẻ tiền, bà bắt đầu sử dụng bút chì màu, màu acrylic và sơn dầu. Tuy nhiên, thậm chí khi đã chuyển sang nhiều hình thức minh họa khác nhau, bà vẫn duy trì được độ trơn phẳng và các đường nét sắc nét vốn đã trở thành một dấu ấn trong tranh vẽ của bà trong suốt nhiều thập kỷ vẽ tranh điêu khắc.
Người lái xe bò (1979) © Barbara Cooney Porter. |
Phong cách mới của bà hoàn thiện vào thời điểm bà minh họa Người lái xe bò – cuốn sách ra đời năm 1979 đã mang về cho Cooney Huân chương Caldecott thứ hai. Văn phong nhịp nhàng, gần như thôi miên người đọc của nhà thơ Donald Hall mô tả vòng đời của một gia đình New England thời tiền hiện đại. Nó bắt đầu với cảnh một gia đình chất hàng hóa lên một chiếc xe đẩy để mang ra chợ vào một mùa thu nọ. Kết thúc, chúng ta đang ở cuối mùa xuân, ngắm nhìn gia đình ấy tích lũy cũng y hệt những thứ hàng hóa kia cho một năm nữa. Đây là cuốn sách mà ở một khía cạnh nhất định, chẳng có gì thực sự xảy ra cả.
Tranh vẽ của Cooney, dù phù hợp với lứa tuổi thanh thiếu niên, nhưng lại biến câu chuyện thành một sự lắng đọng về tình yêu và sự mất mát. Ở giữa cuốn sách, bà dành trọn một trang cho một dòng Hall viết: Bác nông dân “đã bán con bò của ông, và hôn tạm biệt vào mũi của nó.” Cooney cho thấy bác nông dân – với vòng tay âu yếm choàng qua đầu con bò của ông và vẻ mặt nghiêm nghị, sắp sửa đặt nụ hôn vào cái mõm nhỏ màu hồng của người bạn đồng hành của ông. Sự hiện diện duy nhất khác trong bức tranh là một cái cây trơ trụi và một thảm lá rụng. Tuy nhiên, hơn 6 trang sau đó, cái đuôi và cặp chân sau lanh lợi của một chú bê trong chuồng lấp ló, như thể khẳng định với chúng ta rằng một chu kỳ mới đã bắt đầu.
Tương tự như Dì Rumphius, xuất bản 3 năm sau đó, Người lái xe bò nói về sự thay đổi và sự ổn định, hai thái cực trong cuộc đời của một đứa trẻ (và cũng của bất cứ cuộc đời nào). Cái hay của cả hai tác phẩm này nằm ở chỗ chúng lấy tính ổn định của những chu kỳ để ổn định một hiện thực luôn bất ổn bởi những thay đổi. Một chu kỳ, bất kể là chu kỳ của các mùa hay của các thế hệ, thì sau cùng cũng chỉ là một dạng thức của sự thay đổi mà hứa hẹn sự tiếp nối và trở lại. Nỗi cô độc của Alice Rumphius và sự trôi đi của thời gian trên nông trại đều được tạo thành, luân phiên nhau, bởi âm thanh đều đều dịu nhẹ của những giai điệu cuộc sống vang vọng hơn.
Dì Rumphius và Người lái xe bò đều được xuất bản vào thời điểm chiến thắng của phong trào bảo thủ giúp người ta đến gần hơn với triều đại hậu chiến tranh lâu dài của chủ nghĩa tự do. Ronald Reagan và những người kể chuyện khác của phong trào đã thúc đẩy cuộc tiến công của họ hướng đến sự đồng thuận tự do bằng lối kể lại quá khứ của dân tộc đầy hoài niệm và sống động, tôn vinh sự đồng nhất về văn hóa, hệ thống cấp bậc, và một đặc tính tự thân của sự thành công. Chắc chắn không phải ngẫu nhiên mà khi câu chuyện này lan tỏa khắp nơi, Cooney, một người đã công khai đi theo chủ nghĩa tự do, lần đầu tiên trong sự nghiệp lâu dài của bà, đã bắt đầu tạo ra một huyền thoại nước Mỹ của riêng mình. Trong loạt sách hay nhất của mình, bao gồm 3 cuốn sách do chính bà tự sáng tác và minh họa – Cậu trai đảo (1988), Hattie và những con sóng dữ (1990) và Eleanor (1996) – bà đã phác họa nên một tầm nhìn khác về quá khứ của nước Mỹ.
Những cuốn sách của Cooney trong những năm đó đã đưa một trong những hình tượng “người bên lề” quen thuộc – người nhập cư, người cô đơn, người được dẫn lối bởi ánh sáng bên trong bản thân – trở thành trung tâm trong một câu chuyện nước Mỹ không lẫn vào đâu được. Cậu trai đảo, giống với Dì Rumphius ở một số điểm, kể câu chuyện về Matthais Tibbetts, một cậu bé sống ngoài khơi bờ biển Maine vào thế kỷ 19. Hattie lại là cuốn tự truyện pha một chút hư cấu về mẹ của Cooney và việc nuôi dạy con của bà ở vùng đất nhập cư Brooklyn vào đầu thế kỷ. Eleanor là câu chuyện kể về thời thơ ấu của Eleanor Roosevelt. Cuộc đời của mỗi nhân vật chính này đưa ra một điểm đối lập với sự tưởng tượng của thời đại Reagan: lịch sử nước Mỹ được xây dựng trên nền tảng đạo đức, sự đồng cảm và mối quan tâm bất biến đối với người khác.
“Ngay từ đầu,” Eleanor mở đầu bằng một cú đấm thẳng vào độc giả, “đứa bé ấy đã là một nỗi thất vọng đối với mẹ nó.”
Matthais và Hattie cũng có khả năng nhận thức bản thân như Alice Rumphius. Giống như Alice, cả hai tuyên bố những dự định cho tương lai của họ ngay từ khi còn nhỏ. Cậu bé Matthais khao khát được trở thành một người hữu dụng hơn ở trang trại, bất chấp sự coi thường của những người anh trai. Còn Hattie thông báo cho gia đình hay hoài nghi của cô kế hoạch trở thành một họa sĩ. Họ cũng có lúc cảm thấy đơn độc như Alice. Trên trang thứ hai của Cậu trai đảo, cậu bé Matthais thực sự cô đơn vì không được ngủ cùng các anh chị em của mình. Khi bị các anh phớt lờ, cậu bé chỉ có thể ngồi thu lu một mình “dưới tán cây táo đỏ vùng Astrakhan”, cũng chính ngay chỗ này, nhiều trang sau đó, cậu được chôn cất. Cậu bé thực sự là “cậu trai trên hòn đảo của chính mình”.
Cậu trai đảo (1988) © Barbara Cooney Porter. |
Những trẻ em làm nhân vật chính trong 3 cuốn sách này có một sự thông cảm phi thường dành cho những người không được xã hội chấp nhận và những người lạ. Eleanor luôn nghĩ về “những người kém may mắn” – những cậu bé bán báo và những người trong Nhà bếp Địa ngục. Cậu bé Matthais, trong một đoạn có lẽ tác động mạnh mẽ nhất của một cuốn sách cảm động, đã nhận nuôi một chú mòng biển con mồ côi mà cậu tìm thấy trên tảng “Đá Trứng”. Cậu săn sóc nó, cho nó ăn hải sản và cả “bánh táo và bánh donut”, và chú chim nhỏ mon men theo cậu đến mọi ngóc ngách. Cuối cùng, cậu dạy nó tập bay và để nó quay trở về “nhà”. Sự cảm thông của Matthais biến cậu trở thành một người ủng hộ nữ quyền mạnh mẽ. Khi cậu cùng vợ mình – Hannah, trở về hòn đảo năm xưa với 3 cô con gái, các anh trai của cậu lại một lần nữa chế giễu cậu – “Một nông dân cần có con trai để phụ các công việc nặng nhọc” – nhưng Matthais bỏ ngoài tai những lời ấy. “Phụ nữ và con gái vẫn có thể làm việc chăm chỉ”, Hannad khẳng định, và chồng cô dường như tán thành điều đó.
Đọc sách của Cooney như thể đang bắt gặp một nước Mỹ được nhào nặn nên bởi những người kỳ quặc và người hướng nội.
Trong Eleanor, được hoàn thành chỉ một vài năm trước khi bà qua đời vào năm 2000, Cooney đã đưa ra lời tuyên bố kiên định nhất về những đặc điểm tạo nên một nước Mỹ vĩ đại. Cuốn sách thành hình trong lúc Cooney vẫn đang thực hiện một dự án không bao giờ có thể hoàn thành, đó là câu chuyện về thời ấu thơ của một nam nghệ sỹ. Giống như hầu hết các nhân vật chính khác của Cooney, Eleanor đơn độc. Nhưng điểm khác biệt là cô bé bị người khác đẩy sự cô lập vào người. “Ngay từ đầu,” Eleanor mở đầu bằng một cú đấm, “đứa bé ấy đã là một nỗi thất vọng đối với mẹ nó.” (Còn ai khác ngoài Cooney dám mở đầu một cuốn sách dành cho thiếu nhi với những từ ngữ tăm tối như vậy?) Mọi chuyện nhanh chóng diễn biến từ tệ đến tệ hơn. Eleanor bé bỏng bị gia đình hắt hủi và trở thành trẻ mô côi khi mới lên 9. Nhưng dù nhút nhát và vụng về, cô bé tỏ rõ sự vững chãi như thép của Cooney; cô bé luôn cố gắng để can đảm hơn.
Eleanor (1996) © Barbara Cooney Porter. |
May mắn của Eleanor cuối cùng cũng bắt đầu xuất hiện khi cô bé đến học tại một trường nội trú ở Anh năm 15 tuổi. Nhờ sự giúp đỡ của hiệu trưởng, “cô gái trẻ hay sầu não” nhanh chóng tìm thấy chỗ đứng của mình. Cô khám phá ra điểm mạnh của bản thân, học cách “nghĩ cho chính mình”, và chẳng bao lâu sau đã trở thành người cố vấn cho “những cô gái cảm thấy đơn độc” khác. Cô trở về quê hương nước Mỹ “đĩnh đạc và tự tin, can đảm, trung thành và chân chính”. Đoạn kết của cuốn sách, kể lại vắn tắt quãng đời sau này của cô, khép lại bằng bài điếu văn của Adlai Stevenson trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc: “Bà ấy thà thắp lên những ngọn nến còn hơn nguyền rủa bóng tối.” Không lần nào câu nói ấy không khiến tôi xúc động.
Giống như hầu hết các tác phẩm khác của Cooney, những cuốn sách sau này của bà lại trở nên hợp thời đến kỳ lạ. Trở thành một người Mỹ có ý nghĩa gì là điều hiện giờ người ta trăn trở hệt như vài thập kỷ trước, khi chúng lần đầu xuất hiện trên sách báo. Những đức tính của một công dân mà họ noi gương đang bị đe dọa không ít. Đọc Cậu trai đảo hay Eleanor, hay kể cả Dì Rumphius, ngày nay chúng ta sẽ bắt gặp một tầm nhìn về một nước Mỹ được định hình bởi những “người bên lề”, những người kỳ quặc và những người hướng nội. Đây là những con người, mà Cooney cho rằng, biết rõ bản thân và tâm trí của họ, đồng thời có một kiến thức vững vàng về bản thân để kiến tạo xã hội. Những cuốn sách này, những nhân vật này, phản ánh lý tưởng về một nước Mỹ có thể trở thành hiện thực, một đất nước với nền văn hóa tôn trọng sự đồng cảm và sự nhẫn nại – hai phẩm chất dường như vô cùng khan hiếm thời này.
Những đứa trẻ sinh ra thời nay sẽ phải đối mặt với những bất trắc không nhỏ khi tương lai rộng mở. Các nhân vật của Cooney, bằng cách bộc lộ những đức tính của một tầm nhìn xa trông rộng và lập trường đạo đức kiên định, có thể sẽ giúp ích cho trẻ em. Tôi có thể hình dung ra một đứa trẻ thời nay đang ngồi trong lòng ông bà, giống như Alice Rumphius đã từng làm vậy, và tuyên bố ý định làm cho thế giới tốt đẹp hơn. Cooney chắc chắn cũng mong muốn điều đó. Đối với bà, như bà đã nói trong bài phát biểu nhận Huân chương Caldecott năm 1980, mục đích của bà không phải là làm “sách tranh cho trẻ em”. Mục đích là làm sách tranh “cho mọi người”.
Tôi phải thừa nhận rằng con gái mình đã hơi quá tuổi so với những cuốn sách của Barbara Cooney. Sự phấn khích mà Suzanne từng có khi nghe đi nghe lại chúng đã vơi bớt đi. Khi con bé nhìn thấy chúng trên bàn làm việc của tôi, con bé nói đùa rằng chúng là sách của tôi. Tôi cảm thấy hơi buồn về điều đó. Nhưng theo một hướng tích cực khác, Cooney có lẽ cũng đã dự đoán được điều này sẽ xảy ra và vì vậy, bà đã lấy đi khoảnh khắc đắng lòng ấy. Cuộc sống và thời gian, trong thế giới của bà, luôn chuyển động theo những vòng tròn. Và vì vậy, trong sự mất hứng thú của Suzanne, tôi bắt đầu nhìn thấy điểm rẽ ngoặt của vòng tròn ấy: từ một đứa trẻ lắng nghe những cuốn sách của Cooney với sự chăm chú mê ly, giờ đây sẽ trở thành một người bố/người mẹ đọc chúng cho con cái mình nghe.
Dịch từ bài viết của Nathan Perl-Rosenthal. Bạn có thể xem bài gốc tại đây.
Người dịch: Anh Thy
0 Comments