Lời bày tỏ của một kẻ “nghiện” hội đồng giải thưởng



Chào các bạn, 

Tôi là Robin. Tôi bị “nghiện” công việc ở những hội đồng chấm giải thưởng sách. Tôi đã vật lộn với “cơn nghiện” này của mình 7 năm nay rồi.

Trước đây, mối quan tâm của tôi với sách thiếu nhi chỉ gói gọn trong việc đọc khoảng 200 cuốn sách mỗi năm cho những học sinh lớp 2 của mình, tìm sách phù hợp cho tụi nhỏ để đọc, và đọc những cuốn sách đầy những sticker sáng chói trên bìa sách. Tôi cũng không hiểu sao mấy miếng sticker xuất hiện ở đó nữa. Có lẽ một thế lực thủ thư hùng hậu nào đó đã dán chúng lên. Tôi làm gì biết đến những người làm việc trong các hội đồng giải thưởng sách chứ.

Tôi nhớ mình được “khai sáng” như thế này. Tôi đang đứng ở hành lang ký túc xá Đại học Radcliffe – nơi diễn ra hội nghị của Tổ chức Văn học Thiếu nhi New England. Đó là năm thứ hai tôi tham gia, mà tôi vẫn vô cùng kinh ngạc khi nhìn danh mục sách, các giảng viên và người tham dự - nhiều người trong số họ đề cập đến hàng đống thẻ chỉ mục được mã hóa màu trong suốt những phiên thảo luận về sách. Còn tất cả những gì tôi chuẩn bị là mấy gạch đầu dòng gồm tựa sách, tác giả, họa sĩ minh họa và những điều tôi thích ở cuốn sách, chưa kể chúng còn được viết trong cuốn sổ tay hết sức nhàu nhĩ mà tôi lôi ra từ giường của con trai mình. Tôi thấy mình hệt như một giáo viên tầm thường – xin hãy tạm dừng nhạc nền thần tiên ở đoạn này – trong thế giới của những cuốn sách. Hẳn là vậy rồi, tôi đang phụ trách tờ báo địa phương và dạy một lớp hai lấy sách làm trung tâm giảng dạy, còn những nhân vật ở hội nghị này đều là những cây đa cây đề trong làng văn học thiếu nhi. Thế nên, tôi giống như góp mặt cho vui thôi. Vài người cũng đang đứng ở hành lang như tôi khi Rita Auerbach trở thành trung tâm của sự kiện. Tôi đứng đó, hầu như chẳng hé lời nào, tuyệt vọng khi cố gắng hòa nhập vào đám đông. Rita tình cờ nhắc đến điều gì đó, đại loại như “Đó là năm mà tôi đọc toàn bộ những cuốn sách được xuất bản.”

Mọi người có vẻ như đều hiểu điều cô ấy vừa nói và tôi, như thường lệ, lại chẳng hiểu đầu cua tai nheo gì. Thế nên tôi thốt lên: “Tại sao mà vào năm đó cô lại đọc nhiều sách như vậy?”

Rita thản nhiên trả lời, “Đó là năm mà tôi làm việc cho Newbery.” Trong giây lát, tôi như bất tỉnh – người phụ nữ trông hết sức bình thường đang đứng trước mặt mình này từng ở trong hội đồng Newbery ư? Tôi trở lại với cuộc trò chuyện sau khi đã đủ tỉnh táo để hỏi cuốn sách nào thắng giải vào năm của cô ấy. “The Whipping Boy,” cô ấy nói. (Đây chính xác là thời điểm hoàn hảo để chấp nhận sự thật rằng tôi có một khuôn mặt “nghĩ gì biểu lộ ra đấy”.) Tôi tưởng tượng mặt mình lồ lộ ra hết sự ngu ngơ không biết gì về cuốn sách ấy. Rita nhìn tôi chằm chằm. “Đó là cuốn sách nổi bật nhất của năm.”

“Ồ,” tôi trả lời. (Tôi cũng khá là nhanh nhảu đốp lại đó chứ.)

Tôi đào bới tất cả mọi thứ từ Rita, trong đó có cả thông tin tuyệt vời về việc giáo viên có thể tham gia vào ALA và trở thành tình nguyện viên trong hội đồng chấm giải sách. Chưa bao giờ tôi biết điều này. Phải, chính nó, ALA – Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ! Cô ấy lẩm bẩm cái gì đó về việc tham gia. Đó là cảm nhận đầu tiên của tôi về việc tham gia vào ALA nhưng có lẽ nó quá tầm với của tôi, giống như… rượu cognac vậy. Thật lòng mà nói là vậy. Tôi chỉ là một giáo viên lớp hai có tình yêu với sách thiếu nhi. Tôi nghĩ rằng giấc mơ đó không dành cho mình.

Cho đến ngày nọ.

Tôi đang đọc những trang sau của tạp chí The Horn Book. Lúc ấy, tôi đang viết bài phê bình cho Kirkus và cũng thường viết cho The Horn Book. Tôi không thể rời mắt khỏi mục lục nhỏ xíu về những nhà phê bình khách mời và nhận thấy, chao ôi, mới khập khiễng làm sao khi tôi đứng cạnh các vị giáo sư và nhà văn này. Rồi mắt tôi dời một chút sang dòng chữ “Giải thưởng Geisel”, một giải thưởng mới của Hiệp hội Dịch vụ Thư viện cho Trẻ em (ALSC) trao cho những cuốn sách viết cho những người mới bắt đầu đọc sách. Đối tượng của tôi. Những độc giả mới. Có thể tôi chỉ là một giáo viên, nhưng tôi biết rõ những thứ mà một độc giả mới sẽ thích và những gì sẽ giúp các độc giả nhỏ học đọc. Tôi đổ hết tiền để tham gia ALA và nhấn ngay vào trang tuyển tình nguyện viên, tự hỏi liệu một giáo viên có được chào đón vào hội đồng Geisel hay không. Chờ đợi mòn mỏi, hy vọng tràn trề rồi thất vọng não nề. Danh sách thành viên của hội đồng được công bố, nhưng không có tên tôi. Tôi nghĩ rằng duyên giữa tôi và ALA chỉ chóng vánh vậy thôi, vậy nên khát khao của tôi cũng vơi đi bớt. Tôi không hề biết rằng ALA không phải là nơi duy nhất để tìm một công việc trong hội đồng giải thưởng sách.

Điện thoại của tôi không bao giờ reo trong lớp học, nhưng vào tháng 9 năm 2015, nó đã reo. Học sinh của tôi còn trong giờ thể dục thêm vào phút nữa, nên tôi có thể nghe điện thoại. Đó là Roger Sutton. Roger Sutton đang gọi điện thoại cho tôi? Chuyện gì thế này? Anh ấy muốn tôi làm việc cho Boston Globe – Hội đồng chấm giải của The Horn Book. Gì cơ? Tôi ngồi thụp xuống. Tôi nhớ rằng mình đã hỏi liệu anh có đang nói chuyện nghiêm túc không đấy (phải nhắc lại là nhanh nhẹn không phải tính cách nổi bật nhất của tôi). Tất nhiên là anh ấy nghiêm túc. Tôi nhảy cẫng lên trong lớp học và lao đi không kịp thở để báo tin mừng cho chồng mình - giáo viên đồng nghiệp kiêm nhà phê bình sách - Dean Schneider. Anh ấy là người duy nhất cảm thấy bất ngờ. Các con và bé mèo nhà tôi chẳng buồn quan tâm, huống chi các đồng nghiệp – những người từ lâu đã “bội thực” bởi nhiệt huyết sôi sục tôi dành cho sách.

Chẳng bao lâu sau, những cuốn sách đã về đến hiên nhà tôi. Quá nhiều sách. Hằng hà sa số sách. Tôi hào hứng mở từng thùng sách. Tôi sung sướng sắp xếp từng cuốn sách. Tôi hạnh phúc khi đọc từng cuốn sách và sắp xếp lại chúng lần nữa. Tôi dành hàng giờ đồng hồ để bày biện sách theo tên nhà xuất bản, rồi theo tựa sách. Dẫu vất vả thế nào cũng chẳng là vấn đề nữa rồi, vì tôi đang đắm chìm trong biển sách này. Mọi người sẽ đến ăn tối và nhìn thấy phòng ăn rộng rãi trước đây của tôi giờ ngập tràn những cuốn sách. Đọc sách! Đọc lại lần nữa! Đề nghị! Đề cử! Đọc danh sách đề nghị của các thành viên khác trong hội đồng! Thế mà tôi vẫn chưa đã. Phải kiềm chế lắm tôi mới không thao thao bất duyệt về sách suốt ngày. Ấy vậy mà mọi người vẫn bắt đầu tránh mặt tôi.

Tầm một tháng sau khoảng thời gian đầy hưng phấn ấy, tôi nhận ra là mình phải phẫu thuật. Chẳng sao, “mình có thêm thời gian để đọc sách thôi”. Khi bệnh tình diễn biến tệ hơn tôi nghĩ, chính những cuốn sách đã giữ sự lạc quan trong tôi. Cuộc phẫu thuật thứ hai của tôi diễn ra cùng ngày với ngày ALSC thông báo kết quả giải thưởng. Sau khi thuốc mê hết tác dụng, câu đầu tiên tôi hỏi chồng mình là: “Cuốn nào đã thắng giải Newbery vậy anh?” Tôi cười hài lòng khi nghe chồng nói đó là cuốn Criss Cross. Tôi bay từ Nashville để tham gia buổi thảo luận của hội đồng BGHB. Đó là chuyến bay đầu tiên sau khi tôi bệnh, thế nên tôi vô cùng háo hức khi ngồi trên máy bay. Tôi biết rõ mình sẽ được nói chuyện trực tiếp về những cuốn sách với những người thật lòng quan tâm đến chúng. Hàng giờ đồng hồ thảo luận cùng hội đồng – cùng với tất cả những cuốn sách, bất kể lúc nào, cũng như đang tiếp thêm sức sống cho tôi. Tôi muốn nhiều hơn nữa. Thật nhiều hơn nữa. Ở lễ trao giải, tôi ngạc nhiên ngắm nhìn toàn thể khán giả - những người yêu mến sách, đang chăm chú lắng nghe những gì người thắng giải phát biểu. Nhưng đâu đó bên trong, lòng tôi nặng trĩu. Thế là một năm đọc sách đầy sung sức và nhiệt huyết đã kết thúc.  

Cho đến ngày nọ, chủ tịch ALSC - K.T. Horning, và tôi trò chuyện về sách (chứ còn chủ đề nào khác được nữa!). Tôi vẫn muốn làm việc cho hội đồng Geisel và ngày càng trở nên “ám ảnh” với chuyện đơn ứng tuyển tình nguyện viên của mình phải được “nâng cấp”. Tôi hỏi cô ấy liệu tôi có nên thêm vào bất cứ thứ gì khác để đơn của mình ấn tượng hơn không – và bớt đi công việc chính - nghề giáo, của mình. Trước đó, tôi viết rất nhiều bài phê bình sách, phát biểu tại CLNE và nói chuyện với các giáo viên tại chức. Tôi đã viết cho Booklist và Book Links, nhờ đó tôi cảm thấy giờ đây mình đã có một chút gì đó để cống hiến cho hội đồng. Chuông điện thoại lại reo. Lần này, tôi nhận được cuộc gọi từ một người tôi không quen biết, từ ALA, hỏi tôi có muốn làm việc cho hội đồng Geisel không. Ừ thì tôi không nghĩ rằng cô ấy có thể nói dứt câu trước khi tôi nhận lời! Tôi không muốn cho cô ấy bất cứ giây nào để cô ấy thay đổi quyết định.

Tôi nóng lòng muốn khui những thùng sách lần nữa và đọc chúng để tìm ra những cuốn sách hay nhất cho các độc giả mới bắt đầu đọc. Hội đồng ấy như một giấc mơ đối với tôi. Nếu tôi không nhận được sách trong vài ngày, tôi sẽ ngay tấp lự gửi email cho các thành viên trong hội đồng để xem liệu họ có nhận được sách chưa. Tôi sẽ nghiền ngẫm catalog của các nhà xuất bản để chắc chắn rằng chúng tôi nhận đúng sách và sẽ đọc từng review sách dưới góc nhìn của những độc giả mới bắt đầu đọc. Các cuộc thảo luận của hội đồng diễn ra sôi nổi, quá trình kiểm phiếu đầy căng thẳng, nhưng gọi điện thoại thông báo kết quả cho các tác giả và họa sĩ là một trong những việc tôi làm tốt nhất. Đừng khó chịu khi nhiều tác giả và họa sĩ chưa từng nghe đến giải thưởng, vì họ rồi sẽ vô cùng xúc động khi nghe chúng tôi giới thiệu về giải thưởng. Hoặc có thể là chúng tôi đã quá phấn khích khi kể về nó. Ngồi trong buổi họp báo và lắng nghe từng cuốn sách đoạt giải được xướng tên lên là niềm hạnh phúc tột cùng mà tôi có thể tưởng tượng.

Tôi muốn làm công việc này lần nữa. Tôi bị “nghiện” rồi. Ừ thì tôi tham lam đấy. Nhưng tất cả các hội đồng đã đủ người cho năm tiếp theo.

May mắn làm sao, có một ghế trống ở hội đồng Giải thưởng Coretta Scott King vào phút chót, và tôi đã gật đầu đồng ý lia lịa, đến mức gần như gãy cả cổ, khi chủ tịch hội đồng, Deborah Taylor, mở lời với tôi. Sau đó, ngay khi tôi đang rầu rĩ vì 2 năm ở CSK đã kết thúc thì tôi nhận được một cuộc gọi khác. Hỏi tôi có muốn ghi tên mình vào lá phiếu ứng tuyển vào hội đồng Giải thưởng Caldecott không á hả?

Tất nhiên là có rồi. Thú thật là tôi vô cùng lo lắng, nhưng tôi muốn thử. Lá phiếu khiến tôi bồn chồn vì tôi biết rằng tiểu sử của mình sẽ gào lên: “Cô chỉ là một giáo viên bình thường thôi”. Nhưng đó là Caldecott! Tôi không thể bỏ lỡ cơ hội quý báu này. Và tôi được chọn. Và tôi làm việc ở đó. Dao cắt thùng giấy của tôi đã làm việc cật lực. Những giá sách của tôi bắt đầu rên rỉ, nhưng tôi không bao giờ phàn nàn. Đây là thiên đường.

Lạy chúa, tôi mới may mắn làm sao! Tôi được đắm chìm vào những cuốn sách và kể về chúng với những người thông thái nhất: các thủ thư, nhà phê bình và giáo viên yêu thích sách. Tôi hiểu được những thử thách và sự phức tạp khi làm ra một cuốn sách cho những độc giả mới. Tôi nhận được sự may mắn đặc biệt từ việc đánh giá sách bởi/về những người Mỹ gốc Phi. Tôi trở nên thành thạo, đầy kinh nghiệm trong việc điều hành các hội đồng giải thưởng giả định, với đủ các thể loại, cho các em học sinh lớp hai của mình; hỗ trợ câu lạc bộ sách dành cho người lớn, giúp họ biết cách đọc sách tranh và những cuốn sách được xét giải thưởng CSK. Tôi đã luôn đọc sách của CSK, nhưng giờ có thể nói rằng tôi đã đọc mọi cuốn sách tranh và tiểu thuyết dành cho trẻ em được xuất bản ở Mỹ, do người Mỹ gốc Phi viết, trong hai năm liền. Đó là một thói quen tuyệt vời mà tôi vẫn duy trì, thậm chí tôi còn liên lạc với các thành viên của hội đồng hiện tại để đảm bảo rằng danh sách đọc của mình vẫn luôn được cập nhật.

Tôi đã học cách tôn trọng tuyệt đối quy trình làm việc của hội đồng và biết ơn tất cả thành viên của những hội đồng mà tôi đã phục vụ. Họ đã phải lắng nghe khi tôi “vận động hành lang” cho những cuốn sách, và tôi đã học cách chậm lại, từ tốn và đọc sách kỹ càng hơn. Tôi không bao giờ nhìn một gáy sách, trang cuối (endpaper), phần cuối sách chứa lời đề bạt/chỉ mục (backmatter), đường kẻ hay màu sắc của một cuốn sách cùng một kiểu nữa. Tôi vẫn còn nghe thấy giọng nói của những thủ thư giỏi giang – những người chỉ ra những điểm yếu mà tôi không để ý. Tôi yêu tính chất tập thể của công việc trong hội đồng sách – nó đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi nhiều năm nay. Tôi tận hưởng khoảng thời gian được ở trong một căn phòng toàn những người đọc sách vô cùng kỹ lưỡng, chăm chú, suy nghĩ sâu sắc và thực sự say mê sách. Tôi thích việc giải thích lý do tôi đánh giá cao một cuốn sách, và thậm chí còn thích được người khác thuyết phục để thay đổi quyết định của mình.

Tôi thích mở tất cả những chiếc thùng đựng sách.

Từ khi nhận được thông báo vào tháng 1 vừa qua ở San Diego, cuộc sống của tôi dường như khá trống trải. Những chiếc thùng đựng sách nằm ở hiên nhà không còn thuộc về tôi nữa. Nhưng ít nhất còn lại những chồng sách xếp lớp cao ngùn ngụn. Chúng thuộc về chồng tôi, người ở trong hội đồng Giải thưởng Boston Globe – Horn Book năm nay. Tôi cố gắng để không ghen tị. Tôi cố gắng không tìm ra một sự tính toán có chủ đích nào đó trong cách sắp xếp sách của chồng mình. Cố gắng nhiều lắm. Nhưng “cơn nghiện” của tôi quá lớn. Tôi không thể ngừng chia sẻ cho chồng mình những kiến thức nho nhỏ về những cuốn sách khi tôi “giúp” anh ấy khui thùng sách. Anh ấy cười nhẹ rồi ngay lập tức bỏ qua ý kiến của tôi. Chồng tôi biết rằng cách duy nhất để tôi vượt qua “cơn nghiện” này là “cai nghiện”, là tôi phải ngay lập tức “bỏ thuốc”.

À mà không biết còn mấy năm nữa tôi có thể ghi tên mình vào hội đồng Giải thưởng Newbery nhỉ?


---

Robin Smith là giáo viên lớp 2 tại ở Nashville, Tennessee. Cô có đam mê đặc biệt với sách tranh thiếu nhi, đã viết bài phê bình sách cho Tạp chí Kirkus, Tạp chí The Horn Book và phục vụ trong nhiều hội đồng giải thưởng sách thiếu nhi uy tín như Caldecott, Coretta Scott King và Geisel. Đam mê mãnh liệt và đánh giá sắc sảo về sách tranh của Robin là nguồn cảm hứng cho nhiều người đang phục vụ trong các hội đồng giải thưởng.

Tháng 6 năm 2017, Robin đột ngột qua đời. Để ghi nhận đóng góp to lớn trong lĩnh vực và tình yêu sách tranh thiếu nhi sâu đậm của Robin, những người phụ trách blog Calling Caldecott của Tạp chí The Horn Book đã bắt đầu Giải thưởng Sách tranh Robin Smith. Mỗi năm, họ sẽ chọn ra một cuốn sách tranh mà họ nghĩ Robin sẽ yêu thích và trao giải thưởng. Đó sẽ là một cuốn sách thể hiện những gì Robin tìm kiếm trong sách tranh, với tư cách là một người hâm mộ, giáo viên, phụ huynh và người phê bình sách.

Bài viết trên đây được Robin viết trên The Horn Book vào năm 2011, với tiêu đề:

LỜI BÀY TỎ CỦA MỘT KẺ “NGHIỆN” HỘI ĐỒNG GIẢI THƯỞNG 


Biên dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments