Trò chuyện với Matt de la Peña & Christian Robinson





Jules: Từ đâu mà cậu có ý tưởng cho câu chuyện này?

Matt: Vài năm trước, Steve Malk (người đại diện của tôi) gửi cho tôi một đường link để tôi xem các tác phẩm nghệ thuật của Christian. Anh ấy bảo rằng: “Cậu nhất định phải để mắt tới họa sĩ này. Anh ta vô cùng xuất chúng”. Chuyện này thậm chí còn trước khi Steve ký hợp đồng với Christian. Bởi vì Steve có gu rất chuẩn nên tôi cũng hào hứng muốn biết về tác phẩm của Christian. Khi nhấn vào đường link, tôi bị hớp hồn ngay. Tranh vẽ của Christian tràn ngập niềm vui. Giàu cảm xúc. Và khác thường. Nhưng thứ đánh vào tâm trí tôi mạnh mẽ nhất chính là chiều sâu của các tác phẩm. Cái hồn của tác phẩm. Trong số đó, có một bức vẽ chạm đến tôi sâu sắc – trong bức vẽ ấy, một cậu bé đang đi trên một chuyến xe buýt với bà.


Tạo hình CJ


CJ và Nana


Quá trình khám phá nhân vật CJ


Một năm sau, Jennifer Besser của Nhà xuất bản Putnam mua cuốn sách được viết dựa trên bức vẽ ấy của Christian, sau một buổi “chào hàng” của tôi. Câu chuyện tôi viết khởi đầu từ một điểm rất cá nhân của Christian và tôi. Christian hay đi xe buýt với bà suốt cả tuổi thơ. Người bà gốc Mexico của tôi làm chủ gia đình. Và tôi cũng có nhiều kỷ niệm đi xe buýt, nhất là trong 5 năm ở Los Angeles khi tôi ngây ngô mua một chiếc xe cũ, lại còn là hàng ăn trộm, từ một ông lão tốt bụng hay chống gậy và đeo một miếng bịt mắt (Chuyện thật 100%!). Tôi đã lọt vào nhóm người không có xe hơi ở một thành phố có số lượng xe hơi nhiều gấp 3 lần số lượng dân cư!





Khi bắt đầu viết câu chuyện, tôi nhanh chóng nhận ra thứ quan trọng nhất của nó chính là Nana – người bà của CJ. Nana là trung tâm của cuốn sách; là vẻ đẹp tiềm ẩn của Phố Chợ; là chiều sâu của những cuộc gặp gỡ dù ngắn ngủi nhất trên chuyến xe buýt. Có lúc chúng ta cần được dạy cách ngắm nhìn cuộc sống. Năm 2014, tôi may mắn được gặp bà của Christian – Nana ngoài đời thực. Bà ấy thật quý phái và đầy sự tự trọng. Điều ấy khiến cuốn sách càng thêm ý nghĩa đối với tôi.




Đáng buồn là bà tôi qua đời trước khi “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” ra mắt. Tôi rất buồn vì mình không bao giờ có thể gửi tặng bà một cuốn sách. Nhưng tôi đoán rằng Nana sẽ bảo tôi nhớ lại tất cả những khoảnh khắc hạnh phúc mà tôi đã từng trải qua với bà mình. Và có thể ngày nào đó tôi có cơ hội đọc “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” cho bà của Christian. Nghĩ đến thôi đã thấy tuyệt vời rồi!

Jules: Christian từng nói “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” là một câu chuyện rất cá nhân đối với hai cậu (và cậu ấy vô cùng sung sướng vì đã đưa cuốn sách này đến tay bà mình).

Nghiên cứu tạo hình Nana




Matt: Tôi cũng muốn chia sẻ hy vọng lớn nhất của mình dành cho cuốn sách này. Tôi mong rằng mọi người không xem “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” là cuốn sách chỉ dành riêng cho những độc giả đa dạng (*). Cuốn sách này dành cho tất cả độc giả.





Jules: Tôi thích cách cuốn sách chạm tới những vấn đề về tầng lớp, giai cấp mà không hề giáo điều chút nào.

Matt: Tôi bắt đầu viết một câu chuyện với những nhân vật đa dạng (**) nhưng không liên quan gì tới sự đa dạng. Ngoài ra, tôi nghĩ mục tiêu trong tất cả các tác phẩm của mình (bao gồm cả tiểu thuyết dành cho thanh thiếu niên) là truyền tải đến độc giả thái độ và nhân phẩm của những người bên lề xã hội.





Jules: Khác với thông thường, cậu biết ai sẽ là họa sĩ minh họa tác phẩm của mình.

Matt: Tôi biết biên tập viên thường để tác giả và họa sĩ minh họa làm việc độc lập, nhưng tôi nghĩ cuốn sách này nhận được nhiều lợi ích nhờ việc tôi biết rõ Christian là họa sĩ minh họa của nó. Tôi đã in ra bức vẽ cậu bé đi xe buýt với bà của Christian và đặt nó cạnh mình khi sáng tác câu chuyện. Tôi nghĩ rằng chính bức vẽ đã tạo ra giọng kể cho câu chuyện. Việc của tôi chỉ là nghe theo nó và bước vào câu chuyện.







Jules: “Trạm dừng cuối ở Phố Chợ” là cuốn sách tranh thứ hai của cậu, rất khác so với cuốn đầu tiên (Cuốn tự truyện “Hy vọng của quốc gia – Câu chuyện của một huyền thoại boxing Joe Louis”). Cậu đã đối mặt với thử thách nào, nếu có, khi sáng tác cuốn sách tranh hư cấu đầu tay?

Matt: Tôi rất may mắn khi được làm việc với Kadir Nelson trong cuốn tự truyện. Cuốn sách đầu tay của tôi. Với Kadir Nelson. Khá là khó tin. Một trong số những bức minh họa từ cuốn tự truyện ấy được treo trên bàn làm việc của tôi. Bất ngờ là quá trình sáng tác dường như không khác mấy. Đối với cả hai cuốn sách, hư cấu hay tự truyện, chúng ta đều cần phải tìm ra đặc điểm nổi bật của nhân vật. Từ đó, câu chuyện mới hình thành. Đối với tôi, cậu bé CJ cũng chân thật như Joe Louise vậy.

NHỮNG PHIÊN BẢN BÌA THỬ NGHIỆM BAN ĐẦU CỦA CHRISTIAN














CHRISTIAN CHIA SẺ ẢNH MỌI NGƯỜI ĐỌC SÁCH




Dịch từ bài phỏng vấn của Seven Impossible Things


#Chú thích của người dịch: 

Sách đa dạng (Diverse book): là một cuốn sách có nội dung về những trải nghiệm thường không xuất hiện trên các phương tiện truyền thông, có thể kể đến là phụ nữ, người không có ngoại hình theo chuẩn xã hội, người bản xứ, người da màu, sự đa dạng giới tính, người khuyết tật, các nhóm thiểu số về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo…

* Độc giả đa dạng (Diverse reader): là những độc giả được các nhân vật trong "sách đa dạng" đại diện, chẳng hạn như phụ nữ, người không có ngoại hình theo chuẩn xã hội, người bản xứ, người da màu, sự đa dạng giới tính, người khuyết tật, các nhóm thiểu số về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo…

** Nhân vật đa dạng (Diverse charater): là nhân vật trong "sách đa dạng", có thể là phụ nữ, người không có ngoại hình theo chuẩn xã hội, người bản xứ, người da màu, sự đa dạng giới tính, người khuyết tật, các nhóm thiểu số về sắc tộc, văn hóa và tôn giáo…

 

Post a Comment

0 Comments