Cẩm nang làm thế nào để nhẵn túi vì mua sách thiếu nhi ở Singapore

Mục đích của note này nằm ngay trong tiêu đề rồi đó mấy bạn. Đối tượng mà bài viết này nhắm đến là những ai yêu thích sách thiếu nhi, bất kể độ tuổi, giới tính, sắc tộc, tôn giáo, số tiền trong tài khoản hay trong ví nha.

Singapore có nhiều nhà sách, nhưng ở đây mình sẽ chỉ nói về những nơi mà mọi người có thể tìm thấy sách thiếu nhi, đặc biệt là picturebook. Chính vì thế sẽ không có những nhà sách đình đám kiểu như Book Actually hoặc Basheer Graphic Books (nhưng ai yêu thích vẽ minh họa, đồ họa thì cứ đến nha).

1. Woods in the Books


Tiệm sách này nằm ngay kế bên Book Actually, ở khu Tiong Bahru. Đây là một cửa hàng vô cùng đẹp và chỉ chuyên dành cho picture book. Chủ cửa hàng nghe đồn là một họa sĩ và rất nhiều postcard siêu đẹp trong tiệm này là do anh ấy vẽ.



Ảnh này mình lấy từ internet vì bên trong WITB không cho chụp hình.

Sách ở đây được bày trí đẹp, nhân viên thân thiện và số lượng sách thì phong phú. Một trong những điểm mà mình chú ý là các nhà sách ở Sing có vẻ đều chuộng nhập sách từ UK nhiều. Dù vậy, các tựa được giải thưởng của UK và US đều được cập nhật trong hiệu sách này nhé.
Ngoài sách ra thì cửa tiệm còn bán rất nhiều thứ xinh xắn như postcard handmade, đồ chơi và ti tỉ thứ khác làm cho ví tiền của bạn dễ hao hụt lắm.
Mua sách xong thì qua bên Plain Vanilla kế bên uống miếng nước, ăn miếng bánh cho hoàn hồn và coi sách mới mua nha. Khu Tiong Bahru nói chung là duyên dáng và thanh lịch, có gout (theo mình là đỡ xô bồ hơn Haji Lane), nên việc có hai viên ngọc như Woods in the Books và Books Actually cũng đáng để lặn lội đến để làm một chuyến lạc vô xứ tuổi thơ thần tiên lắm.

No. 3 Yong Siak Street, Singapore 168642
Trên website có hướng dẫn cho mình cách bắt xe bus, MRT thế nào để đến được. Tử tế hem?

2. Books Ahoy!

Đây là người anh em của Woods in the Books. Bạn nào làm biếng đi khỏi khu trung tâm quá, thích quanh quẩn ngay Orchard thì có thể ghé Book Ahoy!. Tiệm sách này nằm trong trung tâm Forum, một tòa nhà mua 3 tầng dành riêng cho các sản phẩm có liên quan đến trẻ em, từ đồ chơi, quần áo, trung tâm chăm sóc và dĩ nhiên là sách. Hồi 2012, ở ngay đúng vị trí này là Bookaburra, cũng là một cửa hàng sách thiếu nhi (mà mình đã tốn rất nhiềuuuuu tiền vào đây, trời mưa trời gió cũng ráng lội đến vì biết nó bán sách bao giờ cũng rẻ hơn Kinokunya vài đồng, nhưng năm 2015 thì nó đã đóng cửa). Sau đó Book Ahoy! thế vào vị trí này. May quá!


Books Ahoy! cũng là một cửa hàng tập trung chủ yếu vào sách tranh nhưng có bổ sung thêm in ít sách dành cho tuổi mới lớn, young adults. Cửa tiệm này cũng cùng style bày trí thanh lịch, sáng tạo như Woods in the Books và nhân viên thì cũng siêu thân thiện, dễ thương.

Địa chỉ của tiệm:
Forum #02-03, 583 Orchard Road, Singapore 238884
Tiệm nằm trên tầng 2 nha mấy bạn. Và từ MRT Orchard thì đi bộ khoảng 5 phút (qua 2 block nhà) là tới nha. Mấy bạn băng từ trung tâm Orchard qua đường Paterson thì nhớ dùng lối underpass nha, đừng cố lội qua giữa dòng xe vun vút, kẻo người ta bàng hoàng mà lại có thể không còn cơ hội coi sách về sau.

3. EverNew

Ở ngay kế bên Thư viện quốc gia Singapore (nơi hay tổ chức hoạt động của AFCC), khu gần MRT Bugis, có một khu vực thần thánh gọi là Bras Basah Complex. Chỗ này có rất nhiều các nhà sách cũ và mới, cũng có cả những nơi sẽ làm ví tiền của các bạn lao đao vô cùng như Art Friend ở lầu 3 hay Basheer Graphic Books ở lầu 4.
Trong cái khu nhìn cũ thiệt là cũ này, có rất nhiều hiệu sách cũ có bán sách thiếu nhi với giá không thể rẻ hơn được nữa, mọi người có thời gian tầm 2-3 tiếng thì cứ nhẩn nhơ từ từ lục, chắc chắn sẽ tìm ra một hoặc nhiều kho báu.


Tiệm này cũng có nhiều sách thiếu nhi lắm. Nếu có thời gian thì mấy bạn chịu khó lục ha.

Lần này mình kể về EverNew nhé. Cửa hàng nằm ở tầng trệt, bao gồm hai gian. Gian thứ nhất chủ yếu là các sách dành cho người lớn, với rất nhiều sách kinh điển. Gian thứ hai dành toàn bộ cho sách thiếu nhi, có rất nhiều picture book. Vì tất cả đều là sách đã qua sử dụng nên giá sách... cảm động vô cùng. Có quyển 1 đô, có quyển 2 đô, có quyển 4 đô. Mà nhiều thì lại còn được giảm giá. Ở đây, mình đã mua được 8 quyển sách picturebook mà chỉ có 15 đô Sing, tính ra chắc chỉ 250,000 vnd. Một số quyển còn mới tinh tươm. Nỗi khổ của mình (và mình đoán cũng sẽ là nỗi khổ của các bạn) là hầu hết các sách đều là hard cover, muốn mang về nhiều hơn nữa mà nghĩ tới đoạn nhét sao vô hết được valise để leo lên máy bay là cũng hơi suy sụp.


Một trong những phần rất bé của EverNew

4. Kinokuniya

Dân mê sách, tới Sing không có ai không biết Kino hết. Kino đã dời từ tầng 3 lên tầng 4 của Takashimaya, trung tâm mua sắm ngay kế bên Orchard Ion. Lý do mà mình để Kino xuống cuối cùng là vì... mình đã hết yêu Kino.

Kino ở Sing vẫn là cửa hàng sách lớn nhất trong hệ thống của Kino ở châu Á, thậm chí hơn cả Nhật, head quarter của Kino. Thứ mà Kino có thể cạnh tranh lại tất cả các nhà sách tư nhân, độc lập mà mình vừa liệt kê bên trên chính là số lượng sách khổng lồ của Kino. Mình từng ngồi trong Kino hết 4-5 tiếng mà vẫn cảm thấy chưa thấm tháp gì cả.

Lần đầu tiên mình vào Kino năm 2012, mình mới biết là hóa ra có thể có một hiệu sách khổng lồ đến mức chỉ riêng sách thiếu nhi, người ta phải xếp theo alphabet tên tác giả chứ không thì không biết sao mà kiếm ra... Trước đến giờ, trong các nhà sách mình từng đi, có lẽ chỉ có Powell’s Books ở Portland là vượt qua được Kino.

Nhưng chính việc có nhiều sách lại trở thành một con dao hai lưỡi của Kino. Lần gần nhất mình ghé thì khu thiếu nhi của Kino khá hỗn loạn. Các sách xếp lên kệ, quay gáy ra ngoài và rất khó để biết xem nên rút cuốn nào ra xem. Kino không có được sự trưng bày sách charming, có phong cách và thân thiện như các nhà sách độc lập khác.

Thêm một điểm làm mình phiền lòng với Kino là dạo gần đây các sách của Kino đều được bọc lại bằng nylon, hẳn là để bảo quản sách tốt hơn, chống việc đọc cọp tại chỗ. Dĩ nhiên nếu bạn rất muốn đọc quyển đó để biết nội dung thế nào, bạn vẫn có thể mang sách đến nhờ nhân viên tháo lớp nylon ra, nhưng mà... nó phiền thật mà phải không? Và nghĩ đến ngần đó lượng nylon được dùng để bọc sách, mình có một quan ngại sâu sắc về môi trường.

Ngoài ra, như mình đã nói ở phần trên, giá sách của Kino đắt hơn các cửa hàng khác. Nếu rảnh, mình so sánh giá của Kino với Bookaburra ngày xưa hoặc Woods in the Books bây giờ thì Kino luôn đắt hơn các hàng này vài đô. Mà nếu so với amazon thì chắc phải lệch cũng khá dữ dội...

Nhưng mà... thật ra đại gia ngành sách thì vẫn sẽ là đại gia thôi. Nếu bạn có thời gian thì cứ ghé Kino, hẳn là bạn cũng sẽ tìm được một quyển gì đó thú vị cho mình. Còn hiện giờ thì thât bụng mình ưng các nhà sách độc lập nho nhỏ, duyên duyên hơn :)
Chúc các bạn mua sách vui nha. Ai có update gì mới về các cửa hàng sách thì chia sẻ với bọn mình nhé.
Ghi chú: không phải tất cả các hình chụp đều là do mình chụp nhé, một số nơi không cho chụp ảnh nên mình dùng ảnh trên internet để minh họa.

Post a Comment

0 Comments