Vì sao ta đọc?



Xây dựng thói quen đọc cho trẻ đã trở thành một điều đương nhiên, khiến đôi khi ta - người lớn, không còn bận tâm suy ngẫm về lý do sâu xa. Vì sao con cần đến những câu chuyện, những áng thơ? Cuộc đời liệu con có khác đi nếu văn chương không tồn tại trong đời? Văn chương có ý nghĩa gì với số phận mỗi người?

Là giáo viên dạy văn, mình tự hỏi câu này rất nhiều lần. Khi đứng trước học sinh, mình tự hỏi liệu điều mình đang giảng đây có cần thiết hay không? Các con đọc nhật kí Anne Frank, đọc vài trăm trang trường ca Odyssey, học thuộc lòng lời thoại kịch Lưu Quang Vũ, … để làm gì? Cuối cùng, thì điều gì còn đọng lại khi tiết học này trôi qua? 

Mỗi người tìm đến văn chương với mục đích khác nhau. Có người tìm thấy sự đồng điệu tâm hồn qua những câu chuyện hư cấu lẫn phi hư cấu, trong vô vàn áng thơ nhân loại đã xướng lên. Có người đắm chìm trong miền đất viễn tưởng, tìm thấy cuộc phiêu lưu mình hằng mơ. Văn chương chứa đựng những ý tưởng bất khả, vì vậy cơi nới những biên giới mà thế giới thực không thể nào vượt qua, nhưng trong thế giới nội tâm lại hiện hữu rõ rệt. Văn chương kết nối những tâm hồn xa lạ, qua một cuốn sách có thể cùng rung động vì một điều giống nhau. Mỗi người có số phận riêng, và văn chương sẻ chia với số phận của tất cả, không chừa một ai. 

Trong thế giới của văn chương, ta được tự do cảm nhận, tự do chất vấn, tự do tìm ý nghĩa trong không gian vô biên của muôn vạn kiếp người, để rồi nhận ra, tâm hồn con người, cả về bề rộng địa lý lẫn bề dày lịch sử, luôn âm thầm tương thông. Có một tối mình cô độc trong căn phòng nhỏ, bỗng đoạn thơ của Nguyễn Tất Nhiên vang lên: “người từ trăm năm / về qua sông rộng / ta ngoắc mòn tay / trùng trùng gió lộng”. Đoạn thơ đến bất chợt như bàn tay vô hình đang chìa ra nắm lấy bàn tay mình, như một hơi ấm bao bọc cõi lòng chênh vênh.

Văn chương cho ta nhìn vào tâm hồn mình từ một khoảng cách. Ta học cách đồng cảm, suy ngẫm, quan sát trải nghiệm của một nhân vật khác, từ đó trưởng thành và can đảm hơn khi nhìn vào những chiều kích sâu rộng trong trải nghiệm của chính mình. Nhưng trải nghiệm đó không thuộc về một cá nhân nào, mà thuộc về nhân tính của loài người, trong đó có ta. 

Trong thế giới nội tâm, ta phải liên tục làm việc với những mong ước, suy tư, cảm xúc, cái thấy biết của chính mình. Trong thế giới ấy, ta phải bền bỉ, kiên gan đến cùng để làm những công việc khó nhọc để tìm ra sự thật, để hoàn thành việc bếp núc của vai trò là-một-con-người. Văn chương cho ta chất liệu để làm công việc “lao động nội tâm” đầy gian nan ấy - con đường duy nhất giúp ta nhích gần hơn đến câu trả lời cho câu hỏi: vì sao ta sống?  



Post a Comment

0 Comments