Anna Morrison học ngành minh họa tại Đại học Nghệ thuật Camberwell ở London, nhưng cô không biết chắc chắn mình sẽ làm gì khi tốt nghiệp. Vào năm cuối đại học, một giáo sư nói với cô rằng cô sẽ “‘phù hợp với ngành xuất bản’, bất kể điều đó có nghĩa là gì,” Morrison nhớ lại - và, đúng vậy, hóa ra giáo sư ấy đã tiên liệu vô cùng chính xác. Quả là một sự ngẫu nhiên đầy may mắn!
Những năm tiếp theo sau đó, Morrison đóng đô ở Anh và làm việc với đội ngũ nhân viên tại hai nhà xuất bản (NXB) Random House và HarperCollins, và hiện nay quản lý các hoạt động độc lập của mình, phục vụ nhiều NXB khác nhau.
Về vị giáo sư ngày xưa, “Tôi tình cờ gặp lại giáo sư vài năm sau đó và cho cô biết rằng lời đề nghị năm xưa của cô đã ảnh hưởng đến cuộc sống của tôi như thế nào. Đáng tiếc là giáo sư không thể nhớ ra tôi. Ha ha!”.
Trong bài phỏng vấn này, Morrison chia sẻ về những cuốn sách đã đặt nền móng cho tương lai của cô, về cách tìm cảm hứng ngoài đời thực, về công việc công sở và làm việc tự do, và nhiều chuyện khác nữa.
Có phải lúc nào chị cũng thích đọc sách?
Tôi nghĩ là phải. Ký ức mà tôi nhớ được đầu tiên và lâu nhất từ khi còn là một em bé là hình ảnh mẹ tôi đọc sách cho tôi nghe trước khi đi ngủ mỗi đêm. Tôi luôn luôn háo hức mong chờ quãng thời gian ấy – quãng thời gian mẹ con tôi được ở bên nhau. Nhờ có hai chị gái và đông đảo anh chị em họ hàng nên tôi may mắn được “thừa kế” vô số cuốn sách, đủ để tôi xây được một bộ sưu tập sách khổng lồ và đa dạng các thể loại. Khi tôi lớn hơn, sách trở thành một lối thoát cho tâm hồn, nhất là trong suốt những năm tháng lênh đênh, dễ cảm thấy tổn thương của một đứa trẻ mới lớn.
Cuốn sách chị yêu thích lúc nhỏ là gì?
Không những say mê vô số cuốn sách tuổi thơ, mà dường như tôi cũng thích sách do chính mình làm ra. Cuốn “Harquin” của John Burningham chắn chắn là một trong những cuốn sách yêu thích của tôi; tôi vẫn còn giữ một bản siêu quý hiếm có những nét vẽ nguệch ngoạc của mình trong đó. Minh họa của John có thể nói là một tuyệt tác nghệ thuật, còn văn phong vô cùng vui nhộn, cảm động và sâu sắc. Tôi cũng thích tác giả - họa sĩ David McKee nữa…
Những cuốn sách của NXB Ladybird ra đời vào những năm 1970-1980 gợi lên nhiều cảm xúc vô hình trong tôi khi đã trở thành người lớn. Hầu hết tuổi thơ của tôi dành để đọc những cuốn sách này, chủ yếu là đọc ở trường học. Tôi nhớ gần đây mình đã tình cờ nhìn thấy vài trang cuối trong “Tuyển tập truyện đọc trước giờ đi ngủ của Ladybird” (với tranh vẽ đẹp tuyệt của James Hodgson) và cảm giác như mình gặp lại một người bạn cũ vậy. Tác phẩm của những họa sĩ minh họa đậm chất Ladybird thời ấy hơn nữa như Harry Wingfield, Eric Winter và John Berry cũng khiến tôi dâng trào cảm xúc hoài niệm, bâng khuâng – tôi không biết chính xác mảnh ký ức nào trở lại nhưng rõ ràng là nó đang hiện hữu, âm ỉ sâu trong vô thức của tôi.
Tôi còn muốn kể về Jill Barklem – người đã sáng tác và minh họa những cuốn sách “Miền Dâu Dại” mê hoặc lòng người. Tôi thích những câu chuyện phiêu lưu theo dòng chảy thời gian bốn mùa của gia đình nhà chuột trong khung cảnh miền quê bình yên của vùng nông thôn nước Anh. Những ngôi nhà của họ nhà chuột nằm gọn trong các thân cây với những chiếc cầu thang nhỏ ngoằn nghèo hút tầm mắt, những hành lang be bé dẫn đến những nhà kho bất tận, những căn bếp ấm cúng với ngọn lửa rực cháy và những chiếc tủ đựng đồ bằng sành với kích cỡ vừa vặn họ nhà chuột. Chúng ta có thể ngắm nghía chúng hàng giờ và vẫn tìm thấy một cái gì đó mới mẻ.
Cuối cùng là Dick Bruna yêu quý. Tôi có thể ghi nhớ rõ ràng, sống động những cuốn sách về thỏ Miffy mình có và mang theo chúng đến mọi nơi. Chúng thật giản dị và sống động với những câu chuyện nho nhỏ đáng yêu. Bruna nói về Miffy thế này: “Đó là tất cả những gì bạn cần. Với hai chấm tròn be bé và một dấu x nho nhỏ, tôi phải làm cô thỏ hạnh phúc, hoặc chỉ vui vẻ một tí tẹo, bực bội một tí tẹo, rầu rĩ một tí tẹo – và tôi phải làm vậy hết lần này đến lần khác. Có một khoảnh khắc tôi nghĩ, thôi được rồi, giờ thì cô thỏ thực sự buồn bã rồi đấy. Tôi phải giữ cô thỏ như vậy.” Khi còn ở đại học nghệ thuật, tôi phát hiện ra Bruna còn là một nhà thiết kế bìa sách xuất chúng, và ông luôn luôn là một trong những nhà thiết kế yêu thích của tôi. Ông ấy thiết kế hàng ngàn bìa sách với phong cách rất đặc trưng, đơn giản và độc giả dễ dàng nhận biết, điển hình như thỏ Miffy.
Chị đã làm gì hồi nhỏ để nuôi dưỡng khả năng sáng tạo? Có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chị có tài năng về mặt thị giác không, và chuyện gì đã xảy ra?
Những lúc không đọc sách thì tôi sẽ vẽ vời. Nhà tôi sống ở nông thôn Bắc Ai-len và các chị của tôi thì đều đã lớn cả rồi, điều đó có nghĩa là cuối tuần và các kỳ nghỉ hè sẽ khá dài, cô đơn và tẻ nhạt. Mẹ tôi sẽ mua hàng đống thùng carton khổng lồ ở siêu thị cho tôi và tôi sẽ làm chúng bằng phẳng và dành hàng giờ đồng hồ vẽ vời các thị trấn, nhà cửa (lấy cảm hứng đặc biệt từ “Miền Dâu Dại”), “các cảnh tượng lịch sử”. Tôi thực sự ước rằng mẹ mình vẫn còn giữ một vài trong số đó. Ở trường học thì tôi khá là lộn xộn, mất trật tự, không lập kế hoạch tốt được. Tôi ghét môn toán và khoa học, cực kỳ dở ở hầu hết các môn thể thao, ấy vậy mà đối với các tiết học nghệ thuật, tôi lại háo hức và mong chờ nhất.
Chị đã học ngành minh họa tại Đại học Nghệ thuật Camberwell. Chị có từng nghĩ mình sẽ trở thành một họa sĩ minh họa toàn thời gian không?
Tôi không chắc minh họa là một lựa chọn khả thi đối với mình. Khi học ở trường, tôi chắc chắn chưa từng triển khai các ý tưởng của mình, phát triển ý thức về bản thân hay tìm kiếm phong cách minh họa của riêng mình cho đến khi tốt nghiệp. Đó là quãng thời gian khó khăn đối với cá nhân tôi – tôi chỉ vừa mới chuyển đến London, còn ngành minh họa mình theo học lại khá cập rập bởi nó là một chương trình cử nhân mới mở ở Camberwell.
Đâu là bìa sách đầu tiên chị thiết kế?
Đó là tự truyện của Peter Falk lẫy lừng (từ Comlumbo) của Random House, tên là “Chỉ một điều nữa”. Một công việc đầu tay cực kỳ tốt. Tôi nhớ rằng khi bản thiết kế trở về tay mình từ cuộc họp chọn bìa, và được duyệt, tôi đã hỏi liệu mình có thể thay đổi nó không!
Sau Random House, chị làm việc cho HarperCollins. Hiện tại chị làm việc độc lập. Có phải chị thích công việc tự do hơn?
Tôi nghĩ cả hai kiểu đều có ưu điểm và hạn chế. Tôi nhớ cảm giác được bao quanh bởi những con người đáng yêu và đầy cảm hứng mà mình làm việc cùng, tám chuyện, đùa giỡn rồi cười phá lên (nhưng không gây ồn ào nhé, tôi học được rằng nhà xuất bản là một nơi yên tĩnh) và các thể loại trà ở văn phòng, và tôi cũng nhớ cả những lúc máy tính của mình đột ngột “đình công”, rồi ngay lập tức một ai đó xuất hiện để giúp mình sửa nó. Nhưng tôi ghét xã giao, những buổi họp bàn nghệ thuật bìa sách và những buổi sáng phải bắt đầu làm việc từ rất sớm. Và quan trọng nhất là bây giờ tôi đã có con, làm freelance khiến tôi tự do và linh hoạt giờ làm việc của mình hơn.
Chị có nghĩ rằng tác phẩm của mình có một phong cách xác định không?
Tôi không nghĩ vậy. Tôi nhận ra mình chẳng phải một nhà thiết kế có kỹ thuật cực tốt hay sành sỏi gì cả, và tôi nhận làm nhiều thể loại khác nhau, vậy nên thật khó để có một phong cách xác định. Dù rằng bạn bè cũng hay kể với tôi là họ có thể nhận ra một trong số các bìa sách do tôi làm ở nhà sách.
Nguồn cảm hứng của chị từ đâu đến?
Tôi dành hầu hết thời gian trong ngày ngồi trước màn hình máy tính để dễ dàng xem được các trang blog bắt mắt, Pinterest, Instagram…, chúng khá là hữu ích nếu cần tìm kiếm một nguồn cảm hứng đơn giản. Nhưng đối với tôi, để thực sự có cảm hứng cá nhân thì tôi phải rời khỏi máy tính, và chạy bộ, đạp xe, du lịch, đọc sách và cố gắng nhìn mọi thứ dưới một góc nhìn khác biệt. Đọc lại cuốn sách “Những cách thấy” của John Berger cũng giúp tôi rất nhiều. Hết lần này đến lần khác tôi tìm thấy cảm hứng bất ngờ xuất hiện ở những nơi lạ lùng nhất: trong giấc mơ kỳ cục của mình, từ một bức tranh của con mình, một món đồ kỳ quái tôi mua trên eBay, bạn bè, và đặc biệt là các nhà thiết kế và nghệ sĩ khác.
Tại sao chị thích thiết kế sách — hay bìa sách có ý nghĩa như thế nào đối với chị, theo nghĩa rộng?
Tôi luôn cảm thấy biết ơn vì đã tìm được công việc này. Nó là tổng hòa của những thứ tôi yêu thích. Tôi không thể tưởng tượng ra mình làm bất cứ công việc nào khác. Được yêu cầu thể hiện những điều mình cảm nhận về những câu chuyện và ý tưởng của ai đó là một đặc ân lớn, và nó mang một trách nhiệm rất lớn đối với tác giả.
(Những) Nhà thiết kế sách yêu thích của chị là ai?
À, để xem bạn có thể ghi chép được bao nhiêu. Rachel Willey, Helen Yentus, Helen Crawford-White, Paul Rand, Enid Marx, John Gall, Jo Walker, Suzanne Dean, Jonny Pelham, Na Kim, Romek Marber, Jon Gray, Tom Etherington, Hans Tisdell, Dick Bruna (hiển nhiên rồi). Tôi còn có thể kể thêm nữa đấy.
Bìa sách yêu thích nhất mọi thời đại của chị là gì?
Ôi trời, phải thú thật là tôi ghét câu hỏi này quá. Tôi cứ thay đổi suy nghĩ của mình mãi thôi. Nhưng nếu phải chọn một, tôi luôn chọn bìa của Marber vẽ cho cuốn sách “Ngày chủ nhật” của Georges Simenon. Đơn giản là nó thật tuyệt vời.
Bạn có thể đọc bài viết gốc tại đây.
Người dịch: Hà Thy
0 Comments