Chuyện học đọc từ xưa đến nay

Học đọc là một trong những siêu năng lực tuyệt đỉnh nhất của một đứa trẻ! Nhưng có bao giờ chúng ta dừng lại một chút và suy ngẫm xem mình đã làm việc đó như thế nào nhỉ? Và việc dạy trẻ học đọc chữ đã thay đổi theo thời gian ra sao?

Tại sao chúng ta đọc? Có 2 câu trả lời vô cùng đơn giản thế này.

(1) Chúng ta đọc vì niềm vui có được từ việc đọc. Cùng với âm nhạc, pizza và ngắm bọn mèo làm những trò ngộ nghĩnh trên Youtube, đọc là một trong những niềm vui bất tận của cuộc đời.

(2) Chúng ta đọc để học. Đọc và học đi cùng nhau nhiều đến mức biểu tượng của một cuốn sách thường chỉ “kiến thức”, cũng giống như 1 cặp mặt nạ thì dùng để chỉ “sân khấu”.


Bài tập về nhà thời xưa

Hiển nhiên là trước khi chúng ta đọc để học, chúng ta phải học để biết đọc chữ đã. Lịch sử dạy trẻ đọc đã đi qua một chặng đường dài với nhiều thay đổi theo năm tháng. Chúng ta thử nhìn vào cuốn bài tập về nhà của Hy Lạp với tuổi đời khoảng 2000 tuổi này nhé. Thực tế, đây không phải một cuốn sách mà chúng ta biết – nó là một miếng sáp! Ở phía trên, người giáo viên đã khắc 2 dòng của 1 câu châm ngôn Hy Lạp bằng sáp đen: “Hãy nghe theo lời khuyên của một người sáng suốt/ Đừng nên tin mọi người bạn của ta”. Người học trò viết lại câu này 2 lần nhưng mắc một số lỗi như quên mất ký tự đầu tiên, viết tràn ra lề và không đủ chỗ để viết dòng cuối. Giờ chúng ta thấy rõ rồi đó, cách giáo dục này thực sự không thú vị hay truyền cảm hứng gì mấy – có vẻ như giáo dục thời đó là một ngành khá là buồn tẻ.

 
Cuốn bài tập về nhà 2000 tuổi!

Tua nhanh thêm vài thế kỷ, chúng ta khám phá ra trẻ em được dạy đọc bằng những cuốn sách hướng dẫn sơ cấp, đôi lúc là những “cuốn tập đọc vỡ lòng”, đều xuất hiện ở Anh và các nơi khác từ khoảng năm 1450. Những cuốn tập đọc vỡ lòng không hẳn là sách, thực tế chúng là những miếng ván, tấm gỗ, tấm da hoặc đoạn xương. Bạn sẽ không thể khắc quá nhiều thông tin lên một cuốn tập đọc vỡ lòng nên thường chúng chỉ có bảng chữ cái và 1-2 câu thơ tôn giáo – vẫn chẳng thú vị chút nào nhỉ!


Tập đọc vỡ lòng ngày xưa.


Học với hình ảnh

Làm thế nào để dạy học trở nên thú vị hơn một chút đây? Ừm, để nghĩ xem… A, hình ảnh! Tốt lắm. Theo thời gian, các công cụ hỗ trợ giáo dục ngày càng trực quan, sinh động hơn. Chúng ta có thể thấy điều này một cách rõ ràng, từ cuốn “Orbis Sensualium Pictus” (Cuốn sách giáo khoa cổ xưa nhất cho trẻ em của Tây Âu được viết bằng tiếng Latin của Comenius) đến những bảng chữ cái bằng hình ảnh trên tường của bất cứ nhà trẻ nào ngày nay. Những hình ảnh thường được dùng để minh họa âm thanh của các ký tự là động vật, đồ ăn và đồ chơi – toàn bộ những thứ này đều thu hút trẻ em. Cuốn Orbis được xem là cuốn sách tranh đầu tiên của thiếu nhi với tràn ngập những hình minh họa cuộc sống thường ngày. Nào là các sinh vật, nhạc cụ, trận tennis, thành phố, nghệ sỹ nhào lộn và nhà bếp. Nào là tiệm sách, tiệm giày, phòng khám của bác sĩ, rạp chiếu phim và một đứa trẻ vô cùng nghiêm túc đang đọc trong phòng đọc của nó. Một trang khuyến khích trẻ em học bảng chữ cái bằng tiếng kêu của động vật – chẳng hạn như học chữ “B” từ tiếng kêu “be be be” của một con cừu hay chữ “X” từ tiếng kêu “xì xì xì” của rắn.


Một trang trong cuốn "Orbis Sensualium Pictus".



Học vì niềm vui

“Cuốn sách bỏ túi nhỏ xinh, Dành cho việc hướng dẫn và giải trí của cậu chủ nhỏ Tommy và cô Tommy xinh đẹp" (1744) là một bước tiến nữa. Nó được xuất bản bởi John Newbery – một thiên tài và ngày nay được biết đến như là “cha đẻ của sách thiếu nhi”. Newbery nhận thấy cách tốt nhất để trẻ học là biến mọi thứ trở thành niềm vui và ông đưa ý tưởng đó vào “Cuốn sách bỏ túi nhỏ xinh”. Đó là một kiệt tác của thiết kế và bố cục, với rất nhiều hình ảnh minh họa bắt mắt và vần điệu bắt tai và BÌA MÀU SÁNG RỰC RỠ. (Okay, tôi biết nó chẳng có gì đáng kể nhưng thời đó thì một chiếc bìa màu là một thứ mới toanh!). Cuốn sách thậm chí còn có quà tặng kèm: Một quả bóng cho bé trai và một chiếc gối giắt ghim cho bé gái. Hai món đồ chơi này một bên đen một bên đỏ, với mục đích khiến “Tommy trở thành một cậu bé ngoan và Polly trở thành một cô bé ngoan”. Một lá thư kèm theo cuốn sách từ "Jack – Kẻ hủy diệt khổng lồ", hướng dẫn cách sử dụng đồ chơi như sau: mỗi lần em làm một việc tốt, em hãy cắm một chiếc ghim vào bên đỏ, và ngược lại, mỗi hành động xấu nhận được một ghim bên đen. Quả là một ý tưởng đỉnh cao – một cuốn sách kèm quà tặng! Ngày nay bất cứ khi nào chúng ta mua truyện tranh, nó cũng thường đi kèm với đồ chơi hoặc bộ sticker miễn phí – nhưng hóa ra đây là một mẹo quảng cáo đã diễn ra hơn 250 năm!


Bên trong "Cuốn sách bỏ túi nhỏ xinh".

Sau thành công của “Cuốn sách bỏ túi nhỏ xinh”, các nhà xuất bản khác bắt đầu nhận thấy giáo dục có thể là một ngành kinh doanh có lãi, đặc biệt nếu họ tập trung vào việc làm cho mọi thứ trở nên thú vị, vui vẻ hơn như cách Newbery đã làm. Và vì vậy, những cuốn sách giáo dục trở nên lớn hơn, tươi sáng hơn và nhiều màu sắc hơn. Theo truyền thống, các trang sách giáo khoa dành cho trẻ em chứa đầy danh sách các từ cần học, hoặc các câu chuyện trong Kinh thánh và các đoạn văn dạy đạo đức nghiêm túc. Nhưng vào cuối những năm 1700, tất cả những thứ trên đã biến mất. Thay vào đó, những cuốn sách được xuất bản vào khoảng thời gian này chứa đầy những thứ thân thiện, gần gũi hơn nhiều. “Những bài học dành cho thiếu nhi của Anna Laetitia Barbauld” (1778–79) nhẹ nhàng và êm dịu: “Bò ăn cỏ, cừu ăn cỏ, ngựa ăn cỏ. Các cậu bé không ăn cỏ: không, họ ăn bánh mì và sữa.” Trong khi đó, “Sách chính tả vỡ lòng mới của trẻ em” (1799) đã thay thế Kinh Lạy Cha và sách giáo lý bằng các phiên bản của Cô bé Lọ Lem và Cô bé quàng khăn đỏ để khuyến khích học sinh tiếp tục lật mở các trang sách.

Biến việc học trở nên hài hước

Những cuốn sách như “Lịch sử của một chiếc bánh táo” (1845) và “Bảng chữ cái vô nghĩa" của Edward Lear (1865) không thực sự mang tính giáo dục, ít nhất là không theo nghĩa khắt khe của “giáo dục”. Với đầy những trò chơi chữ và trò lố, hai cuốn sách giống như trò chơi và giải trí hơn là những công cụ hỗ trợ giảng dạy thông thường. Chúng chơi đùa với ngôn từ và truyền thống - và vượt ra khỏi sự học. Trong “Lịch sử của một chiếc bánh táo”, các nhân vật được đặt tên theo các chữ cái trong bảng chữ cái và chúng đều làm một hành động ngớ ngẩn để có được một chiếc bánh táo. Ví dụ: "B búng nó", "D dung dăng dung dẻ vì nó", "Q quýnh quáng vì nó”. Còn bảng chữ cái từ A đến Z của Edward Lear thì tràn ngập các đồ vật kỳ lạ, từ một lọ mực không còn ngon để uống nữa đến một vị vua giận dữ - người mà trở nên nổi tiếng với “thời trang của sự giận dữ và đam mê”.


Cuốn sách “Lịch sử của một chiếc bánh táo”.


Là một nhà văn viết những cuốn sách "ngớ ngẩn" thời hiện đại dành cho trẻ em, tôi nghĩ rằng tất cả những thứ vô nghĩa này là một bước phát triển thực sự quan trọng. Chúng ta chỉ có thể ngớ ngẩn và sáng tạo với điều gì đó khi chúng ta đã hiểu nó và đủ tự tin để bắt đầu biến tất cả thành một trò đùa lớn. Những cuốn sách như “Bảng chữ cái vô nghĩa” cho tôi biết rằng vào những năm 1800, người ta đã trở nên thoải mái hơn nhiều với tư tưởng học tập ấu thơ của họ và bắt đầu nới lỏng các quy tắc. Đôi khi mọi người nghĩ rằng những cuốn sách hài hước cho trẻ em không quan trọng đến vậy - nhưng tôi không đồng ý. Nội dung “ngớ ngẩn” thường là bằng chứng cho thấy nội dung “nghiêm túc” đã được hiểu đúng ngay từ đầu.
Cuốn “Bảng chữ cái vô nghĩa" của Edward Lear.

Thêm các nhân vật

Cho các nhân vật xuất hiện nhiều lần trong sách giáo khoa là một trong những ý tưởng lớn của nền giáo dục thế kỷ 20. Từ những cuốn sách về “Janet và John” (1949 trở đi) đến những cuốn sách về “Peter và Jane” (từ sách “Kế hoạch đọc từ khóa của bọ rùa” vào những năm 1960) và loạt phim “Nippers” của Leila Berg (1972), kỹ thuật này đã được sử dụng nhiều lần nhằm thu hút sự chú ý của những tâm hồn trẻ thơ. “Nippers” đã mô tả cuộc sống hàng ngày của những đứa trẻ thuộc tầng lớp lao động. Trong cuốn sách “Tôi không bao giờ!”, hai cậu bé cãi nhau: “Cậu đã xô ngã xe đạp của tôi! Không, tôi không bao giờ làm vậy!” và trong lúc chúng đang cãi nhau, một đứa khác đã cuỗm chiếc xe đạp.

Cuốn “Tôi không bao giờ!”.

Khi tôi còn đi học vào cuối những năm 1970, chúng tôi đã học đọc với sự giúp đỡ của "Bangers và Mash", hai chú tinh tinh nghịch ngợm, phá phách. Khi chúng ta đang học bảng chữ cái ABC, có thể một loạt các nhân vật hài hước đang nhìn chằm chằm vào ta từ trang sách.

Tất cả những kỹ thuật đó. Tất cả những màu sắc tươi sáng, bìa sách lạ mắt, vần điệu hấp dẫn, các nhân vật vui nhộn, câu chuyện thân thiện, bố cục được thiết kế kỹ lưỡng và tất cả những thứ khác. Tất cả những kỹ thuật đó được dùng để thu hút trẻ em vào việc học đọc. Bất cứ chiến thuật nào được áp dụng cho bạn, chúng chắc chắn đã có hiệu quả. Bởi vì rốt cuộc - bạn đã có thể đọc được điều này, đúng không? ;D


Biên dịch: Hà Thy

Post a Comment

0 Comments