Cách đây chừng 10 năm, lúc người viết bài này mới bắt đầu bước chân vào ngành sách thiếu nhi thì sách tranh cũng đã xuất hiện đây đó rải rác. 10 năm trước là thời điểm mà Dự án Hỗ trợ Văn học thiếu nhi Việt Nam - Đan Mạch do Đại sứ quán Đan Mạch cùng nhà xuất bản Kim Đồng cùng tổ chức đã đi được một phần chặng đường. Chính dự án này cùng các cuộc thi đi kèm đã làm cho sách tranh phần nào trở nên quen thuộc hơn với giới sáng tác và minh họa. Từ năm 2011 đến nay, tổ chức phi chính phủ Room to Read cũng liên tục mở các chương trình tập huấn về sáng tác sách tranh cho tác giả và họa sĩ Việt Nam. Và vào năm 2015, sự kiện bản thảo sách tranh “Hành trình đầu tiên” của hai tác giả trẻ Huỳnh Kim Liên – Phùng Nguyên Quang đạt giải nhất trong cuộc thi do Scholastic Asia tổ chức quả thực đã thổi luồng sinh khí mới cũng như tăng thêm bao nhiêu cảm hứng cho giới sáng tác.
Sau hơn 10 năm, sách tranh đã dần dần trở nên phổ biến hơn ở Việt Nam. Các nhà xuất bản đã mạnh dạn không chỉ mua bản quyền và còn đầu tư sáng tác và ấn hành sách tranh nội địa. Phụ huynh cũng bắt đầu có niềm tin hơn vào tác dụng của việc đọc sách tranh cho trẻ em, thay vì cứ nhất quyết muốn con trẻ phải tập đọc bằng Mít Đặc và Hoàng tử bé.
Tuy nhiên tôi vẫn còn nhớ cái buổi chiều khi tôi đi vào nhà sách của Kim Đồng và tìm ra một cuốn thật đẹp, thật thú vị của tác giả Đan Mạch, được dịch ra tiếng Việt và in ấn chỉn chu. Cuốn sách nằm trong phần sách giảm giá. Khi tôi hỏi thì người bán hàng buồn rầu chia sẻ rằng phụ huynh bảo sách ít chữ quá, cảm thấy bỏ tiền ra mua không đáng. Con trẻ đọc 5 phút là hết vèo. Thế có gì mà đọc? Sự ngần ngại với quyển sách tranh ít chữ thật ra vẫn còn đó trong tâm lý của phụ huynh.
Vậy thì với một quyển sách ít chữ, ta biết cái đọc gì?
1. …thì ta đọc tranh
70%-80% nội dung của quyển sách tranh nằm ở phần tranh. Riêng tên gọi của loại sách này đã thể hiện đúng bản chất của nó rồi. Picture book nghĩa là một quyển sách có xương sống, linh hồn nằm ở tranh vẽ. Và thật ra có một câu chuyện nhỏ mà những ai làm sách mới biết, đó là thường chi phí cho phần tranh tốn kém nhiều hơn phần lời gấp đến 4-6 lần (tất nhiên trừ ngoại lệ về những tác giả quá nổi tiếng thì ngành công nghiệp này sẽ có công thức tính khác). Khi ta bỏ tiền ra mua một quyển sách tranh, thật ra chúng ta đã chi tiêu chủ yếu cho các bức tranh trong sách. Và điều này thật ra không hề hoang phí chút nào, nếu như ta hiểu rằng sách tranh cũng là một công cụ để giúp trẻ tiếp xúc với nghệ thuật và hình thành gout thẩm mỹ cá nhân từ những năm tháng đầu đời.
Đây là minh họa trong quyển "Olivia cừ khôi". Bạn đọc thấy trong tranh đang miêu tả mối quan hệ của hai chị em Olivia như thế nào?
Vậy thì nếu phần tranh đã được dụng công để vẽ ra như vậy, cớ sự gì chúng ta chỉ đọc vèo một phát là xong quyển sách mà lại không đọc tranh? Có phải vì chúng ta đều lớn lên thói quen đọc chữ nhiều hơn đọc hình và hầu hết chúng ta đều bối rối không biết xem một bức tranh thì xem những gì?
Ở điểm này, nếu ta quan sát sẽ thấy rằng trẻ em có thiên bẩm trong việc đọc tranh (hơn những người lớn). Các em có thể để ý thấy những chi tiết nho nhỏ trong tranh và đặt câu hỏi. Các em có thể hoàn toàn chưa biết đọc chữ nào cả nhưng khi xem một quyển sách tranh hay thì vẫn hiểu được toàn bộ câu chuyện và kể lại cho chúng ta nghe. (Ví dụ như quyển Ngủ ngon nhé khỉ đột!).
Và đối với giai đoạn này của trẻ em, việc “học đọc” không phải chỉ là học đánh vần chữ, đọc chữ mà còn cả việc học đọc các tín hiệu của hình ảnh. Kỹ năng này đang dần trở nên rất quan trọng trong đời sống hiện đại.
Minh họa trong quyển "Bert oách xà lách!". Bạn nhìn tranh đoán xem cảm xúc của chú chim đang như thế nào? Và hãy thử đọc lên cùng với lời văn bên cạnh.
Tất nhiên, ở vai trò là phụ huynh, người dẫn dắt, nếu ta có thể tham gia vào cuộc đọc và khám phá này cùng trẻ, các em (và cả chúng ta) sẽ có cơ hội để hiểu sâu hơn về quyển sách. Một quyển sách tranh chỉn chu thường được tác giả, họa sĩ, biên tập viên thảo luận kỹ từng chi tiết trong tranh. Đôi khi chúng ta sẽ bắt gặp những “bật mí” nho nhỏ của tác giả trong từng khung tranh, mà nếu bỏ lỡ thì thật quá tiếc.
2. …thì ta đọc chữ
Phần chữ dẫu chỉ chiếm 10%-20% dung lượng của quyển sách nhưng chính vì nó vốn đã rất ít nên nó lại càng được chắt lọc lại tinh túy. Phần chữ này vừa đủ để dẫn dắt chúng ta đi cùng câu chuyện, cùng tranh. Quan trọng hơn hết, nó vừa đủ cho khả năng đọc của một em bé đang làm quen với sách. Nó không làm khó em, không làm em nản. Nó là mảnh puzzle còn thiếu, ráp vào những bức tranh sẽ khiến cho câu chuyện trở nên thêm phần ý nghĩa.
Thậm chí đọc cả trang lót của sách cũng có những điều thú vị và khám phá nho nhỏ buồn cười để ta hiểu thêm về nhân vật trong sách đấy. Đây là hai trang lót của quyển sách "Tràn ngập cà rốt".
Phần chữ tí tẹo ấy sẽ không hề phù hợp khi ta đọc đều đều vèo một lèo là hết chuyện. Nó vừa đủ để cho ta thêm thắt, nhấn nhá phần của riêng ta vào trong một buổi kể chuyện cho các em nhỏ. Và mỗi đứa bé, khi đọc quyển sách tranh ấy sẽ lại có một phiên bản của riêng mình. Những con chữ ngắn gọn ấy là mảnh đất màu mỡ để ta thêm cảm xúc, diễn cảm khi đọc và làm cho trẻ thêm say mê quyển sách.
Khi đọc đến trang này thì mình chú ý đến những chữ được in hoa. Hẳn đây là một "hint" nho nhỏ cho người đọc chuyện. Hãy làm điệu bộ hoặc nhấn giọng để tạo ra thêm sự ly kỳ nhé. Minh họa trong quyển "Cô ngỗng Suzy ngốc nghếch mà không ngờ nghệch".
Hãy đi cùng với em nhỏ qua từng con chữ, nhất là những từ thú vị, hoặc những từ khó, những câu văn có nhịp điệu hoặc cách diễn đạt hay. Hãy đọc to chúng lên và bảo em nhỏ cùng tham gia đọc những từ này, câu này. Bằng cách đó, các em sẽ nhớ được cả từ vựng lẫn những thông điệp quan trọng trong câu chuyện.
Ấy là chưa kể một số tác giả còn bày ra cuộc chơi giữa tranh và chữ. Không phải lúc nào chữ cũng thể hiện hết những gì có trong tranh, không phải lúc nào chữ cũng bám sát hoàn toàn vào tranh. Tranh có thể ngược lại với những gì văn bản đang nói. Có những khi trong văn bản có những điều tinh tế nho nhỏ chờ chúng ta cùng khám phá với các em nhỏ.
Maurice Sendak, một trong cây đại thụ hàng đầu của sách tranh hiện đại, chia sẻ rằng ông mất gần 2 năm để chuốt từng câu từng từ trong quyển “Where the wild things are”. Sau khi tất cả trôi chảy rồi ông mới bắt tay vào vẽ. Vậy thì cơn cớ chi mà chúng ta lại chỉ đọc chúng trong 5 phút rồi thôi?
3. … thì ta đọc đi đọc lại nhiều lần và hãy đọc cùng các em nhỏ
Nỗi lo ngại lớn nhất của phụ huynh khi mua sách tranh là mua xong lỡ con đọc 5 phút, 10 phút là hết. Nếu thế thì chỉ cần mang con đến đọc ké ở nhà sách là ổn nhất. Nhưng thật ra chúng ta đang áp đặt cách đọc của người lớn lên trẻ em.
Người lớn ít khi đọc đi đọc lại một quyển sách (trừ một số quyển mà mình quá thích, nhưng số lượng này cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay). Người lớn quá bận rộn và có quá nhiều bận tâm nên không lặp đi lặp lại việc thưởng thức một tác phẩm với tần suất dày đặc như trẻ em. Có những em có thể nài nỉ bố mẹ đọc đi đọc lại một quyển sách tranh mỗi tối trong hàng tháng liền mà không chán, cho dù em đã thuộc nằm lòng cốt truyện. Ấy là bởi em muốn trải qua những cảm xúc khi nghe đọc thêm lần nữa rồi lại lần nữa. Trẻ con học và lớn lên từ những trải nghiệm lặp lại như vậy, nhất là khi những trải nghiệm đó đến từ những người thân thuộc với mình nhất.
Vui lòng trích dẫn nguồn khi chia sẻ hoặc đăng lại bài ở nơi khác.
Tác giả: Cô thủ thư Q và mèo Cad
0 Comments