So sánh hiệu quả phát triển từ vựng giữa đọc sách và trò chuyện với trẻ em

 Nghiên cứu chỉ ra rằng đọc to nội dung sách cho trẻ em nghe sẽ giúp bé xây dựng năng lực đọc hiểu nhiều hơn khi trò chuyện.

Trong quyển sách tranh The Pout-Pout Fish (tạm dịch “Chú cá mặt xị”), tác giả đã đan xen rất nhiều từ như “kinh ngạc” hay “cau có” vào câu chuyện về một chú cá dự định sẽ “nhân rộng sự cáu bẳn triền miên của mình lan ra khắp cùng trời cuối đất” cho đến khi… à mà, mình không cần tiết lộ kết cuộc đâu nhỉ.

Những quyển sách tranh giàu từ ngữ sinh động như thế vốn không hiếm và việc đọc to nội dung câu chuyện sẽ giúp trẻ em nâng cao vốn từ, theo như nghiên cứu mới nhất được tiến hành bởi Dominic Massaro, giáo sư danh dự ngành Tâm lý trường Đại học California, ở Santa Cruz. Ông cho rằng mặc dù cha mẹ có thể xây dựng vốn từ vựng cho con cái bằng cái trò chuyện với các bé, nhưng nếu họ chịu đọc sách cho con nghe thì hiệu quả còn tăng gấp bội.

Ông Massaro, chuyên gia nghiên cứu về chuyên ngành Tiếp thu ngôn ngữ và chữ viết, đưa ra ý kiến rằng: “Đọc to là cách tốt nhất giúp trẻ em nâng cao vốn từ và hiểu rõ về ngữ pháp, điều cơ bản giúp hình thành khả năng đọc.” Ông chỉ ra rằng sách tranh có thể chứa số từ vựng không-nằm-trong-danh-sách-5000-từ -thông-dụng nhiều gấp hai đến ba lần so với những cuộc đối thoại hằng ngày giữa ba mẹ và con cái.



Sách tranh thậm chí cũng chứa đựng nhiều từ không thông dụng hơn những cuộc đối thoại giữa những người lớn, ông nói.

“Khi trò chuyện, thật ra chúng ta lười lắm”, ông phát biểu, “chúng ta thường chỉ trỏ vào vật này vật kia rồi dùng đại từ và nhờ có ngữ cảnh mà mình hiểu được nghĩa của nó. Chúng ta chỉ trò chuyện ở một mức độ ngôn ngữ cơ bản thôi.”

Massaro chỉ ra rằng vốn từ khá giới hạn trong những cuộc hội thoại thông thường, gần gũi vốn vẫn được mệnh danh là “phương pháp trị liệu bằng cách trò chuyện”( tức là khuyến khích cha mẹ trò chuyện nhiều với con cái để tăng vốn từ của chúng) có những hạn chế của nó. Việc đọc sách tranh cho trẻ con không chỉ khiến các con tiếp xúc với nhiều từ vựng, mà còn có tác dụng giúp nâng cao trình độ cho những gia đình có nền tảng giáo dục thấp và quen chỉ sử dụng hạn chế các từ vựng.

“Thật ra việc thông thạo ngôn ngữ lúc trưởng thành có liên quan mật thiết đến việc tiếp thu từ vựng từ sớm, và sách tranh cũng là một phương thức hiệu quả đầy tiềm năng để hoàn thiện những kỹ năng liên quan đến ngôn ngữ cho trẻ em”- Massaro nêu ra như vậy trong bài nghiên cứu của mình.

Hai nhà nghiên cứu Betty Hart và Todd Rosley của Đại học Kansas cũng nhấn mạnh việc trò chuyện nhiều với trẻ con có thể giúp nâng cao vốn từ ngữ trong các nghiên cứu của mình. Họ nhận ra rằng mỗi giờ các bậc phụ huynh nhận trợ cấp xã hội dùng khoảng trung bình 620 từ khi trò chuyện với con cái. Betty Hart và Todd Rosley so sánh số liệu này với lượng 2150 từ mà các bậc cha mẹ có công ăn việc làm ổn định sử dụng trong cùng bối cảnh chuyện trò tỉ tê bên con cái. Khi lên ba tuổi, con cái của các bậc cha mẹ này nghe được hơn 30 triệu từ so với con cái của các phụ huynh nhận trợ cấp xã hội. Hart và Risley kết luận rằng cha mẹ càng trò chuyện nhiều với con cái, vốn từ của chúng phát triển càng nhanh hơn và vào năm các em 3 tuổi cũng như về sau, điểm kiểm tra IQ sẽ đạt cao hơn. Từ khi nghiên cứu của họ được công khai, đã có những khuyến khích nhằm thôi thúc những phụ huynh có thu nhập thấp trò chuyện nhiều hơn với con họ như một cách để nâng cao khả năng ngôn ngữ của các em.

Nhưng đọc nhiều sách tranh sẽ có ích cho tất cả trẻ em ở mọi tầng lớp xã hội, Massaro nói. Điều giới hạn ngôn ngữ của chúng ta ngay cả ở những người lớn được hưởng nền giáo dục tốt chính là “những nguyên tắc tất yếu của trình bày”, như phản xạ tức thời, ông đề cập. Điều này làm giảm đi tần số lựa chọn ngôn ngữ, vì vốn theo quán tính, người ta thiên về việc dùng những từ quen thuộc vì “nhanh và dễ”. Trong hội thoại, con người hay lặp lại những từ vựng đã được dùng qua, thế nên về lâu dài việc này sẽ ngăn cản chính họ sử dụng đa dạng từ ngữ.

“Văn viết, ngược lại, thì có tính trịnh trọng hơn”, giáo sư Massaro nói, “ngay cả đối với sách dành cho trẻ em. Đọc sách sẽ khiến việc giao tiếp trở thành dễ dàng. Nó đưa người ta đến một thế giới khác và đặt ra những thử thách cho chính họ.”

Đọc sách cho trẻ em và ngay cả trẻ còn đang chập chững rất quan trọng, ông nói, vì trẻ em thẩm thấu ngôn ngữ càng sớm, các em càng dễ dàng nhớ được chúng.

Massaro cũng khuyến khích rằng mỗi khi đọc thấy một từ mà không rõ nghĩa của nó là gì trong ngữ cảnh văn bản thì các bé lớn cứ đọc to từ đó lên và nhờ người lớn giải thích nghĩa của nó. Việc này sẽ giúp xây dựng vốn từ cho trẻ. Ông cũng cho rằng việc cho phép trẻ em tự chọn quyển sách mà các em thích và để các em tự lật trang sẽ giúp trẻ em chủ động và kết nối với việc học sau này.

Việc đọc sách cho trẻ cũng dạy các em khả năng biết lắng nghe, và “những ai có kỹ năng nghe tốt sẽ trở thành người đọc tốt” Massaro nói.

Massaro cho rằng 95% thời gian khi cha mẹ đọc cho con cái, trẻ con nhìn vào tranh, một phần vì trong sách tranh có phần định dạng văn bản chữ nhỏ, cầu kỳ khiến chúng trở nên khó đọc. Nếu những nhà xuất bản sách tranh dùng loại kiểu chữ to hơn và đơn giản hơn thì trẻ con có thể sẽ tập trung hơn vào từ ngữ, giúp các em trở thành những người đọc độc lập.

Trong bài nghiên cứu, ông so sánh số lượng từ trong 112 cuốn sách tranh phổ biến với những cuộc trò chuyện giữa người lớn- trẻ con và người lớn- người lớn. Những quyển sách tranh này được các thủ thư đề nghị và một phần do chính ông tuyển chọn, có thể kể tên như: “Chúc ngủ ngon Mặt trăng” hay “Nếu bạn tặng bánh quy cho Chuột”.

Hầu hết những quyển sách Massaro dùng đều là văn học, nhưng sách tranh dành cho trẻ con vẫn có thể thuộc thể loại phi hư cấu, khoa học, đề cập đến những chủ đề như động đất, cuộc sống đại dương. Sự đa dạng này khiến sách bao gồm nhiều lượng từ không thông dụng, và vì thế việc đọc sách cung cấp cho trẻ em những lợi thế rõ là hơn hẳn những cuộc trò chuyện thông thường.

Tác giả: Susan Frey

Nguồn bài dịch: https://edsource.org

Người dịch: cô thủ thư Tô

Post a Comment

0 Comments